Đưa 5 “đặc sản” văn hóa Việt Nam đến với thế giới

(Dân trí) - Từ ngày 27/5 đến 3/6/2011, Việt Nam sẽ đưa 5 di sản văn hóa thế giới gồm: Nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Quan họ Bắc Ninh và Hội Gióng Việt Nam tham dự triển lãm Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới tại Trung Quốc.

Theo thông tin từ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hoạt động quốc tế độc đáo nhằm quảng bá những nét tinh hoa của văn hóa Việt Nam ra thế giới này sẽ được giao cho Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế của Bộ tổ chức.

Cùng với những di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đến từ khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự triển lãm, những nét văn hóa tiêu biểu của Việt Nam sẽ có cơ hội được giao lưu, hội nhập với quốc tế đồng thời cũng khẳng định giá trị độc đáo và đặc sắc riêng biệt của mình. 

Đưa 5 “đặc sản” văn hóa Việt Nam đến với thế giới - 1
Hội Gióng trở thành di sản văn hóa phi vật thể của thế giới mới nhất của Việt Nam. (Ảnh: Anh Thế) 

Để có tên trong bản danh sách "Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại", mỗi di sản văn hóa phi vật thể của bất cứ một quốc gia và vùng lãnh thổ nào cũng cần phải được một hoặc nhiều quốc gia đề cử tới UNESCO trước khi được đưa ra xem xét bởi một ủy ban chuyên biệt.

Ngày 7/11/2003, Nhã nhạc Huế trở thành di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đầu tiên được UNESCO công nhân di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhã nhạc cung đình Huế là thể loại nhạc của cung đình thời phong kiến, được biểu diễn vào các dịp lễ hội. Theo đánh giá của UNESCO, "trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam, chỉ có Nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia". Nhã nhạc đã được phát triển từ thế kỷ 13 ở Việt Nam đến thời nhà nhà Nguyễn thì Nhã nhạc cung đình Huế đạt độ chín muồi và hoàn chỉnh nhất.

 
Đưa 5 “đặc sản” văn hóa Việt Nam đến với thế giới - 2
Những “đặc sản” văn hóa Việt Nam sẽ đến với triển lãm Di sản Văn hóa thế giới.

Những di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại lần lượt được UNESCO công nhận tại Việt Nam là Cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Quan họ Bắc Ninh và gần đây nhất là Hội Gióng. Đến nay, Việt Nam đã có 5 công trình được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại hứa hẹn sẽ quảng bá được những nét tinh hoa văn hóa của dân tộc tới bạn bé quốc tế, đồng thời cũng giao lưu, học hỏi và và tìm hiểu về bản sắc văn hóa của các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau tại triển lãm Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới tại Trung Quốc.

Anh Thế