Du lịch sông nước: Loạn cò, thiếu an toàn

(Dân trí) - Vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng vào sáng 21/3, tại chợ nổi Cái Răng, TP Cần Thơ làm 2 du khách chết đuối chỉ là một trong vô số thực trạng “nham nhở” của du lịch sông nước ĐBSCL.

Cò du lịch tranh hùng, cát cứ

Chợ nổi Cái Răng là khu chợ nổi đông đúc, lớn nhất ĐBSCL, chính vì thế lượng du khách trong và ngoài nước mỗi ngày đến đây tham quan rất đông. Lợi dụng tình trạng trên những tay “cò” tàu du lịch, tranh giành, chèo kéo khách hết sức bát nháo.
 
Du lịch sông nước: Loạn cò, thiếu an toàn - 1
Cò du lịch đang “tác nghiệp” tại bến Ninh Kiều (ảnh: NT).

Mỗi ngày từ 5 - 6 giờ sáng cho tới chiều tại bến tàu du lịch Cần Thơ có hàng chục người quần áo xốc xếch, chia thành nhiều nhóm tụ tập từ khu vực chợ nhà lồng cổ dài đến hành lang của bến để chụp giật, bắt khách.

Cứ thấy bóng dáng xe du lịch đến, các chủ tàu đều hăm hở nhào ra mời mọc, níu kéo cho bằng được. Một “cò” tàu đã ngoài ngũ tuần lôi tuột khách xuống bến xởi lởi: “Chị lấy giá hữu nghị cho, tàu chị bảo đảm an toàn. Vào chợ nổi 200.000 đồng, còn đi vườn du lịch Mỹ Khánh thì cho chị xin 300.000 đồng”.

Một chủ tàu cho biết: Ở bến Ninh Kiều có cả trăm tàu du lịch “chui”, việc tranh giành khách xảy ra như cơm bữa. Hễ người nào thấy xe “xí phần” trước, thì toàn bộ hành khách trên xe là của người đó. Chỉ khi khách trả lời không đi, thì mới tới lượt người khác hỏi.

Tuy nhiên, nếu số khách này đi tàu khác thì chủ tàu đó phải chi “hoa hồng” cho chủ tàu đã “xí” trước. Đó là đối với những chủ tàu có “máu mặt”, đông anh em. Còn đối với một số chủ tàu cò con thì chỉ đựơc chở khách theo tour hoặc khách quen.

Những người buôn bán quanh bến tàu Ninh Kiều còn cho biết thêm, ngày nào nơi đây cũng xảy ra việc cự cãi, chửi bới giữa những bà chủ tàu với nhau trong việc giành khách. Một hình ảnh thiếu văn hóa và phản cảm làm xấu một địa chỉ du lịch hàng đầu Tây Đô.

Tham quan như chơi trò mạo hiểm

Bà chủ tàu du lịch U60 “mời” khách lên chiếc vỏ lãi vênh váo trên sông rồi “thượng chân” đạp mạnh vào bờ. Thoáng chốc, chiếc tàu nhỏ chơi vơi sóng nước, bay lên bay xuống vì những đợt sóng lớn. Bà chủ tàu lim dim mắt kéo hết tốc lực, chiếc tàu bạch bạch xả khói đen ngòm lướt đi như chạy trốn.
 
Du lịch sông nước: Loạn cò, thiếu an toàn - 2
Những chiếc vỏ lãi thiếu an toàn là phương tiện du lịch chủ yếu
của sông nước miền Tây (ảnh: NT).

“Tranh thủ nhanh còn đi chuyến khác, chạy một chuyến lấy gì ăn hả mấy em” - bả nhoẻn miệng cười, rồi khom lưng bẻ đuôi tôm, chiếc vỏ lãi luồn lách giữa một rừng thuyền bè, có thể chìm bất cứ lúc nào. Thân tàu vừa đủ để ngồi, khách không có áo phao, bảo hộ gì.

“Cứ ngồi im, bám vào mạn đừng lắc lư, không chìm đâu mà sợ” - bà chủ tàu cười trong khi khách du lịch bạc mặt nhìn chiếc tàu chênh vênh trên những ngọn sóng. Gọi là tàu chứ thực chất đây là những chiếc ghe nhỏ chỉ chở tối đa không quá 4 người, để thuận tiện chở khách luồng lách vào các con kênh, rạch ngoằn ngoèo.

Những phương tiện này hoàn toàn “3 không”: không đăng ký đăng kiểm, không bằng lái, không phương tiện cứu sinh. Tàu nào cũng chở quá tải, bất chấp tín mạng du khách.

So với vỏ lãi hoạt động chở khách chui, thuyền máy của các đơn vị du lịch lữ hành tour tham quan chợ nổi “hoành tráng” hơn vì có mái che và động cơ. Tuy nhiên, hầu hết những con tàu này cũng đều không trang bị áo phao hoặc chỉ treo cho có.

Đơn vị du lịch chỉ lo đón khách mà phớt lờ chuyện bảo đảm an toàn, du khách cũng không mấy quan tâm đến chuyện an toàn trên mỗi chuyến đi... điều này dẫn đến một thực trạng: mỗi chuyến tàu tham quan chợ nổi đều thường trực một mối ẩn họa.

Nhật Trường