Thừa Thiên - Huế:

Dự án đường ven đầm phá chặn lối tránh bão của ngư dân

(Dân trí) - Một tuyến đường ven đầm phá Cầu Hai (huyện Phú Lộc) đang trong thời gian xây dựng đã trở thành nỗi lo sợ của hàng trăm ngư dân khi cản trở lớn đến ghe tàu lớn nhỏ vào vùng an toàn tránh bão.

Một tuyến đường ven phá nhiều bất cập

Tuyến đường ven đầm phá Cầu Hai kéo từ đèo Mũi Né đến Lộc Bình (huyện Phú Lộc), dài gần 4km, do Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng huyện Phú Lộc vừa thi công xong giai đoạn đầu. Tuy nhiên tuyến đường đã gây ra nhiều ảnh hưởng bất lợi cho ngư dân đang sinh sống xung quanh về việc neo đậu tàu thuyền mùa bão. 

Dự án đường ven đầm phá chặn lối tránh bão của ngư dân - 1
Tuyến đường ven đầm phá Cầu Hai đang là nỗi lo thực sự của ngư dân khi mùa bão đến

Từ tháng 5/2010, Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh TT-Huế đã chủ trì phối hợp với Chi cục Thủy lợi và PCLB tỉnh, phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc khảo sát, kiểm tra thực tế các khu neo đậu tàu cá tránh trú bão tại thị trấn Phú Lộc và xã Lộc Trì - nơi đang thi công tuyến đường trên.

Qua kết quả kiểm tra cho thấy: Phần đường thuộc thị trấn Phú Lộc thi công xong đã lấp 2 luồng ra vào 2 âu thuyền tránh trú bão của ngư dân thôn Bãi Quả và khu vực 4. Phía phần đường thuộc xã Lộc Trì nếu thi công tương tự sẽ lấp tiếp luồng ra vào âu thuyền thôn Đông Hải. Tổng số thuyền đánh cá gắn máy sử dụng âu thuyền tránh trú bão của 2 nơi này là 329 chiếc, chưa kể thuyền thủ công.

Dự án đường ven đầm phá chặn lối tránh bão của ngư dân - 2
Phần đường đã chặn ngang đường rút vào âu thuyền tránh bão của hàng trăm ghe tàu ngư dân

Phần cầu đi qua sông Cầu Hai chuẩn bị xây dựng với cao trình 1,5m sẽ chắn mất luồng ra vào tránh trú bão của hàng trăm tàu thuyền khai thác cá biển của thị trấn Phú Lộc và xã Lộc Trì., trong đó có 43 tàu xa bờ trên 90CV, chiếm hơn 1/5 tổng số tàu xa bờ của tỉnh TT-Huế.

Tuy Chi cục Khai thác & Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản đã có văn bản trình huyện Phú Lộc để báo cáo và kiến nghị nên xem xét lại nhưng cho đến nay, tuyến đường này vẫn được tiếp tục thi công một cách “bình thản”, bất chấp mọi lo ngại về sự an toàn của ngư dân khai thác đầm phá và biển.

Đường, cầu chặn lối vào trú bão của ngư dân

Để khảo sát thực địa, chúng tôi đã về tại tuyến đường trên. Dọc chiều dài đường chắn ngang đầm Cầu Hai với thôn Bãi Quả và khu vực 4, qua quan sát, có 3 điểm được ngầm cao trình xuống thấp hơn mặt đường 0,5m. Trong đó có chỉ có một điểm ngầm thấp cách mặt nước 0,2m. Hai điểm ngầm còn lại cao hơn mặt nước từ 0,5 đến 1m.

Dự án đường ven đầm phá chặn lối tránh bão của ngư dân - 3
1 trong 3 đoạn ngầm - nơi để tàu thuyền rút vào khi bão đã thiết kế cao hơn nhiều so với mặt nước

Ngư dân Trần Sim (48 tuổi, khu vực 4, thị trấn Phú Lộc) than thở: “Đường làm xong, mùa mưa bão năm ngoái bà con ở đây đều khốn khổ với việc di chuyển tàu ghe qua đường. Khi bão mới về, nước chưa lên đầy mặt đường nên tàu đánh cá nhỏ của tui không chạy qua được. Phải gần chục người kéo mới qua nhưng gió thổi mạnh quá nên tàu nghiêng, đập phần đáy vào mặt đường, hư luôn một mảng”.

Ngư dân Trần Minh (58 tuổi) cũng cho hay: “Phải đợi nước lên qua mặt đường quá đầu gối thì tàu mới vượt qua đường để vào nơi tránh bão được. Nhưng đợi đến lúc đó thì bão đã rất to, còn cả hàng trăm thuyền chờ đợi thuyền trước vượt đường nên đã bị ách tắc, đậu san sát nhau bị gió bão thổi va đập vào nhau hư hại”. 

Dự án đường ven đầm phá chặn lối tránh bão của ngư dân - 4
Nếu không có đường thì lúc trước chỉ với cầu tạm có ván, tàu thuyền dễ dàng rút vào nơi trú ẩn an toàn nhanh chóng khi bão đến

Theo lời kể ngư dân, trước lúc làm đường, ở đây có 3 cây cầu tạm nhỏ cao 2m dẫn nước từ đầm Cầu Hai vào. Lúc có bão, ngư dân chỉ cần dỡ các tấm ván trên cầu là tàu ghe cứ thoải mái ra vào. Việc thi công tuyến đường đã thay thế cầu tạm bằng các đoạn ngầm thấp xuống với mặt đường. Nhưng vì ngầm không “tới” - cao trình với mặt nước còn khá cao nên đã tạo thành chuyện “dở khóc dở cười” khi ngư dân phải chờ nước đủ lớn mới đưa phương tiện vào nơi trú ẩn an toàn. Đến lúc đó thì bão đã quá to, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của dân.  

Thường khi cơ quan khí tượng thủy văn dự báo có bão trước 1-2 ngày, ngư dân đã neo đậu tàu thuyền cẩn thận trong các eo bầu trú bão. Nhưng qua mùa bão năm 2010 đã xảy ra tình trạng “nước đến chân mới nhảy” khi hàng trăm ghe tàu chen chúc qua tuyến đường ngầm cùng lúc chạy đua với thời gian gấp rút khi bão đuổi cận kề sau lưng.

Cũng trong mùa bão 2010 tại các đoạn ngầm này, em Nguyễn Thị Hằng (học sinh lớp 4, khu vực 3, thị trấn Phú Lộc) khi đang đi xe đạp về nhà đã bị nước cuốn trôi ra xa ngoài phá. May có bà con kịp thời bơi ra cứu nếu không tính mạng đã nguy hiểm.

Tại xã Lộc Trì bên cạnh, nhiều ngư dân cũng đang thấp thỏm lo âu khi sẽ lâm vào tình cảnh tương tự với tuyến đường được thiết kế không có lối ra vào cho tàu thuyền như trước.

Riêng tại cây cầu đi qua sông Cầu Hai trên tuyến đường này vẫn đang được thi công với cao trình dương 1,5m, nếu mùa bão, nước dâng lên thì khó lòng mà các tàu cá công suất lớn với cột buồm cao chạy lọt qua để vào nơi tránh bão được. Khu vực này trước đây vốn chỉ khai thác thủy sản nhỏ lẻ đầm phá, mấy năm nay đã phát triển được đội tàu cá cỡ lớn chuyên đi xa bờ (mỗi chiếc từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng). Việc cho ngư dân không yên tâm khi đường vào nơi trú bão khó khăn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý làm ăn của đa số bà con. 

Dự án đường ven đầm phá chặn lối tránh bão của ngư dân - 5
Cây cầu qua sông Cầu Hai vẫn đang được tiếp tục xây dựng dù cao trình dương quá thấp: 1,5m - chiều cao này không đủ cho tàu cá công suất lớn chạy lọt qua trừ khi phải tháo cột buồm

Theo đề nghị của đại đa số ngư dân ở khu vực 4 và thôn Bãi Quả (thị trấn Phú Lộc), chính quyền nên hạ ngầm thấp xuống gần sát với mặt nước hay làm cầu tạm nhỏ cao khoảng 2m có thể tháo dỡ được để khi mùa mưa bão ngư dân kịp thời vào nơi trú ẩn an toàn.

Trao đổi với PV Dân Trí, ông Nguyễn Cửu Tường Phong, PCT UBND thị trấn Phú Lộc, cho hay đã nghe tình trạng dân báo cáo về sự mất an toàn và quá bất tiện về con đường chắn ngang luồng giao thông của ghe thuyền vào eo bầu trú bão. “Tuy qua mùa mưa bão năm 2010 chưa có chuyện gì xảy ra nhưng chúng tôi xin tiếp thu thêm ý kiến các anh và sẽ trình lên lãnh đạo cấp trên sớm nhằm có hướng giải quyết cho bà con trước mùa mưa bão năm nay” - ông Phong nói.

Rõ ràng, tuyến đường từ Mũi Né đi Lộc Bình đang còn nhiều bất cập khiến dư luận bất bình. Mong rằng chính quyền địa phương mà cụ thể là UBND huyện Phú Lộc sớm có giải pháp triệt giải quyết sự việc, đem lại sự yên tâm cho bà con trước mùa mưa bão năm nay.
 
Đại Dương