Khánh Hòa:

Đóng tàu cá vỏ thép, composite là góp phần bảo vệ chủ quyền

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng, để phát triển bền vững nghề cá hiện nay cần có cơ chế phát triển mạnh đội tàu cá vỏ composite, vỏ thép nhằm loại bỏ dần tàu vỏ gỗ đánh bắt ven bờ; giúp bảo vệ nguồn lợi, góp phần bảo vệ chủ quyền.

Tàu câu cá ngừ đại dương vỏ composite 
Tàu câu cá ngừ đại dương vỏ composite nằm trong dự án “Nâng cao thu nhập cho ngư dân và phát triển ngành khai thác cá ngừ Việt Nam bền vững” của Công ty Yanmar (Nhật Bản) và Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thuỷ thuộc Trường Đại học Nha Trang (UNINSHIP) phối hợp triển khai - Ảnh: Viết Hảo

Đó là một trong những nội dung tại “Hội nghị Khoa học vì sự phát triển bền vững nghề cá” do Trường Đại học Nha Trang tổ chức ngày 29/9. Tham dự Hội nghị có bà Ragnhild Dybdahl, Phó Đại sứ Na Uy cùng đại diện các tỉnh ven biển miền Trung như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa…
 
Tại Hội nghị, các chuyên gia cho biết, hiện nay đội tàu cá Việt Nam hiện có khoảng 120.000 tàu, hầu hết là tàu nhỏ, trang bị đơn giản, thiếu đồng bộ, trong đó, tàu cá vỏ gỗ chiếm hơn 90%... Bên cạnh đó, quy mô nghề cá Việt Nam hiện nay nhỏ lẻ, tồn tại nhiều vấn đề bất cập như đội tàu khai thác còn yếu kém, kỹ thuật đánh bắt và công nghệ bảo quản lạc hậu, cơ chế và chính sách hỗ trợ nghề cá chưa hiệu quả…

Theo PGS.TS Trần Gia Thái, Trường Đại học Nha Trang để phát triển bền vững nghề cá, đội tàu đánh cá hiện nay cần có cơ chế, chính sách để phát triển mạnh đội tàu cá vỏ composite và tàu vỏ thép nhằm tiến tới loại bỏ dần nhóm tàu vỏ gỗ công suất nhỏ đánh bắt ven bờ, bảo vệ nguồn lợi. Cần quan tâm tối ưu hóa mô hình đội “tàu mẹ” - “tàu con” phục vụ hiệu quả nghề cá của các địa phương - với tàu mẹ bằng thép, có kích thước lớn để làm dịch vụ hậu cần phục vụ đội tàu con bằng gỗ, composite.

Tuy nhiên, cần phát triển đội tàu cá vỏ thép theo lộ trình phù hợp về quy mô, chính sách quản lý, cơ sở hạ tầng và phải quan tâm việc đào tạo đội ngũ nhân lực có trình độ để phục vụ việc giám sát thiết kế, đóng mới, sửa chữa tàu cá vỏ thép, tàu composite. “Chủ trương của Nhà nước là hiện đại hóa và phát triển đội tàu xa bờ cỡ lớn là bước đột phá quan trọng để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo trong bối cảnh hiện nay”, PGS.TS Trần Gia Thái nói.

Với ưu điểm vượt trội của tàu composite như: kín nước, chi phí nhiên liệu thấp, phù hợp với ngư trường, bảo quản sản phẩm tốt… các chuyên gia cho rằng cần tập trung phát triển nhà máy đóng tàu đánh cá vỏ composite ở các địa phương ven biển; phát triển mô hình công ty cổ phần như của Yanmar (Nhật) trong đó các ngư dân góp vốn theo tỷ lệ 50/50 để hình thành các tổ đội khai thác do Nhật chuyển giao mẫu tàu, công nghệ đánh bắt và bao tiêu sản phẩm.

Cũng tại Hội nghị, Trường Đại học Nha Trang và Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (SBIC) đã ký kết thỏa thuận hợp tác một số lĩnh vực như: triển khai thiết kế các tàu đánh cá, tàu hậu cần nghề cá vỏ thép cho ngư dân các tỉnh khu vực Trung Bộ và Nam Bộ; hợp tác về hoạt động kỹ thuật; đào tạo nhân lực; trao đổi thông tin khoa học – công nghệ…
 

Ngày 25/8, “Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản” chính thức có hiệu lực. Theo nghị định này, Bộ NN&PTNT quyết định số lượng tàu đánh bắt xa bờ được đóng mới là 2.079 chiếc, số lượng tàu dịch vụ hậu cần gồm 205 tàu. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện đã có 5 ngân hàng thương mại sẽ dành khoảng 14.000 tỷ đồng cho vay đối với các tổ chức, cá nhân để đầu tư đóng mới, cải hoán tàu… theo tinh thần Nghị định. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết việc ban hành Nghị định 67 là thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước để tạo ra một bước đột phá nhằm thúc đẩy ngành khai thác thủy sản phát triển bền vững. Thông qua đó tạo điều kiện để ngư dân tham gia bám biển, đánh bắt xa bờ, bảo vệ chủ quyền biển đảo, đồng thời không để thất bại.  

Viết Hảo