1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đồng đội ơi, về đến Tổ quốc rồi!

(Dân trí) - Run run thả nắm đất xuống phần mộ liệt sĩ Lê Văn Kiệm, cựu binh Vũ Văn Hồng rì rầm “Đồng đội ơi, về đến Tổ quốc rồi!”. Trong 104 hài cốt liệt sĩ được cất bốc và đưa về nước lần này, chỉ duy nhất phần mộ của liệt sĩ Kiệm xác định được danh tính.

Lễ an táng 104 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh trên đất bạn Lào

Mùa khô năm 2016-2017, Đội quy tập hài cốt liệt sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An tìm kiếm và cất bốc 104 hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh tại 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Viêng Chăn và Xây Xổm Bun, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Sáng ngày 12/5, hài cốt các liệt sĩ đã được an táng trọng thể tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Nghi Lộc (Nghệ An).

Trong 104 hài cốt được tìm thấy lần này chỉ duy nhất một hài cốt liệt sĩ xác định được danh tính, địa chỉ cụ thể thông qua các di vật tìm thấy cùng phần mộ, đó là hài cốt liệt sĩ Lê Văn Kiệm (SN 1955, quê xã Gia Vân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình).

104 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh trên nước bạn Lào được tổ chức an táng trọng thể tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Nghi Lộc (Nghệ An) vào sáng 12/5
104 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh trên nước bạn Lào được tổ chức an táng trọng thể tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Nghi Lộc (Nghệ An) vào sáng 12/5

Từ Ninh Bình, hai người anh trai cùng người cháu ruột của liệt sĩ Kiệm đã vào Nghệ An và có mặt tại buổi lễ an táng từ rất sớm. Ông Lê Văn Kỳ, anh trai liệt sĩ Lê Văn Kiệm xúc động cho biết, năm 1972, mới 17 tuổi, em trai ông tình nguyện lên đường nhập ngũ. Năm 1973, gia đình nhận được giấy báo tử của liệt sĩ Lê Văn Kiệm.

“Từ đó đến nay, gia đình nhiều lần tổ chức tìm kiếm nhưng phần vì vướng thủ tục, phần vì điều kiện kinh tế nên không sang được địa điểm nơi em tôi hi sinh mà chỉ tìm kiếm ở các nghĩa trang liệt sĩ. Lần nào đi cũng hi vọng nhưng rồi thất vọng trở về. Mẹ tôi mất cách đây 2 năm, bố tôi qua đời năm ngoái khi nguyện vọng tìm thấy em tôi và đưa về quê hương vẫn chưa thực hiện được”, người anh trai liệt sĩ nghẹn ngào.

Thân nhân liệt sĩ Lê Văn Kiệm bên phần mộ vừa được an táng
Thân nhân liệt sĩ Lê Văn Kiệm bên phần mộ vừa được an táng

Nhận được thông tin từ Đội quy tập mộ liệt sĩ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An từ hồi tháng 3/2017, gia đình ông Kỳ nóng lòng chờ đến ngày được đón em về nước. Hôm nay, cùng gia đình đi đón hài cốt liệt sĩ Kiệm còn có 2 đồng đội chiến đấu cùng đơn vị ngày trước là ông Vũ Văn Hồng (quê Nam Định) và ông Nguyễn Duy Tân (huyện Gia Viễn, Ninh Bình).

Khi ông Kiệm hi sinh, hai người đồng đội đã trực tiếp chôn cất tại khu vực đồi 500, bản Khăm Ma Niên, huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng cùng với lọ penixillin có chứa mảnh giấy ghi rõ tên tuổi, địa chỉ, chức vụ, cấp bậc và ngày hi sinh.

Khi hài cốt liệt sĩ Kiệm hòa vào lòng đất mẹ, đôi mắt hai người đồng đội như nhòe đi. Ông Vũ Văn Hồng cúi xuống, thì thầm “Đồng đội ơi, về đến Tổ quốc rồi! Đừng trách chúng tao sao lâu đưa đồng đội về nhé”!. Còn cựu chiến binh Nguyễn Duy Tân nghẹn ngào: “Điều chúng tôi day dứt là khi đồng chí về với đất mẹ - điều bố mẹ đồng chí mong mỏi mãi nhưng hai cụ không đợi được đến khi đón con trở về”.

Cựu binh Vũ Văn Hồng cúi xuống phần mộ liệt sĩ Lê Văn Kiệm thầm thì: Đồng đội ơi, về đến Tổ quốc rồi!.
Cựu binh Vũ Văn Hồng cúi xuống phần mộ liệt sĩ Lê Văn Kiệm thầm thì: "Đồng đội ơi, về đến Tổ quốc rồi!".

Trong lần quy tập này, hài cốt liệt sĩ có tên là Vũ Văn Khanh (hoặc Khánh) cũng được tìm thấy. Bà Vũ Thị Bình (huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, liệt sĩ Vũ Văn Khanh tìm thấy lần này có tên trùng với em họ của bà.

Hiện bố mẹ, anh em ruột của liệt sĩ Vũ Văn Khanh (em bà Bình) đều đã mất. Sau nhiều năm tìm kiếm không có kết quả, hôm nay nghe tin trong số các hài cốt liệt sĩ có tên giống tên em mình, bà Bình đinh ninh đây là hài cốt của em trai. Hai người chị gái không kìm được nước mắt khi hài cốt liệt sĩ có tên trùng với em trai mình được hòa vào đất mẹ.

Bà Vũ Thị Bình (áo đỏ) bên phần mộ của liệt sĩ có tên Vũ Văn Khanh (hay Khánh) mà bà đinh ninh đó là người em của mình.
Bà Vũ Thị Bình (áo đỏ) bên phần mộ của liệt sĩ có tên Vũ Văn Khanh (hay Khánh) mà bà đinh ninh đó là người em của mình.

Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, hiện chưa thể khẳng định hài cốt liệt sĩ mang tên Vũ Văn Khanh được tìm thấy trong đợt quy tập lần này chính là liệt sĩ Vũ Văn Khanh quê Yên Hưng, Quảng Ninh. Cơ quan hữu quan sẽ lấy mẫu để xét nghiệm AND xác định huyết thống giữa liệt sĩ và thân nhân. Bởi chưa thể khẳng định đây chính là hài cốt em trai nên nguyện vọng đưa về an táng tại quê hương của bà Bình chưa thể thực hiện được.

Việc an táng hài cốt các liệt sĩ đã xong nhưng bà Đào Thị Hải Xuân (Đô Lương, Nghệ An) vẫn chưa ra về. Bà quanh quẩn trong nghĩa trang, tay cầm một tệp giấy photo đã nhàu. Đó là bản photo giấy báo tử và một số giấy tờ khác của liệt sĩ Lê Công Tích (hi sinh năm 1954 tại mặt trận Trung Lào) – cha của ân nhân bà Xuân và liệt sĩ Trần Quốc Sự - anh trai chồng.

Bà Xuân cùng bản sao giấy báo tử đi tìm hài cốt của liệt sĩ Lê Công Tích và Trần Quốc Sự tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Nghi Lộc
Bà Xuân cùng bản sao giấy báo tử đi tìm hài cốt của liệt sĩ Lê Công Tích và Trần Quốc Sự tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Nghi Lộc

Bà đi loanh quanh, không biết mình tìm gì giữa hàng mộ được đánh số thứ tự, những ngôi mộ mà lát nữa thôi sẽ được gắn tấm biển buốt nhói – liệt sĩ chưa biết tên. Bà bảo, lần quy tập liệt sĩ nào về, tổ chức an táng ở các nghĩa trang dẫu xa cả trăm cây số bà cũng đến, hi vọng sẽ tìm ra những manh mối dù nhỏ nhất về người anh trai thân yêu và bố của ân nhân đã ngã xuống trên nước bạn. Và lần nào bà cũng thất vọng trở về...

Bà Xuân đứng trước khu tượng đài, rì rầm cầu khấn. Dáng nhỏ bé, khắc khổ, già nua như in tạc lên trời xanh...

Hoàng Lam