1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Động” đến đất lúa, 1 m2 cũng phải xin ý kiến Thủ tướng?

(Dân trí) - Quy định chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đặc dụng phải xin ý kiến Thủ tướng nhận nhiều ý kiến phản biện trong trong hội nghị trực tuyến lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức ngày 24/4…

Thứ trưởng Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, bản dự thảo mới “bảo lưu” quan điểm quy định việc thực hiện sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu nhằm bảo đảm cho Nhà nước chủ động trong khai thác, sử dụng tài nguyên đất đai phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; người sử dụng đất được giao các quyền sử dụng đất và được Nhà nước bảo đảm việc thực hiện các quyền này, đồng thời có trách nhiệm thực hiện đúng các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đất đai.

UB Kinh tế của Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự thảo luật, tán thành quan điểm này với lý giải, chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai đã được quy định tại Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp 1992. Đất đai là thành quả do công sức khai phá, bồi bổ của các thế hệ người Việt Nam, thành quả cách mạng của nhân dân ta. Việc tiếp tục quy định sở hữu toàn dân đối với đất đai nhằm đảm bảo ổn định trong quản lý và sử dụng đất đai, ổn định xã hội.
Bộ TN-MT cho rằng quy định chặt việc sử dụng đất lúa là để đảm bảo an ninh lương thực.
Bộ TN-MT cho rằng quy định chặt việc sử dụng đất lúa là để đảm bảo an ninh lương thực.

Cơ quan soạn thảo cũng giữ nguyên quy định cũ về áp dụng cơ chế thu hồi đất để thực hiện các dự án phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia và các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Không thực hiện cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất nhằm đảm bảo phù hợp với chế định về sở hữu đất đai, giúp cho nhà nước chủ động tạo quỹ đất để đáp ứng yêu cầu phát triển.

Quan điểm này được cho là đang “vênh” so với dự thảo Hiến pháp sửa đổi mới được chỉnh lý vừa qua. Nội dung quy định mới nhất về chế độ sở hữu đất đai cũng như quy định về việc thu hồi đất đã loại bỏ nội dung thu hồi đất vì mục đích phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể về điều tiết địa tô chênh lệch phát sinh khi chuyển mục đích sử dụng đất, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ quy định tại dự thảo luật. Đó là Nhà nước điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại. Việc thực hiện quyền điều tiết của Nhà nước đối với trường hợp này được thể hiện cụ thể thông qua chính sách thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất; chính sách hỗ trợ và tái định cư khi Nhà thu hồi đất và chính sách thuế liên quan đến đất đai.

Các đại biểu kiến nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu và điều chỉnh làm rõ hơn những vấn đề như thu hồi đất cho phát triển kinh tế- xã hội; thế nào là sử dụng đất không đúng mục đích; đảm bảo sinh kế của người dân; giá đền bù…

Nhiều ý kiến đề xuất cần quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất nhằm khắc phục tình trạng tùy tiện trong việc cưỡng chế làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để các địa phương thực hiện thống nhất.

Ngoài ra, một số nội dung dự kiến sẽ được điều chỉnh, đó là Chính phủ sẽ quy định cụ thể hơn trình tự, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất để khắc phục tình trạng tùy tiện cưỡng chế lâu nay.

Chính phủ cũng sẽ “mạnh tay” hơn với các dự án chậm tiến độ. Theo đó, với các dự án chậm tiến độ hai năm tính từ khi nhận bàn giao đất thì sẽ phải nộp thuế lũy tiến (nếu không phải nguyên nhân khách quan do thiên tai, dịch bệnh, khủng khoảng kinh tế...). Ban soạn thảo cũng nhấn mạnh, nếu sau hai năm nộp thuế mà dự án vẫn treo thì nhà nước sẽ thu hồi lại đất.

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu và chỉnh lý dự thảo về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp; Bổ sung quy định cụ thể việc giải quyết đối với trường hợp bồi thường chậm khi Nhà nước thu hồi đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng, bảo đảm quyền lợi cho người sử dụng đất đối với trường hợp bồi thường chậm do lỗi của cơ quan nhà nước…
Thứ trưởng TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển (đứng) và Bộ trưởng Nguyễn Minh Quảng tại Hội nghị.
Thứ trưởng TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển (đứng) và Bộ trưởng Nguyễn Minh Quảng tại Hội nghị.

Một nội dung khác cũng nhận nhiều tranh luận là quy định chặt hơn về việc sử dụng đất lúa. Cụ thể, trường hợp giao đất, cho thuê đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để sử dụng vào mục đích khác thì phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Đồng Nai Lê Viết Hưng tỏ ý không tán thành hướng quy định này vì cho rằng, hầu như quy hoạch sử dụng đất đều đã được Chính phủ phê duyệt. Còn đặt vấn đề, cứ “động” đến đất lúa, bất luận quy mô, tính chất thế nào, một mét vuông đất mà cũng phải xin ý kiến Thủ tướng, sẽ rất rắc rối.

Cùng quan ngại này, đại biểu Nguyễn Thanh Thúy (Bình Định) cho rằng, quy định như vậy e sẽ tiếp tục nảy sinh cơ chế xin - cho rất phức tạp.

Đại biểu Lê Mộng Điệp (Khánh Hòa) đặt câu hỏi, khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt, thông qua, nếu phải xin ý kiến Thủ tướng để chuyển đổi mục đích sử dụng các diện tích đất, trường hợp Thủ tướng không đồng ý nghĩa là lại làm trái với quy hoạch, kế hoạch?

Ông Điệp đề xuất chỉnh sửa quy định theo hướng giao hẳn thẩm quyền xem xét, quyết định vấn đề này cho UBND tỉnh.

Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển giải thích, quy định này đưa ra nhằm mục tiêu bảo vệ nghiêm ngặt an ninh lương thực quốc gia và bảo vệ môi trường. Trong quá trình đưa ra lấy ý kiến nhân dân cũng đã có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Bởi vậy, ban soạn thảo dự kiến sẽ trình hai phương án.

Ngoài hướng quy định “xin ý kiến” này, phương án bổ sung là quy định cụ thể tiêu chí, quy mô và tính chất dự án phải được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư.

P.Thảo