Động đất ở Việt Nam xảy ra quanh năm

(Dân trí) - “Cơn chấn động địa hình tại Hà Nội chiều nay đã qua, nhưng động đất ở nước ta xảy ra quanh năm. Chúng ta phải sống chung với động đất thôi, chả có cách gì hơn cả, vì không ai biết được trước động đất sẽ xảy ra”.

Ông Nguyễn Văn Yêm, Tổ trưởng trực xử lý cảnh báo động đất của Trung tâm thông tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu) cho biết như vậy.

Trận động đất xảy ra tại vùng Sichuan (Trung Quốc) chiều nay đã gây không ít hoảng loạn đối với người dân Hà Nội, đặc biệt là ở những tòa nhà cao tầng. Đến thời điểm này, nó còn ảnh hưởng tới Hà Nội nữa không, thưa ông?

Trận động đất này dư chấn còn có rất nhiều, có thể kéo dài hàng chục năm trời mới hết. Sau trận động đất 7,8 độ richter tại Trung Quốc (thông tin mới nhất do các đài khu vực cung cấp - PV), sau đó đã xảy ra 2 đợt dư chấn lớn: 6,5 độ richter và trên 5 độ richter.

Hiện tại, các dư chấn (hiện tượng giải phóng năng lượng còn dư của trận động đất) còn khoảng 4 - 5 độ richter, nên khả năng con người cảm nhận thấy khá rõ ràng như hôm nay là ít, vì nó đã yếu đi rồi.

Trước khi Hà Nội bị ảnh hưởng bởi chấn động địa hình trận động đất tại Trung Quốc, vào lúc gần 2h sáng ngày 12/5, một trận động đất yếu 3,1 độ richter đã xảy ra trên vịnh Hạ Long, cách bờ biển Quảng Ninh khoảng 30 - 40km, gần vùng bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Tuy nhiên, trận động đất này không liên quan gì đến trận động đất 7,8 độ richter.

Những trận động đất lớn trong lịch sử:

Năm 1935, trận động đất mạnh 6,8 độ richter tại Điện Biên.

Năm 1968, trận động đất 5,5 độ richter xảy ra ở Nhã Nam, Yên Thế.

Năm 1983, trận động đất 6,7 độ richter tại Tuần Giáo (Lai Châu). Trận động đất này xảy ra ở xã Pú Nhung (quê anh hùng Vừa A Dính, làm cây cột nhà sàn ở đây dịch đi 16 cm). Độ sâu của trận động đất này xác định được 18 km.

Ngày 19/1/2001, động đất 5,3 độ richter xảy ra giáp ranh biên giới Việt - Lào, cách Điện Biên khoảng 12km).

Từ đó đến nay chưa có trận động đất nào vượt quá cường độ những trận động đất này.

Sau trận động đất này, Hà Nội và các vùng lân cận còn chịu ảnh hưởng bởi những trận động đất nào, thưa ông?

Trên thế giới, ở vành đai động đất Thái Bình Dương hàng năm có tới hàng triệu trận động đất, hoặc đới đứt gãy xuyên Trung Á cũng rất nhiều. Nhưng người ta chỉ công bố ra ngoài những trận động đất nào thiệt hại, gây ảnh hưởng tới dân chúng.

Nước ta cũng không ngoại lệ. Trận động đất nào từ trên 3,5 độ richter, ở những vùng nhạy cảm, Viện Vật lý Địa cầu sẽ thông báo tới các cơ quan chức năng và cơ quan truyền thông để thông tin tới người dân. Còn trên thế giới, động đất 5 độ richter trở lên người ta mới công bố.

Ông có nói là không thể dự báo được động đất, vậy theo nghiên cứu, khu vực nào nước ta chịu ảnh ảnh hưởng động đất nhiều nhất?

Vùng tương đối nhiều động đất là Tây Bắc, một năm 2 trận dộng đất mạnh (ảnh hưởng đến kinh tế, dân sinh) xảy ra là ít. Khu vực này nằm trên vùng đứt gãy Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, sông Mã…, lại rơi vào vùng thuỷ điện (như thuỷ điện Sơn La), nên người ta hay chú ý.

Xét theo khu vực địa lý, ngoài Bắc nhiều động đất hơn trong Nam. Theo bản đồ phân vùng động đất, phía Nam (vùng đảo Phú Quý, sông Cầu, đoạn từ kinh tuyến 109), thường có động đất cấp 7 (cấp gây khiếp sợ hoàn toàn, gây hư hại các công trình xây dựng, sạt lở taluy và làm cạn các khe suối).

Còn ở Hà Nội, trong bản đồ động đất phân vùng thì nó là động đất cấp 8.

Những trận động đất xảy ra gần đây có ảnh hưởng đến Hà Nội, gần như chỉ dân cư trên những tòa nhà cao tầng mới cảm nhận được. Đó có phải là vì những tòa nhà này được xây dựng chưa đúng quy chuẩn chống động đất?

Theo tôi, khi Bộ xây dựng khi cấp phép xây dựng cũng đã có xét đến những yếu tố này rồi. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng thấy người của những công trình xây dựng lớn đến xin tài liệu về những trận động đất. Cầu Thăng Long, Chương Dương, chúng tôi cũng đã làm những nghiên cứu về phòng chống động đất rồi.

Ảnh hưởng của động đất tại Hà Nội mỗi nơi cảm nhận một cách khác nhau, tại sao vậy?

Nền đất nơi nào chắc, thì nơi đó ít cảm nhận thấy động đất hơn. Ở Hà Nội, độ sâu mực nước ngầm nông, chỉ từ 6 - 10m, lại nằm trên nền lòng sông cổ (từ hồ Tây đi một vệt ra hồ Hoàn Kiếm) nền đất yếu, nên dao động của mỗi trận động đất hoặc ảnh hưởng động đất bị cộng hưởng lên.

Xin cảm ơn ông!

An Hạ