Đồng bằng sông Cửu Long trước nguy cơ mất 40% diện tích

(Dân trí) - Khi nước biển dâng cao một mét, gần 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long ngập trong nước. Đến năm 2100, Việt Nam sẽ có nhiệt độ trung bình tăng từ 1,6 - 3,7 độ C.

Sáng 23/3, Bộ Tài nguyên - Môi trường tổ chức kỷ niệm Ngày Khí tượng Thế giới. Chủ đề năm nay được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) lựa chọn là "Tăng cường sức mạnh cho tương lai bằng thông tin thời tiết, khí hậu và nước".

Ông Michel Jarraud, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đưa ra thông điệp khẳng định hệ thống khí hậu là tài sản, tài nguyên quý giá của mỗi quốc gia. Nếu biết cách bảo vệ, giữ gìn và khai thác một cách hợp lý sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. “Dưới góc độ là một nguồn tài nguyên, khí hậu có thể ảnh hưởng đáng kể đến việc quản lý các nguồn tài nguyên khác, đặc biệt là tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực, quản lý nguồn nước, sức khỏe… Từ đó tạo ra những thách thức mới với cho cộng đồng khí tượng thủy văn quốc tế” - Thông điệp của ông Michel Jarraud nhấn mạnh.

Đồng bằng sông Cửu Long trước nguy cơ mất 40% diện tích
Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên hiện các hoạt động thiếu bền vững của con người đang khiến nguồn tài nguyên quý giá này biến đổi phức tạp khó lường và chống lại chính con người. Nếu không hành động kịp thời, hậu quả sẽ khôn lường. Ước tính biến đổi khí hậu sẽ làm thế giới thiệt hại từ 5-20% GDP mỗi năm, mực nước biển dâng sẽ làm cho 100 triệu người trên trái đất bị mất nhà cửa vĩnh viễn, 1/6 dân số thế giới có thể bị thiếu nước, nghiêm trọng hơn là 40% các loài có khả năng sẽ bị tuyệt chủng.

Theo đánh giá của LHQ, Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Đó là thông tin được nhắc lại tại lễ kỷ niệm, do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. Kịch bản biến đổi khí hậu ước đoán cho cuối thế kỷ này cho biết nước biển dâng cao một mét, gần 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long ngập trong nước. Về nhiệt độ, đến năm 2100, Việt Nam có nhiệt độ trung bình tăng từ 1,6 đến 3,7 độ C.

Bà Nguyễn Bình Minh, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, WMO cũng vừa đưa vào hoạt động hệ thống thông tin quốc tế mới (WIS) nhằm tăng cường và mở rộng việc trao đổi dữ liệu về thời tiết, khí hậu và nước, đồng thời cắt giảm các chi phí.

"Hệ thống thông tin WIS hoàn thành sẽ trở thành hệ thống thông tin khổng lồ lưu giữ, chỉnh lý, trao đổi và phân phối toàn bộ các loại số liệu về tất cả các thành phần của trái đất: Khí quyển, thủy quyển, băng quyển, thạch quyển, sinh quyển, trong đó số liệu khí tượng thủy văn chiếm một phần quan trọng", bà Minh nói.

P .Thanh