1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đơn thư “cầu cứu” lãnh đạo Quốc hội sẽ qua một đầu mối

(Dân trí) - Ban Dân nguyện cần trở thành đầu mối tiếp nhận, xử lý các đơn thư của người dân gửi tới lãnh đạo Quốc hội, mỗi đoàn ĐBQH tổ chức tiếp dân ít nhất 1 ngày/tháng… Đây là những nội dung được UB Thường vụ thảo luận hôm qua, 12/7.

Cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết về việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của Quốc hội, cơ quan thuộc UB Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và các ĐBQH, đa số các thành viên trong UB Thường vụ thống nhất nhận định cần thiết ban hành Nghị quyết này. Nghị quyết cần đưa ra hướng khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Yêu cầu cao nhất là tạo thuận lợi cho người dân, nâng cao trách nhiệm và phát huy tính chủ động của từng đại biểu cũng như các cơ quan của Quốc hội và UB Thường vụ trong mọi hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận, nghiên cứu, chuyển đơn, theo dõi, đôn đốc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và giám sát việc giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. UB Thường vụ đặt vấn đề phài nâng cao hơn nữa trách nhiệm, vai trò của các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan trong giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Đơn thư “cầu cứu” lãnh đạo Quốc hội sẽ qua một đầu mối
Dự thảo Nghị quyết về việc tiếp công dân nêu đề xuất mỗi đoàn ĐBQH phải bố trí lịch tiếp dân ít nhất 1 lần/tháng.

Tuy nhiên, qua thảo luận, nhiều ý kiến băn khoăn vì dự thảo Nghị quyết chưa có quy định cụ thể xử lý tình trạng đơn, thư khiếu nại, tố cáo chồng chéo, trùng lắp, vượt cấp cũng như chưa xác định được cơ chế phối hợp để khắc phục tình trạng chuyển đơn, thư khiếu nại, tố cáo lòng vòng trong nội bộ cơ quan của Quốc hội như hiện nay.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, để khắc phục nhiều điểm tồn tại đã nêu, việc bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội trong việc tổ chức tiếp công dân là hợp lý. Ngoài ra, việc tăng cường công tác tiếp công dân của ĐBQH phù hợp với yêu cầu hiện nay, gắn hoạt động của Quốc hội với việc thu thập, phản ánh nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Về thẩm quyền, đầu mối cơ quan tiếp dân, xử lý đơn thư, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, Ban công tác đại biểu phải được xác định là cơ quan đầu mối giúp cho Quốc hội, Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong vấn đề tiếp công dân. Còn việc tiếp nhận xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan của Quốc hội, ông Lưu cho rằng vẫn phải thực hiện theo luật Khiếu nại tố cáo hiện hành.

Đối với đơn thư gửi đến lãnh đạo Quốc hội, Ban dân nguyện là đầu mối để tiếp nhận, xử lý theo quy định.

Về nơi tiếp công dân, nhiều ủy viên UB Thường vụ tán thành việc quy định trụ sở tiếp công dân của Quốc hội nhằm tạo điều kiện cho công dân có địa chỉ cụ thể để trực tiếp đến gửi đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, trình bày về những vấn đề có liên quan. Đây cũng là nơi để đại biểu Quốc hội tiếp xúc, trao đổi, hướng dẫn và giải thích chính sách, pháp luật cho người dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân của Quốc hội.

Tuy nhiên, thẩm tra dự thảo Nghị quyết, UB Pháp luật cũng cảnh báo, cần quy định rõ hơn về cơ chế thành lập nơi tiếp công dân của Quốc hội cũng như những điều kiện bảo đảm cần thiết để tạo thuận lợi cho người dân đến với Quốc hội nhằm khắc phục sự trùng chéo với các quy định về trụ sở tiếp công dân và nơi tiếp công dân quy định trong dự thảo Luật tiếp công dân, dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tới.

Ngoài ra, nhiêu ý kiến cũng đặt vấn đề, việc tiếp công dân của ĐBQH cần được chủ động thực hiện mọi lúc, mọi nơi phù hợp với điều kiện của từng địa phương, do đó không nên quy định Đoàn ĐBQH tổ chức tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng như trong dự thảo Nghị quyết.

P.Thảo