Đón bão số 4, Thái Bình cấm biển từ 12h trưa nay

(Dân trí) - Nhằm chủ động ứng phó với cơn bão số 4, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình đã ra công điện khẩn, yêu cầu tạm dừng các cuộc họp không cần thiết, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 12h ngày 15/8, không được để lại người trên tàu…

Theo dự báo, bão số 4 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Thanh Hóa. Từ đêm 15/8 đến ngày 17/8, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa to đến rất to. Để phòng, chống cơn bão số 4, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Thái Bình ra Công điện khẩn số 19/CĐ-PCTT gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành.

Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa Lân kêu gọi ngư dân đưa tàu thuyền vào tránh trú bão tại cảng cá Cửa Lân, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa Lân kêu gọi ngư dân đưa tàu thuyền vào tránh trú bão tại cảng cá Cửa Lân, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải

Cụ thể, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở GTVT, UBND các huyện ven biển (Tiền Hải, Thái Thụy) và UBND huyện Kiến Xương: Kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn đang hoạt động trên sông, trên biển khẩn trương về nơi tránh trú an toàn; nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ 12h00 ngày 15/8; chú ý không được để các phương tiện neo đậu gần các cầu, cống, công trình thủy lợi nhằm bảo đảm an toàn cho các công trình và phương tiện của người dân; bố trí, sắp xếp tàu, thuyền tại khu neo đậu, tránh va đập gây vỡ và chìm tàu; kiên quyết không để người ờ lại trên tàu, thuyền nơi neo đậu.

Các địa phương, đơn vị tạm dừng các cuộc họp và các hoạt động chưa thật cần thiết, tổ chức phân công lực lượng thường trực tại các cơ quan, đơn vị để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện để ứng phó với bão theo phương châm “Bốn tại chỗ”. Nếu địa phương, đơn vị nào để xảy ra thiệt hại về người, tài sản mà không chủ động, ứng phó kịp thời thì người đứng đầu các địa phương, đơn vị đó phải chịu xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Thực hiện ngay phương án bảo vệ công trình đê, kè, cống xung yếu, các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình đang thi công trên sông, đê biển và triển khai phương án chống tràn đối với các tuyến đê bao, đê bối.

Duy trì lực lượng thường trực cứu hộ, cứu nạn để xử lý, ứng cứu và khắc phục hậu quả do bão gây ra khi có yêu cầu. Bố trí lực lượng để hướng dẫn, cảnh báo người dân tại các bến đò ngang không tiến hành các hoạt động tại những khu vực nguy hiểm, gần các cống qua đê, cầu giao thông, các khu vực ven sông có dòng chảy xiết để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Đức Văn