Kỳ 1:

Đời thường của “Tướng về hưu”

Tên tuổi tướng Thành gắn liền với chiến tích đập tan “tập đoàn tội ác” Năm Cam. Báo, đài, truyền hình cả nước đã nói nhiều về ông với chiến công lừng lẫy này. Nhưng hào quang chiến thắng ấy chỉ là một phần trong cuộc đời binh nghiệp của ông.

Cuộc trò chuyện với bao tâm tư trĩu nặng giữa tôi và ông trên mảnh đất ông sinh ra, lớn lên đi theo cách mạng, cầm súng cho đến ngày trở về với cuộc sống bình thường, đã soi rọi nhiều ngõ ngách trên bước đường chông gai đồng hành của ông cùng đất nước, nhân dân cho đến tận hôm nay…

 

Thưa anh, mấy năm nay về ở nhà, hình như anh không nghỉ ngơi, hưởng thú điền viên như bao cán bộ về hưu khác. Suy nghĩ của anh khi đương chức và lúc về hưu có gì khác nhau không?

 

(Trầm ngâm) Bà con mình còn nghèo, còn khó khăn lắm. Làm ra lúa gạo, heo gà, cây trái nhiều mà bán chẳng được bao nhiêu, giá rẻ như bèo. Quê hương (Tiền Giang) đã thay đổi nhiều mà bà con vẫn còn khó khăn.

 

Cảnh đời thường của Tướng Nguyễn Việt Thành

Cảnh đời thường của Tướng Nguyễn Việt Thành

 

Nghèo nhất lại là các gia đình chính sách thương binh liệt sĩ! Một, hai triệu đồng dưới này lớn lắm. Nghĩ thấy thương bà con mình quá.

 

Hồi trước làm lúa chỉ được 1,5 tấn/ha, nay đã lên 7 tấn/ha, nhưng tại sao dân chưa được giàu? Chương trình liên kết 4 nhà tôi thấy chưa “liên” chút nào. Trong nông thôn, từ cây lúa đến con gà, con vịt đều bấp bênh giá cả, tiêu thụ khó khăn, bà con nông dân không biết đường nào mà lần mò.

 

Hồi còn làm việc, điều tôi lo nhất là phải sống và làm việc gương mẫu sao cho mọi người hiểu thật đúng về mình. Còn bây giờ, lảng vảng trong đầu tôi là LÒNG DÂN.

 

Những năm tháng chiến tranh sống chết cận kề, cũng như bước vào hòa bình xây dựng lại đất nước, tôi thấm thía rằng lòng dân là tất cả. Dân xao xuyến là không còn gì nữa. Dù có cả ngàn xe tăng, máy bay; có cả triệu khẩu pháo cũng không thể bảo vệ được Tổ quốc khi lòng dân xao xuyến…

 

Nguyễn Trãi đã viết trong Bình ngô đại cáo: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân; Quân điếu phạt trước lo trừ bạo” là vậy.

 

Trở lại sống với bà con trên quê hương mình cũng là thời gian anh có điều kiện gần gũi, sát cánh cùng địa phương và nhân dân, anh cảm nhận về lòng dân hiện nay như thế nào?

 

Đang rất cần phải quan tâm. Ở xã Thanh Bình này gần như gia đình nào cũng là gia đình chính sách. Ngày xưa chiến tranh ác liệt, ta địch giành nhau, người dân vẫn kiên cường một lòng một dạ với Cách mạng. Bất chấp nguy hiểm, thiếu thốn, vẫn tiếp tế, cưu mang cán bộ, chiến sĩ, thương bình.

 

Giờ đây, tôi và anh em ở xã đi vận động bà con ủng hộ tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, thấy nhiều bà con không tha thiết nữa.

 

Từ sau ngày giải phóng cho đến lúc về hưu, tôi luôn đeo bám việc xây nhà tình nghĩa. Đây là việc tri ân với những người đã hy sinh cho Tổ quốc.

 

Ông Tướng về hưu và thú điền viên
Ông Tướng về hưu và thú điền viên

 

Những gia đình chính sách rất nghèo vì lao động chính đã hy sinh mất rồi, phải bù đắp thế nào đây?  Đó là trách nhiệm của những người đang sống. Nhưng để người dân đồng thuận với điều này thì phải cần niềm tin của họ.

 

Nên tôi mới nói lòng dân là vô cùng quan trọng. Tình hình của ta hiện nay đang rất bức xúc ở công tác phòng chống tham nhũng. Tham nhũng hủy hoại ghê gớm vào nhiều mặt, nguy hiểm nhất là khiến mất lòng dân. Nên có 2 điều tôi lo mất ăn mất ngủ là “lòng dân” và “chống tham nhũng”! Muốn lấy lại niềm tin của nhân dân thì dứt khoát phải chống tham nhũng!

 

Đầu óc không sạch thì không làm được!

 

Là Trưởng ban chuyên án Năm Cam và đồng bọn, anh đã thấu hiểu sự nguy hiểm của tình trạng suy thoái đạo đức của một số cán bộ. Theo anh, để phòng chống tham nhũng phải bắt đầu từ đâu?

 

Gần đây, tôi thấy Trung ương  xác định bắt đầu từ cán bộ là đúng. Cán bộ phải là tấm gương cho anh em học tập. Cán bộ phải giữ được phẩm chất và hoàn thành nhiệm vụ được giao; không tham quyền cố vị; gần gũi với anh em cấp dưới. Nếu không làm được điều này thì sẽ nát hết!

 

Phòng và chống tham nhũng phải bắt đầu từ lúc chọn bố trí cán bộ. Tôi nói thẳng, người tham thì chỗ nào cũng tham. Tham nhũng ở ta đang là nguy cơ với sự tồn vong của chế độ, nên cấp bách phải ngăn ngừa, chặn đứng và đẩy lùi.

 

Hội nghị Trung ương vừa qua đã cho thấy công tác cán bộ đang được chỉnh đốn, xem xét lại để làm trong sạch bộ máy là tín hiệu đáng mừng. Tất nhiên vẫn còn rất nhiều việc phải làm tiếp theo. Đông đảo cán bộ và nhân dân ta đang mong mỏi những bước tiếp theo…

 

Khách quan mà nói, không mấy người được may mắn như anh là hoàn toàn yên tâm, tập trung cho công việc vì anh đã có “hậu phương” là vợ anh thật tuyệt vời, lo lắng tất cả để yên tâm công tác. Phần lớn cán bộ Nhà nước cũng là người chồng, phải gánh vác trách nhiệm, bổn phận với vợ con nên phải “san sẻ” thời gian, công sức, suy nghĩ cho gia đình; thậm chí phải “lấy bên này bỏ bên kia…”.

 

Mỗi bước tiến bộ trên con đường phục vụ sự nghiệp cách mạng, tôi đều nói, trước hết là công lao sinh thành của cha mẹ, sự đùm bọc của nhân dân và đặc biệt vai trò của vợ tôi. Vợ tôi không lam lũ ruộng vườn, chăn nuôi ròng rã mấy chục năm qua lo cho gia đình, lo cho các con học hành tới nơi tới chốn thì tôi cũng khó mà yên tâm công tác.

 

“Hậu phương” mà không yên thì sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến công việc, uy tín, đạo đức; dễ mang tai tiếng.Làm cán bộ mà bị như vậy cấp dưới không phục, không nghe đâu. Có thể họ không dám cãi lại nhưng họ sẽ dị nghị, họ cũng khó làm tốt công tác mình giao cho họ…

 

Hồi còn đương chức, mỗi lần gặp, tôi thường nói với vợ tôi: “Nước nhà hòa bình, độc lập rồi, em tập trung lo cho gia đình, tiền bạc, con cái để anh yên tâm công tác, đừng để anh phải lo lắng, không khéo ảnh hưởng đến công tác; có khi còn làm anh hư hỏng nữa!”.

 

Vợ tôi rất hiểu và đã giúp tôi yên tâm hoàn toàn.

 

Tất nhiên, “hậu phương” vững chắc để người cán bộ yên tâm toàn tâm toàn ý cho công việc là điều kiện vô cùng quan trọng, nhưng không phải là tất cả.

 

Cán bộ không tu dưỡng đạo đức, suy thoái chính trị, tư tưởng lưng chừng, nửa vời thì khó mà tận tâm với trách nhiệm…

 

Theo Duy Chiến

VietNamnet