Thanh Hóa:

Đồ vật của di tích cổ hơn 100 tuổi được người mua trả lại

(Dân trí) - Sau khi Dân trí và một số tờ báo phản ảnh việc một di tích cổ hơn 100 tuổi bị đem ra mua bán trái phép, dư luận đã rất bất bình. Mới đây, UBND huyện Triệu Sơn cho biết, những đồ vật đem ra mua bán đã được người mua trả lại.

Cách đây chưa lâu, Dân trí đã có các bài phản ảnh về một ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi ở làng Bì, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, có những kiến trúc nghệ thuật độc đáo từ thời vua Tự Đức thứ 18, được công nhận là di tích cấp tỉnh năm 2003, bất ngờ bị đem ra bán trái phép với giá 680 triệu đồng và người mua đã thuê hàng chục người đến tháo dỡ toàn bộ mái ngói đưa lên xe ô tô chở đi nơi khác.

Sau khi vụ việc xảy ra, các cấp, các ngành thuộc Sở VH-TT&DL, Công an tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Triệu Sơn và UBND xã Tân Ninh đã có cuộc họp bàn tìm hướng giải quyết. Kết thúc cuộc họp, đại diện các bên đã thống nhất sẽ xử lý về mặt pháp luật đối với những cá nhân, tập thể có động thái xâm hại đến di tích theo Luật Di sản, nhanh chóng có biện pháp bảo vệ, bảo quản những vật dụng của ngôi nhà để vật dụng không bị hư hỏng, mối mọt. Đồng thời, cần quan tâm hơn đến việc tôn tạo, trùng tu di tích. 

Đồ vật của di tích cổ hơn 100 tuổi được người mua trả lại - 1
Vật dụng của di tích cổ hơn 100 năm tuổi bị bán đã được trả lại
 
Mới đây, ông Đào Hữu Cơ, phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn cho biết, sau khi có sự can thiệp của các cấp, ngành cùng cơ quan báo chí, bà Quách Thị Tri, người mua ngôi nhà từ bà Phạm Thị Ái (gia đình bà Ái được giao trông coi ngôi nhà) đã đem trả lại những vật dụng của di tích gồm: Bằng xếp hạng di tích, 1 xe ô tô ngói, 4 trong 6 tấm đá nền. 

Ông Đào Hữu Cơ cũng cho biết, hiện gia đình bà Phạm Thị Ái đã có đơn gửi lên các cấp xin rút ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi ra khỏi danh sách di tích. Tiếp đó, huyện Triệu Sơn cũng có công văn xin ý kiến tỉnh Thanh Hóa được giữ lại ngôi nhà cổ tại thị trấn Triệu Sơn. Nguồn kinh phí tôn tạo, trùng tu di tích sẽ được trích một phần từ ngân sách huyện, phần còn lại huy động từ các nguồn quỹ khác.

Hiện toàn bộ số gỗ của ngôi nhà vẫn đang được xếp đống trong khuôn vườn nhà bà Nguyễn Thị Ái dưới nền đất ẩm ướt.  

Lan Anh