Đà Nẵng

Đình chỉ Hạt trưởng Kiểm lâm vụ người dân phá rừng Sơn Trà

(Dân trí) - Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng đã ra quyết định đình chỉ Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng và 3 kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn do để xảy ra vụ chặt phá rừng tại Sơn Trà.

Đình chỉ Hạt trưởng, Hạt phó Kiểm lâm vụ phá rừng Sơn Trà

Chiều 1/3, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết đã trực tiếp kiểm tra khu vực rừng Sơn Trà bị chặt phá.

Tại hiện trường, có thể thấy, sau khi tự ý mở đường, phát quang cây bụi, dây leo và bị cơ quan chức năng phát hiện, ông Lê Việt Hồng đã cho trồng lại nhiều cây mít dọc đường đi.

Nhiều diện tích rừng bị chặt phá
Nhiều diện tích rừng bị chặt phá

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết, việc trồng cây mít để thay thế là không đúng quy định. Theo đó, trồng lại là phải khôi phục theo nguyên trạng và phải theo phương án phê duyệt.

“Anh tự trồng lại cây như vậy đã có chủ trương chưa? Ai đồng ý chưa? Tự chọn cây trồng hay trồng theo ý của ai?”, Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết hỏi.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết trực tiếp kiểm tra hiện trường rừng Sơn Trà bị chặt phá
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết trực tiếp kiểm tra hiện trường rừng Sơn Trà bị chặt phá

Ông Hồng cho biết, ông được ông Nguyễn Văn Tâm ủy quyền 1,5 ha đất trồng rừng. Cách đây 4 – 5 tháng, ông đã trồng 7.000 cây sưa. Để cây có thể phát triển tốt nên ông đã tự ý phát quang cây bụi và dây leo. Sau khi bị lực lượng chức năng lập biên bản và yêu cầu phục hồi lại hiện trạng, ông tự mua cây mít về trồng.

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, ông được giao khoán đất rừng cách đây 17 – 18 năm và ông đã trồng keo. Vì diện tích lớn, làm không hết nên ông đã ủy quyền lại cho ông Hồng cùng làm. Do dây leo nhiều quá, sợ cây chết nên ông Hồng đã tự ý phát quang, chặt cây bụi. Sở dĩ có sự việc như vậy là do anh em chưa hiểu rõ hướng dẫn.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết cho biết, quan điểm của thành phố là phải xử lý nghiêm. Nếu tổ chức, cá nhân nào vi phạm thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Để xảy ra sự việc này không chỉ là trách nhiệm của kiểm lâm mà còn là của chính quyền địa phương nữa.

Ông Viết giao Chi cục kiểm lâm TP Đà Nẵng và UBND phường Thọ Quang cử người giám sát sự việc, xử lý dứt điểm trong ngày mai (2/3), không dung túng, bao che bất cứ ai.

Sau khi chặt phá rừng, ông Hồng đã cho trồng lại các cây mít
Sau khi chặt phá rừng, ông Hồng đã cho trồng lại các cây mít

Ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng cho biết, đến giờ phút này ai sai, ai đúng, chính quyền địa phương trách nhiệm ở đâu, kiểm lâm trách nhiệm ở đâu cần phải làm rõ ràng, chứ không thể nói chung chung. "Cứ nói chung chung, làm chung chung thì rừng... hết thôi", ông Lương nhấn mạnh.

Chính vì vậy, Chi cục kiểm lâm đã tạm thời đình chỉ Hạt trưởng Trần Văn Thanh, Hạt phó Lê Phước Bảy và 3 kiểm lâm địa bàn, kiểm lâm pháp chế của Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn; đồng thời tiếp tục bổ nhiệm 4 cán bộ về đây để cáng đáng công việc. Lãnh đạo Chi cục cũng giao cho Thanh tra Chi cục Kiểm lâm điều tra làm rõ, quy trách nhiệm cụ thể, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Ông Nguyễn Phú Ban, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng cho hay, ngày 24/2 nghe thông tin thì ngày 25/2 ông đã có mặt tại hiện trường để nắm bắt vụ việc. Riêng bản thân ông, đây là lần thứ 5 có mặt ở đây để chỉ đạo và giao nhiệm vụ.

“Mọi hoạt động trong rừng này đã được đình chỉ. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã giao Sở Nông nghiệp chủ trì, phối hợp với quận Sơn Trà để làm rõ vấn đề này và báo cáo với Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng”, ông Ban nói.

Khánh Hồng