Điều chỉnh tuyến buýt 22 trung chuyển cho BRT là làm khó hành khách?

(Dân trí) - Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) - khẳng định, việc điều chỉnh tuyến buýt 22 không phải để làm khó hành khách đi từ Hà Đông sang Gia Lâm, mà nhằm tạo điều kiện cho nhiều người đi buýt nhanh BRT.

Ngày 9/1/2017, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) - đã phân tích những lý do vì sao Sở GTVT Hà Nội điều chỉnh tuyến buýt 22 thành 3 tuyến kết nối, trung chuyển với tuyến buýt nhanh BRT 01.

- Tại sao Sở GTVT Hà Nội lại đưa ra quyết định chia cắt tuyến buýt 22 vốn chạy ổn định hơn 10 năm nay từ Gia Lâm sang Hà Đông thành 3 nhánh nhỏ khác nhau, thưa ông?

- Việc tổ chức lại tuyến buýt 22 thành 3 nhánh như hiện nay nhằm tập trung vào nhiệm vụ gom hành khách cho tuyến buýt nhanh BRT. Cụ thể, đó là tuyến 22A, đi từ Gia Lâm về Kim Mã; tuyến 22B và 22C gom hành khách từ khu đô thị Kiến Hưng, Xa La, Bến xe Mỹ Đình, Khu đô thị Dương Nội cho tuyến BRT. Bằng việc tổ chức lại tuyến 22 như vậy, không những hành khách vẫn có thể di chuyển từ Hà Đông sang Gia Lâm, mà còn mở rộng vùng phục vụ tuyến buýt nhanh thông qua mạng lưới xe buýt gom.

Thế nhưng thực tế từ nhiều năm nay, hành khách đã quen đi một mạch từ Hà Đông sang Gia Lâm. Còn cách tổ chức tuyến 22 như hiện nay thì họ phải thay đổi cách đi, họ cảm thấy bị ngắt đoạn vì phải chuyển tuyến. Bù lại, hành khách được hưởng dịch vụ tốt hơn, đoạn đường hay bị tắc nhất, mất nhiều thời gian nhất trước đây, thì nay đã được BRT cáng đáng.

Xe buýt 22 trở thành tuyến buýt gom cho buýt nhanh BRT
Xe buýt 22 trở thành tuyến buýt gom cho buýt nhanh BRT

- Việc hình thành thói quen sử dụng phương tiện công cộng thường xuyên của người dân là rất khó. Khi điều chỉnh tuyến buýt 22 như hiện nay, Sở GTVT Hà Nội đã nghiên cứu kỹ chưa, vì nó làm ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của rất nhiều người?

- Việc điều chỉnh tuyến buýt 22 như hiện nay vừa là cách tổ chức của chúng tôi, đồng thời cũng là khuyến nghị của các chuyên gia giao thông nước ngoài để hợp lý mạng lưới giao thông công cộng. Trước mắt, chúng tôi thấy rằng làm như vậy sẽ phục vụ được nhiều người hơn, đồng thời tăng cường năng lực cho tuyến buýt nhanh đang được kỳ vọng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chúng tôi tiếp tục theo dõi để đưa ra giải pháp tối ưu hơn nữa.

- Phương án điều chỉnh tuyến xe buýt 22 như vậy liệu đã tối ưu hay chưa, thưa ông?

- Phương án hiện nay để tăng khả năng phục vụ hành khách và tạo điều kiện cho tuyến BRT hoạt động tốt nhất. Còn tối ưu hay chưa, đến thời điểm nay chúng tôi vẫn phải theo dõi diễn biến trên toàn hệ thống. Qua thời gian, nhu cầu đi lại của người dân sẽ rõ ràng hơn, từ đó cơ quan quản lý nhà nước sẽ điều chỉnh phù hợp với nhu cầu chính.

- Theo ông việc di chuyển từ Hà Đông sang Gia Lâm như hiện nay hay đi một mạch như trước đây, cách nào tiết kiệm thời gian hơn?

- Cách di chuyển như trước đây thường gặp rủi ro về tắc đường ở dọc tuyến Lê Văn Lương – Láng Hạ. Khi BRT chạy, tuyến này gần như rất ít hiện tượng đó. Như vậy, với quãng đường từ Hà Đông sang Gia Lâm gần như không thay đổi, trong khi rủi ro tắc đường được BRT xử lý, hành khách sẽ đi nhanh hơn và được hưởng dịch vụ tốt hơn.

Tôi cũng nhận thấy việc hành khách băn khoăn khi đang di chuyển một mạch mà nay lại bị ngắt ra là đúng. Thế nhưng việc này không phải chỉ tổ chức đi lại cho riêng điểm đầu cuối như trước đây, mà còn mở rộng sang cả những vùng lân cận, như vậy nhiều người được hưởng lợi hơn.

- Nếu hành khách vẫn có mong muốn đi một mạch từ Hà Đông sang thẳng Gia Lâm bằng xe buýt thì họ còn lựa chọn nào khác nữa không?

- Với việc điều chuyển tuyến 22 như vậy, hiện nay, không còn tuyến buýt đi thẳng từ Hà Đông sang Gia Lâm. Vì vậy, chúng tôi khuyến khích hành khách sử dụng mô hình mới là buýt nhanh để di chuyển. Tôi nghĩ bà con phải dùng thử, đồng thời phải chia sẻ với cơ quan quản lý nhà nước, bởi mạng lưới xe buýt thì phải có chuyển tuyến. Quá trình dùng bà con sẽ thấy nó phù hợp hay không phù hợp.

Tất nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải chia sẻ với hành khách, vì đang đi một mạch nay họ phải di chuyển ngắt quãng. Do vậy, chúng tôi sẽ tích cực theo dõi, nếu đảm bảo cơ bản hướng đi, đảm bảo cơ bản nhu cầu của hành khách thì sẽ giữ ổn định. Nhưng nếu hành khách còn nhu cầu quá lớn đi một mạch từ Hà Đông đến Gia Lâm thì chúng tôi phải tính toán lại. Thực tế, chúng tôi tổ chức như vậy là với mong muốn để phục vụ được nhiều hành khách hơn chứ không phải làm cho họ thêm khó khăn.

Hành khách chưa quen với việc xe buýt 22 thay đổi lộ trình
Hành khách chưa quen với việc xe buýt 22 thay đổi lộ trình

- Nếu di chuyển một mạch từ Hà Đông sang Gia Lâm như trước đây, hành khách chỉ phải trả 7.000 đồng/lượt, còn như hiện nay họ phải trả ít nhất 14.000 đồng, thậm chí 21.000 đồng vì phải di chuyển từ buýt gom sang BRT. Vậy, ai sẽ chia sẻ gánh nặng đó với hành khách phần lớn là học sinh, sinh viên, người già…?

- Đúng như vậy! Thế nên chúng tôi mới phải xem nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến này. Nếu việc mình làm khiến số đông phải bỏ tiền ra mua vé tối thiểu gấp hai lần, nhiều thì gấp ba lần thì phải xem xét lại.

Tôi cho rằng vẫn phải nghiên cứu kỹ, nếu hành khách chấp nhận trả giá cao hơn để đi nhanh hơn thì sẽ giữ. Còn nhu cầu đi một mạch từ Hà Đông sang Gia Lâm quá lớn thì phải xem xét điều chỉnh cho hợp lý, vì phương tiện công cộng vẫn phải là phục vụ số đông.

Những băn khoăn của hành khách là chính đáng và rất cần thiết, chúng tôi vẫn tiếp tục nắm bắt thông tin để nghiên cứu phương án tối ưu.

- Xin cảm ơn ông!

Trước đó, ngày 8/1/2017, nhiều hành khách đi tuyến xe buýt 22 theo lịch trình từ Hà Đông sang Gia Lâm bất ngờ khi thấy tuyến buýt này bị tổ chức lại thành 3 tuyến kết nối, trung chuyển với tuyến BRT. Cụ thể, tuyến 22A từ Kim Mã đến Bến xe Gia Lâm; 22B, đi từ Khu đô thị Xa La – Mỗ Lao – Bến xe Mỹ Đình; Tuyến 22C đi từ Khu đô thị Kiến Hưng – Vạn Phúc – Khu đô thị Dương Nội.

Việc tổ chức lại tuyến 22 thành 3 tuyến kết nối như vậy khiến lộ trình của hành khách hiện nay muốn di chuyển từ Hà Đông sang Gia Lâm bị chia cắt, mất nhiều thời gian lên xuống, chờ đợi từ xe buýt gom sang xe buýt nhanh. Hơn nữa, hành khách muốn đi từ Hà Đông sang Gia Lâm phải mua ít nhất hai vé xe buýt (7.000 đồng/vé), thậm chí phải mua ba vé.

Nhiều hành khách tỏ ra tiếc nuối vì gần 20 năm vận hành, tuyến buýt 22 đã chạy ổn định, giờ để phục vụ buýt nhanh BRT, mà cơ quan quản lý nhà nước đã làm đảo lộn tất cả. Hành khách mong muốn Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu, xem xét xây dựng lại lộ trình tuyến xe buýt phục vụ hành khách có nhu cầu đi thẳng từ phía Hà Đông sang Gia Lâm.

Quang Phong (thực hiện)