1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Điện tăng giá, lạm phát sẽ khó ghìm

<a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2006/2/103884.vip">4 phương án</a> mà Bộ Công nghiệp đưa ra có mức tăng 8,8% so với hiện hành, thấp hơn nhiều so với đề nghị của ngành điện. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo nếu không tính toán thận trọng, sẽ tác động đến mặt bằng giá cả, thậm chí cú sốc giá điện sẽ còn lớn hơn nhiều việc tăng giá xăng dầu.

Ông Ngô Trí Long, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả Bộ Tài chính: "Tác động từ việc tăng giá điện sẽ cực kỳ ghê gớm".

Theo ông Long, giá điện tăng sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến tất cả các ngành sản xuất khác nhau. Nếu không có cách quản lý tốt, sẽ tác động đến cả nền kinh tế. Điều này có thể nhìn thấy trong tất cả những lần tăng giá xăng dầu, các mặt hàng đều bị "té nước theo mưa" tăng giá theo, gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng. Ông Long cho biết, hiện Bộ Tài chính đang lượng hoá tác động từ việc tăng giá điện đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế và sớm công bố số liệu này trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước): "Tăng là cần thiết, song chọn một phương án chia khó khăn cho cả doanh nghiệp và người dân, với mức tăng thấp nhất là thích hợp hơn cả".

Theo ông Bảo, từ năm ngoái, sức ép tăng giá điện đã rất lớn, song không thể thực hiện ngay, một phần vì mặt bằng giá cả lúc đó không cho phép. Việc Bộ Công nghiệp đang lấy ý kiến rộng rãi để lựa chọn phương án giá là cần thiết, nhằm hạn chế tác động tiêu cực tới đời sống kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, ông Bảo nhận định, việc tăng giá điện dù ít hay nhiều cũng ảnh hưởng tới mặt bằng giá cả. Cùng với điện, các hàng hoá thứ cấp (sản xuất các mặt hàng này phải phụ thuộc vào điện năng), sẽ tăng theo, gây khó khăn cho công tác kiểm soát giá cả, nhất là khi phải thực hiện kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn tăng trưởng kinh tế.

"Chi phí năng lượng chiếm một phần rất lớn trong cơ cấu giá thành của nhiều ngành sản xuất. Cộng thêm kỳ vọng tăng giá của người tiêu dùng, chắc chắn thị trường hàng hoá tiêu dùng sẽ chịu tác động rất lớn khi giá điện tăng. Trong khi đó, xi măng, giá thuốc chữa bệnh, dầu mỏ vẫn có sức ép tăng giá. Vì vậy, điều chỉnh giá điện cần thận trọng. Một phương án chia khó khăn cho cả doanh nghiệp, nhân dân và có mức tăng thấp là thích hợp nhất", ông Bảo đề xuất.

Theo ông Bảo, ngoài việc tính toán mức tăng hợp lý, cũng cần lựa chọn thời điểm thích hợp để tránh tác động quá mạnh đến mặt bằng giá cả. Thông thường hết quý I, giá bắt đầu ổn định, song lại tăng cao kể từ quý III.

Ông Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội Hà Nội: "Phải mở cửa ngành điện để người dân thực sự hưởng mức giá cạnh tranh".

Theo ông Phong, cả 4 phương án do Bộ Công nghiệp đưa ra đều có mức tăng như nhau và chọn bất cứ phương án nào cũng sẽ tác động rất lớn đến sản xuất, mặt bằng giá cả, thậm chí còn tác động mạnh hơn xăng dầu. Bởi xăng dầu chủ yếu chỉ liên quan đến vận chuyển, còn điện tác động trực tiếp đến sản xuất, sinh hoạt và đến mọi tầng lớp dân chúng. Theo tính toán sơ bộ, tiền điện thường chiếm khoảng 15-20% thu nhập hàng tháng của mỗi hộ gia đình.

"Có điều ngành điện sẽ giải thích như thế nào về lý do tăng giá. Nếu nói là phải tái đầu tư hay lý do nào đi chăng nữa đều cũng là ngụy biện. Bởi hiện nay, ngành điện vẫn một mình một chợ, người dân không có sự lựa chọn nên giá bán có tăng bao nhiêu chăng nữa thì cũng đành cắn răng mà chịu", ông Phong nhận định.

Theo ông Phong, ngành điện cần phải mở cửa để các đơn vị khác tham gia vào kinh doanh, chỉ có như thế người dân mới được hưởng một mức giá thực sự cạnh tranh. "Ngành điện hiện nay giống như bưu chính viễn thông của mấy năm về trước. Khi Tổng công ty Bưu chính Viễn thông - VNPT - một mình một chợ, người dân phải sử dụng giá cước cao. VNPT giải thích cho mỗi lần tăng giá cước là tái đầu tư, giảm chi phí đầu vào chỉ khi mở cửa cho các đơn vị khác nhảy vào kinh doanh thì giá cước mới giảm và người dân mới có cơ hội lựa chọn những dịch vụ khác".

Theo Hồng Anh, Song Linh
Vnexpress