Đi tìm chủ nhân những tấm bằng giả

Hàng loạt bằng giả bị thu giữ đang được xác minh, trong đó có bằng lái xe, bằng thạc sĩ, hàng ngàn bằng giả của các trường đại học, cao đẳng khắp cả nước. Có người đặt làm bằng giả, địa chỉ nhận bằng là... UBND tỉnh.

Cơ quan điều tra Công an TPHCM đang quyết liệt điều tra các đường dây mua bán bằng cấp giả vừa khám phá vì tính chất quy mô, mức độ nghiêm trọng của nó và kêu gọi những người đã mua và sử dụng bằng giả tự nguyện giao nộp.
 
Đi tìm chủ nhân những tấm bằng giả - 1

Hàng loạt bằng giả đã bị thu giữ và đang tiếp tục xác minh. (Ảnh: PLTPHCM)

 

Từ bằng đại học đến giấy phép lái xe, chứng chỉ nghề

 

Liên quan đến đường dây mua bán bằng cấp giả của Nguyễn Thành Trung, PC14 đã ra quyết định bắt giữ Lâm Ngọc Hạnh và Nguyễn Văn Long đều ở Long Thành (Đồng Nai). Đến chiều qua, việc lập hồ sơ ban đầu đã xong.

 

Trước đây, “bộ ba” Hạnh, Long và X. làm ăn chung với nhau. Hạnh nhận làm bằng cho “khách hàng” với giá từ 4 đến 6,5 triệu đồng rồi giao cho Long. Long nhận lại của Hạnh từ 3,5 đến 5,5 triệu đồng rồi “sang tay” cho X. X. nhận lại của Long từ 3 đến 4,5 triệu đồng. Thời gian gần đây, Hạnh... “đá” Long và “làm ăn” trực tiếp với X. để thu lợi nhiều hơn.

 

Hạnh khai đã nhận làm khoảng 80 bằng cấp và giấy phép lái xe (GPLX). Khám nhà Hạnh, cơ quan chức năng thu được GPLX giả. Hạnh còn cho biết Trung đã đặt Hạnh 5 GPLX nhưng chưa kịp làm thì đã bị bắt. Riêng Long đã nhận làm trên dưới 40 bằng cấp các loại. Khám nhà Long cơ quan chức năng thu hơn 10 GPLX, chứng chỉ nghề.

 

Ngoài ra còn có các đối tượng Nguyễn Minh Dư là anh chồng của Hạnh và Phạm Minh Tuấn (đều ở Long Thành, Đồng Nai) chỉ là “cò” nhỏ nên cơ quan chức năng lập biên bản, làm cam kết và tạm cho về.
 
Đi tìm chủ nhân những tấm bằng giả - 2

Với những dụng cụ này và 73 con dấu các trường, Nguyễn Thành Trung đã “sản xuất” hàng loạt bằng cử nhân. (Ảnh: PLTPHCM)

 

Bi kịch tìm việc của nguồn nhân lực dưới chuẩn

 

Thiếu tá Trịnh Kim Sơn, Phó Đội trưởng Đội 4 (PC14), cho biết các khu công nghiệp, khu chế xuất được xây dựng khá nhiều trong khu tam giác TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai nên thu hút rất đông lao động nhập cư từ các tỉnh, thành. Trong khi đó, trình độ văn hóa và chuyên môn của lao động nhập cư có giới hạn nên họ rất cần bằng cấp để dễ xin việc và “hợp thức hóa” vị trí đang làm. “Chính vì vậy nhu cầu làm bằng giả rất cao, tập trung vào độ tuổi 20 đến 30” - thiếu tá Sơn nhận định.

 

Thiếu tá Sơn cho biết thêm, nhu cầu làm bằng giả còn xuất hiện trong cả sinh viên. ĐHS, 23 tuổi, là sinh viên khoa Hướng dẫn viên du lịch của Trường trung cấp nghề tư thục Việt Giao (quận 10, TPHCM). Do còn nợ bốn môn nên S. chưa được cấp bằng tốt nghiệp. S. khai cách đây hai tuần đã liên hệ đường dây của Trung và đặt làm bằng Đại học Kinh tế TPHCM khoa Du lịch-Khách sạn với giá sáu triệu đồng để bổ túc hồ sơ xin việc làm. Ngày 4/3, khi S. được hẹn gặp mặt để nhận bằng thì trinh sát xuất hiện và đưa về cơ quan công an.

 

Ngoài nhu cầu làm bằng giả của các đối tượng trên thì tài xế xe khách, xe tải cũng là đối tượng cần làm bằng lái giả khá cao. “Nhiều tài xế có trong tay ngoài bằng lái thật nhưng thủ thêm bằng lái giả để khi bị thu hồi thì bỏ luôn” - thiếu tá Sơn lắc đầu.
Đi tìm chủ nhân những tấm bằng giả - 3
Sau Nguyễn Thành Trung, đến lượt Lâm Ngọc Hạnh (trái) và Nguyễn Thành Long sa lưới. (Ảnh: PLTPHCM)

 

Đã lập xong danh sách người xài bằng giả

 

Ngày hôm qua, cơ quan công an đã tiếp nhận hai người tự nguyện đem bằng giả đến nộp. Một người tên L. (ngụ tại TPHCM) và một người tên M. (ngụ tại Long An), cả hai đều làm bằng kỹ sư xây dựng, tốt nghiệp loại khá, Trường ĐH Mở TPHCM. Cả hai khai nhận đã sử dụng bằng giả do các đường dây trên thực hiện.

 

Đáng lưu ý, trong số những khách hàng đã và đang đặt làm bằng giả có những yêu cầu làm cả bằng thạc sĩ. Cá biệt có những chứng cứ do các đường dây để lại thể hiện văn bằng giả do các đường dây làm xong được gửi đến tận địa chỉ cơ quan UNBD tỉnh. Những thông tin này sẽ được xác minh làm rõ trong nay mai.

 

Cơ quan công an cũng cho biết hiện nay nườm nượp khách hàng vẫn gọi về các số điện thoại của các đối tượng đầu mối làm bằng giả đã bị bắt. Tuy nhiên, do số lượng quá đông nên công an từ chối tiếp nhận thông tin những khách hàng muốn đặt làm bằng, chỉ ưu tiên tiếp nhận thông tin những khách hàng đã và đang yêu cầu giao bằng để... xử lý!

 

Thiếu tá Nguyễn Thanh Huyền, Phó Đội trưởng Đội 4 (PC14), cho biết hiện cơ quan này đã lập hết toàn bộ danh sách tên tuổi, địa chỉ của những khách hàng đã và đang sử dụng bằng giả do các đường dây cung cấp. “Tên tuổi cá nhân sẽ được chúng tôi đảm bảo không tiết lộ”, thiếu tá Huyền nói.

 

 

Những trường ĐH nào bị làm giả bằng tốt nghiệp?

 

Chiều qua, Công an TPHCM đã hoàn tất chọn mẫu khoảng 50 văn bằng trong tổng số hàng ngàn văn bằng đã thu được từ hai đường dây của Nguyễn Thành Trung, Phan Đức Luân và gửi đến các trường ĐH, CĐ, trung cấp xác minh. Điều đáng nói, số bằng cần được đưa đi xác minh rải rác các trường từ Hà Nội đến tận Cà Mau.

 

Trong đó, Trường ĐH Kinh tế xác minh trên 10 bằng, ĐH dân lập Hồng Bàng sáu bằng, ĐH Mở TPHCM năm bằng. Tại Hà Nội có văn bằng các trường ĐH Mở Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, Trung tâm đào tạo Flai. Tại Đà Nẵng có văn bằng của ĐH Duy Tân. Kiên Giang có văn bằng Trường trung học Y tế Kiên Giang.

 

 

Theo Pháp luật TPHCM