Đêm Trung thu: Rộn sắc màu, đậm tình yêu thương

(Dân trí) - Mới chập tối, không khí Tết Trung thu dường như đã thu tràn xuống mọi ngả đường, góc phố. Tại Hà Nội, đường phố được trang hoàng để đón Đại lễ nên Tết Trung thu năm nay lung linh, rực rỡ hơn hẳn mọi năm.

Đêm Trung thu: Rộn sắc màu, đậm tình yêu thương - 1
Đường phố Hà Nội lung linh trong đêm trung thu (ảnh: Quang Phong)

Tại công viên Hồ Tây, hơn 5.000 thiếu nhi Hà Nội đã có một đêm trung thu sôi động, với chủ đề “Cùng bé bày cỗ trông trăng”, do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức. 100 mâm cỗ của 100 trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội đã được kết thành hình con rồng nhằm hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Tại đây, các em nhỏ được thưởng thức nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc như: Đêm trung thu, Chiếc đèn ông sao, Chú Cuội ngồi gốc cây đa, Alibaba… Nhiều xuất quà và học bổng cũng đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao tặng tới các trẻ em bị khuyết tật trí tuệ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
 
Đêm Trung thu: Rộn sắc màu, đậm tình yêu thương - 2
Múa sư tử trên phố

Trong khi đó, tại hồ Gươm hàng vạn trẻ em, những bạn trẻ và cả du khách nước ngoài hòa niềm vui chung chào đón chị Hằng. Thận chí, nhiều gia đình ở ngoại thành cũng đổ về đây. “Cả năm học hành vất vả, món quà duy nhất chúng tôi tặng 2 con của mình là dẫn chúng vào nội thành đón Tết Trung thu cùng các bạn”, chị Nguyễn Thị Hạnh nhà ở Sơn Tây cho biết. Dưới ánh sáng lung linh, tiếng trống, tiếng kèn cũng được vang lên khuấy động không khí đêm trung thu.

Trên đường Kim Mã, những em nhỏ ở khu dân cư 12 hôm nay được ưu tiên cả một góc phố để làm cỗ đón trung thu. Tuy những món quà trên mâm cỗ khá đơn giản như bưởi, bỏng ngô, bánh kẹo… nhiều em nhỏ rất háo hức đợi phá cỗ.
Đêm Trung thu: Rộn sắc màu, đậm tình yêu thương - 3
Nào, cùng phá cỗ

“Để các em không quên những đếm trung thu truyền thống. Món quà được bày biện trên mâm cỗ của chúng tôi phải soi rọi từ nông thôn đến thành thị. Ngoài ra, mỗi em đến đây phá cố được phát 1 chiếc đèn ông sao”, bà Phạm Thị Hảo, trưởng ban Chăm sóc trẻ em khu dân cư 12, Kim Mã tâm sự.

Dù biết, tổ dân phố của mình có hơn 200 cháu, nhưng năm nay bà Hảo chuẩn bị tới gần 500 xuất quà. “Những tiết mục lân, sư tử, múa lửa của chúng tôi thu hút rất nhiều cha mẹ ở tổ dân phố khác đưa con đến xem. Một số cháu không nơi lương tự cũng về đây. Do vậy, năm nào chúng tôi cũng làm dư quà để chia sẻ cho các cháu ở khu vực khác”, bà Hảo nói.
 
Thanh Hóa: Nô nức Lễ hội hoá trang
 
Đêm trung thu thời tiết tại Thanh Hóa mát mẻ càng làm cho bầu không khí vui tết trung thu của mọi người và đặc biệt là hàng ngàn cháu thiếu nhi thêm rộn ràng vui tươi.
 
Từ 19h, trên khắp các ngã đường như Lê Hoàn, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Trần Phú…đã đông nghịt người và xe cộ. Người dân thành phố Thanh Hóa đổ dồn ra đường đón mừng tết trung thu cùng các em thiếu nhi. 
 
Đêm Trung thu: Rộn sắc màu, đậm tình yêu thương - 4
Rước đèn ông sao và những con vật ngộ nghĩnh qua các tuyến phố (ảnh: Duy Tuyên)

Đoàn xe chở các cháu thiếu nhi, các ông sao khổng lồ và cả những con vật ngộ nghĩnh dài hàng km dạo qua các ngả đường. Trong đêm trăng huyền ảo trông giống một lễ hội hóa trang dành cho các cô cậu tuổi nhí.

Các cháu trai thì tìm cho mình những mặt nạ có hình chú khỉ, Tôn ngộ Không hay những chiếc mũ giống cao bồi miền Tây; còn cháu gái thì điệu đà và duyên dáng trong trang phục áo cánh bướm, vương miện hoa hậu hay những cái sừng trâu phát sáng trông rất ngây thơ và hồn nhiên.
 
Chị Nguyễn Thị Thông, người dân sống tại phường Ba Đình, thành phố Thanh Hóa chia sẻ: “Chưa bao giờ tết trung thu của các cháu tại Thanh Hóa lại vui như năm nay. Bởi mọi năm luôn gặp thời tiết xấu, mưa bão khiến các cháu không được ra đường rước đèn và ăn diện”.
Đêm Trung thu: Rộn sắc màu, đậm tình yêu thương - 5
Những chiếc đèn lồng nhỏ xinh là món quà đầy thú vị của trẻ miền núi (ảnh: Lan Anh -Duy Tuyên)
 
Không giống như ánh đèn, ông sao rực rỡ trong muôn sắc màu ở thành phố, tại các vùng nông thông, miền núi Thanh Hóa, những đứa trẻ cũng háo hức đón đợi tết trung thu. Có mặt tại huyện miền núi Thường Xuân, chúng tôi cảm nhận được không khí vui tết trung thu về trên từng thôn bản. Dọc con đường liên xã từ thị trấn Thường Xuân vào các xã vùng sâu của huyện như Xuân Chinh, Xuân Lệ, Xuân Lộc... hai bên đường, từng nhóm trẻ con vui nô nức dưới ánh trăng rằm trên tay cầm những chiếc đèn lồng xinh xắn. Khuôn mặt còn nhem nhuốc với bao vất vả của ngày thường, nhưng từ trong ánh mắt các em vẫn sáng lên niềm vui trong ngày tết trung thu.
 
TPHCM: Phố đèn lồng rộn sắc màu

Những năm trước, về đêm người dân mới đổ về  phố đèn lồng đón hội Rằm. Nhưng cả tuần nay buổi tối trời đổ mưa nên nhiều người đề phòng bằng cách… đi chơi sớm. Giữa ban ngày, dù chưa có những ngọn nến, ánh điện lung linh nhưng phố lồng đèn vẫn ngợp trong sắc màu.
Đêm Trung thu: Rộn sắc màu, đậm tình yêu thương - 6
"Phố đèn  lồng" ngày Trung thu  (ảnh: Hoài Nam)

Những đèn lồng giấy đốt đèn cầy có giá từ 10 - 30.000 đồng đủ mẫu mã được giăng khắp phố được nhiều phụ huynh lựa chọn mua cho con em mình thay cho những loại đèn được chiếu sáng bằng pin. Những đồ chơi truyền thống nhờ màu sắc, mẫu mã cũng hấp dẫn với trẻ hơn.

Ông Bình, chủ một sạp hàng cho biết, sức mua năm nay có giảm do mùa trung thu “vướng” đúng thời điểm thực hiện dán dấu hợp quy theo quy định nên người người mua cũng “dè chừng” hơn.

Liên tục những ngày gần đây, trời đổ mưa khi trời tối nên phố lồng đèn về đêm khá thiếu không khí hội hè mùa trung thu như mọi năm. Đổi lại, phố thường đông vào buổi chiều.
 

Cần Thơ: Trung thu rộn rã ở nhà thờ và các khu vui chơi

Chiều ngày 22/9, trời Cần Thơ có mưa, không khí của ngày Rằm tháng 8 có chút gì đó trùng xuống. Rất may, cơn mưa không lớn và tạnh sớm và không khí bắt đầu náo nhiệt khi vài chiếc xe chạy trên đường vang lên tiếng trống múa lân rộn rã.
 
Đêm Trung thu: Rộn sắc màu, đậm tình yêu thương - 7
Các em thiếu nhi đổ về các điểm vui chơi (ảnh: Huỳnh Hải)

Tại một số nhà thờ công giáo trong nội ô Cần Thơ như Tham Tướng, An Hội, Bảo Lộc, Tòa giám mục…không khí náo nhiệt hơn cả khi có rất đông trẻ em đến vui trung thu. Nhiều trò chơi được bày ra để phục vụ cho các em thiếu nhi. Những phần quà cũng được trao đến tay các em.

Nhà thờ An Hội còn cho đốt lửa trại trung thu để tạo thêm ánh sáng lung linh cho các em thiếu nhi tề tựu múa hát dưới trăng. Trước khoảng sân rộng của nhà thờ Bảo Lộc, hàng trăm em thiếu nhi nắm tay xếp vòng tròn chạy vòng quanh hết sức sôi động.

Tại một số khu vui chơi như công viên Lưu Hữu Phước, nhà văn hóa thiếu nhi, bến Ninh Kiều, khu vui chơi trong các siêu thị cũng náo nức không kém. Theo một nhân viên tại công viên Lưu Hữu Phước cho biết, số lượng thiếu nhi tối ngày 22/9 đông hơn ngày thường rất nhiều, các trò chơi hầu như kín chỗ.
 

Nghệ An: Đêm trung thu đầu tiên của một bản người Thái

Đêm Trung thu: Rộn sắc màu, đậm tình yêu thương - 8
Háo hức với trung thu lần đầu (Ảnh: Thuấn Hoàng)
 
Với các em nhỏ thôn Nam Đình (Chi Khê, Con Cuông, Nghệ An) thì năm nay là lần đầu tiên các em có cái tết Trung thu của riêng mình. Đây cũng là ngày hiếm hoi trong năm, trẻ con được phát quà, được chơi vài đồ chơi mà ngày thường nhiều em không nghĩ đến. Tết Trung thu của các em nhỏ trong bản của người Thái này thật đơn sơ, nhưng ấm cúng.
 
Bà Lương thị Lý, một cán bộ của Chi hội phụ nữ xã đã phải bỏ dở buổi gặt tham gia vui Trung Thu với các em thiếu nhi cho biết: “Tết Trung Thu năm nay chưa được chuẩn bị chu đáo. Cả bản chỉ có được một chiếc đèn ông sao, nhưng các cháu đã tỏ ra rất vui với cái tết Trung thu.”
Đêm Trung thu: Rộn sắc màu, đậm tình yêu thương - 9
Những món quà có ý nghĩa đặc biệt với các em (Ảnh: Thuấn Hoàng)

Chi hội phụ nữ thôn chính là những người đứng ra tổ chức tết Trung thu cho các em nhỏ thôn Nam Đình.

  Nhóm PV