Đề xuất cấm lái xe vĩnh viễn đối với tài xế xe khách gây tai nạn

(Dân trí) - Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông bị phát hiện có uống rượu bia sẽ bị phạt nặng, không cần chiếu theo nồng độ cồn trong máu và khí thở; tài xế xe khách, xe container gây tai nạn giao thông phải bị tước giấy phép lái xe vĩnh viễn...

Đó là một số nội dung quan trọng được Hội đồng thẩm định đưa ra và yêu cầu có những điều chỉnh đối với Dự thảo Nghị định 71 sửa đổi về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

“Xe không chính chủ” làm “nóng” nghị trường

Tại hội nghị thẩm định Dự thảo Nghị định 71 sửa đổi diễn ra mới đây tại Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi thực hiện sửa đổi Nghị định 71 phải đưa những hành vi nghiêm trọng vào Nghị định này, xử phạt đối với những người có hiểu biết pháp luật nhưng cố tình vi phạm”.

Cũng theo Thứ trưởng Trường, xe khách và xe container thường gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, vì thế tài xế lái 2 phương tiện này khi gây ra tai nạn giao thông phải tước giấy phép lái xe vĩnh viễn chứ không thể cho tiếp tục điều khiển phương tiện tham gia giao thông được.

“Trên thế giới người ta phạt rất nặng những hành vi vi phạm giao thông, nhưng ở Việt Nam tính nhân đạo cao nên vẫn phạt nhẹ…” - Thứ trưởng Trường cho hay.
 
Quy định xử phạt xe không chính chủ vẫn được quyết đưa vào Nghị định 71 sửa đổi

Quy định xử phạt xe không chính chủ vẫn được quyết đưa vào Nghị định 71 sửa đổi

Liên quan đến Dự thảo nội dung sửa đổi Nghị định 71, ông Lê Đại Hải - Vụ Pháp luật Dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp - cho rằng, nên tập trung vào các hành vi trực tiếp liên quan đến an toàn giao thông và gây tai nạn giao thông. Bởi thế, theo ông Hải, việc xử phạt xe không chính chủ của Bộ Công an là không thuyết phục, đặc biệt là đối với trường hợp người điều khiển phương tiện đảm bảo đầy đủ các điều kiện khi tham gia giao thông.

Đồng quan điểm trên, ông Đỗ Huy Trung - Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự, Văn phòng Quốc hội - nhấn mạnh: “Cần xử lý thật nghiêm đối với hành vi cố ý gây ùn tắc giao thông và làm ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người khác. Đơn cử như đối với hành vi đua xe, phải xử lý luôn trong lần 1 vi phạm chứ không phải là nhiều lần vi phạm mới phạt như trong dự thảo Nghị định…”.

Ông Trung cũng nhất trí cao đối với quan điểm của Bộ GTVT là không đưa quy định xử phạt xe không chính chủ vào Nghị định 71 sửa đổi.

“Tôi đồng ý với Bộ GTVT khi không xử phạt xe không chính chủ. Vì, đây là quyền dân sự của người tham gia giao thông, không thể chuyển quyền dân sự sang quản lý hành chính được. Còn nếu không chuyển quyền sở hữu phương tiện thì khi ra tòa họ không được tòa bảo vệ là việc của họ, khi phương tiện bị mất hay có tranh chấp thì họ phải chấp nhận chịu thiệt thòi. Nói chung càng đỡ phiền hà, nhạy cảm thì càng tốt” - ông Trung dẫn giải.

Trong khi đó, bàn về vấn đề này Đại tá Trần Sơn Hà - Cục phó Cục Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt vẫn kiên quyết bảo lưu quan điểm của ngành Công an là phải xử phạt đối với xe không chính chủ.

“Việc xử phạt xe không chính chủ rất quan trọng và cần thiết đối với các trường hợp như trộm cắp, buôn bán ma túy, tai nạn giao thông chết người… Bộ Công an sẽ có mô tả hành vi cụ thể cho quy định này và gửi Bộ GTVT xem xét bổ sung vào Nghị định 71 sửa đổi trình Chính phủ” - Đại tá Hà khẳng định.

“Không thể quản lý không được là phạt dân”

Hành vi nghe điện thoại di động khi đang điều khiển phương tiện cũng được Hội đồng thẩm định thống nhất quy đinh xử phạt nặng.

Đối với quy định tạm giữ phương tiện và người vi phạm phải trả tiền lưu giữ, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự, Văn phòng Quốc hội - ông Đỗ Huy Trung, nhìn nhận: “Phải nói sòng phẳng rằng đó là việc của Nhà nước nên không thể bắt người vi phạm không phải nộp tiền lưu giữ phương tiện của chính mình. Lực lượng chức năng giữ xe để điều tra thì phải có trách nhiệm trông giữ cái xe đó”.

Theo ông Trung, nên hạn chế việc tạm giữ phương tiện để tránh những thiệt hại về tài sản và tiêu tốn quá nhiều chi phí lưu giữ, kho bãi… Chỉ nên tạm giữ đối với những phương tiện mà người điều khiển sử dụng để vận chuyển ma túy, đua xe, say rượu gây nguy hiểm đến an toàn giao thông… Khi xử lý xong thì cần sớm trả lại phương tiện.

Không chấp nhận quy định xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm

Không chấp nhận quy định xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm

Với quy định xử phạt mũ bảo hiểm rởm, ông Trung cho rằng cần phải phạt nhà sản xuất, phạt cơ quan quản lý thị trường chứ phạt dân là phản cảm.

Nội dung quy định này cũng được nhiều ý kiến trong Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị định 71 khẳng định: “Hàng giả, hàng kém chất lượng không phải là trách nhiệm của người sử dụng mà là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Không thể chấp nhận việc quản lý không được thì quay ra phạt người dân, phạt người sử dụng”.

Riêng đối với quy định xử phạt hành vi uống rượu bia điều khiển phương tiện, rất nhiều ý kiến trong Hội đồng thẩm định thể hiện sự bức xúc vì cho rằng cần cấm việc uống rượu bia khi điều khiểm ô tô xe máy chứ không cần căn cứ vào nồng độ cồn là bao nhiêu ở trong máu và khí thở để xử phạt từng mức độ.

Đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay: “Đã cấm thì cấm tiệt, Hiệp hội vận tải đồng ý với quan điểm này, không nên chia mức độ ứng với nồng độ cồn để xử lý, như thế sẽ thiếu tính răn đe và việc xử lý không triệt để”.

Phạt nặng những hành vi nghiêm trọng

Ông Hoàng Thế Liên - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nghị định 71 sửa đổi, chốt lại nhiều ý kiến cho rằng phải phạt nặng đối với những hành vi nghiêm trọng đe dọa đến an toàn giao thông và gây tai nạn giao thông.

Đối với việc xử phạt xe không chính chủ, đây là nguồn nguy hiểm cao độ, Luật đã quy định nên xử phạt là đúng, nhưng quan trong là phải phạt lúc nào, phạt ở đâu và phạt như thế nào.
 
Chiếc xe khách biến dạng sau vụ tai nạn
Một chiếc xe khách biến dạng sau vụ tai nạn thảm khốc làm 7 người thiệt mạng xảy ra ở Bình Thuận (Ảnh: Công Quang)

“Ví dụ những trường hợp cần xử phạt hành vi xe không sang tên chuyển chủ là tai nạn giao thông, xe chở hàng lậu hàng cấm, người điều khiển bỏ xe chạy trốn… Đó là những trường hợp thể hiện trách nhiệm của chủ sở hữu phương tiện đối với hệ lụy ma tài sản gây ra. Cho mượn xe thì được còn không ai bán xe mà lại không chuyển chủ. Việc xe mua, xe được cho được tặng mà không sang tên chuyển chủ là phải phạt.” - Thứ trưởng Liên dẫn chứng.

Với quy định xử phạt mũ bảo hiểm rởm, Thứ trưởng Liên cũng kiên quyết rằng trách nhiệm của ai thì người đó phải chịu (quản lý thị trường và người sản xuất-kinh doanh) chứ không phạt người đội mũ.

Đối với quy định về nồng độ cồn, Thứ trưởng Liên cho hay: “Uống rượu bia phải xử nặng chứ không quy định mức độ cồn nào cả, lái xe ô tô và xe máy đều phạt như nhau, chỉ cân nhắc mức độ phạt nặng, phạt nhẹ và tước giấy phép lái xe”.

Trước nhiều ý kiến nói trên, ông Nguyễn Văn Thuấn - Vụ trưởng Vụ An toàn, Bộ GTVT, đại diện tổ biên tập dự thảo Nghị định 71 sửa đổi cho biết sẽ tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu, giải trình, trên căn cứ đó sẽ hoàn thiện văn bản trình Chính phủ.
 
Được biết, nếu được Chính phủ chấp thuận phê duyệt thì Nghị định 71 sửa đổi sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 tới đây.

Quỳnh Anh