Đề xuất bỏ xử phạt xe không chính chủ và mũ bảo hiểm rởm

(Dân trí) - Đó là nội dung đáng chú ý nhất trong Dự thảo mới nhất (lần 6) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ -đường sắt mà Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa công bố.

Trong dự thảo lần này, Bộ GTVT không đưa vào quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện (còn gọi là xe không chính chủ) và hành vi đội mũ bảo hiểm rởm với lí do không phù hợp với thực tế nên tính khả thi không cao.

Dự thảo Nghị định 71 sửa đổi từng quy định mức phạt đối với hành vi không chính chủ, trong đó xe máy từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng và ô tô từ 6-10 triệu đồng. Đã có rất nhiều phản biện đồng ý và không đồng ý về quy định này, trong đó Bộ Công an kiên quyết với ý kiến phải xử phạt còn Bộ GTVT lại rút quy định này sau khi tiếp nhận đại đa số ý kiến không đồng tình của người dân.
 
Trong khi Bộ Công an quyết phạt xe không chính chủ thì Bộ GTVT vẫn chưa đưa
Trong khi Bộ Công an quyết phạt xe không chính chủ thì Bộ GTVT vẫn chưa đưa
 quy định này vào dự thảo Nghị định mới nhất và đang tiếp thu, giải trình

Hai luồng ý kiến trái chiều tiếp tục được bàn luận trong hội nghị thẩm định Dự thảo Nghị định 71 sửa đổi diễn ra ở Bộ Tư pháp. Tại đây, ông Hoàng Thế Liên - Thứ trưởng Bộ Tư pháp (Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nghị định 71 sửa đổi) cho rằng phải phạt nặng đối với những hành vi nghiêm trọng đe dọa đến an toàn giao thông và gây tai nạn giao thông.

Theo Thứ trưởng Liên, việc xử phạt xe không chính chủ là đúng và phải đưa vào Nghị định vì đây là nguồn nguy hiểm cao độ và Luật đã quy định xử phạt. Tuy nhiên, Thứ trưởng Liên nhấn mạnh về thời điểm phạt và mức phạt như thế nào cho hợp lí. Với quy định xử phạt mũ bảo hiểm rởm, Thứ trưởng Liên cũng kiên quyết rằng trách nhiệm của ai thì người đó phải chịu (quản lý thị trường và người sản xuất-kinh doanh) chứ không phạt người đội mũ.

Dù Bộ Tư pháp đã nêu lên ý kiến phải xử phạt và Bộ Công an cũng kiên quyết phạt, nhưng trong dự thảo lần 6 này Bộ GTVT vẫn không đưa nội dung này vào quy định.

Trao đổi với PV Dân trí về việc này, ông Nguyễn Văn Thuấn - Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, thành viên Ban soạn thảo Nghị định 71 sửa đổi - nói qua: “Bộ GTVT đã nhận được ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, hiện Bộ GTVT đang tiếp thu ý kiến thẩm định ấy và giải trình với Bộ Tư pháp”.

Riêng về mũ bảo hiểm rởm, việc xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm là không đủ căn cứ pháp lí và không phù hợp nên đã bị loại bỏ trong dự thảo lần 6, tuy nhiên đối với các trường hợp không đội hoặc đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai thì vẫn bị phạt theo quy định hiện hành.

Dự thảo cũng quy định phạt nặng đối với hành vi uống rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trong đó, phạt từ 7 - 8 triệu đồng khi điều khiển xe trên đường mà trong máu và khí thở có nồng độ cồn trên 50 - 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá từ 0, 25 - 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với cá nhân, và từ 6 - 10 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải vi phạm một trong các hành vi sử dụng phương tiện kinh doanh vận tải không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe (đối với hình thức kinh doanh vận tải có quy định phương tiện phải gắn thiết bị) hoặc gắn thiết bị nhưng thiết bị không hoạt động, không đúng quy chuẩn theo quy định; Không thực hiện việc cung cấp, cập nhật, lưu trữ, quản lý các thông tin từ thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

Liên quan đến quy định xử phạt về hộp đen, ban soạn thảo Nghị định cho biết cụ thể: Nếu vi phạm thì người lái xe ngoài bị phạt sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong vòng 30 ngày; còn doanh nghiệp ngoài bị phạt thì bị đình chỉ hoạt động đối với phương tiện đó cho đến khi khắc phục xong vi phạm.

Quỳnh Anh