Chủ tịch Quốc hội:

“Đề tài khoa học xếp ngăn kéo, bị tham nhũng rõ ràng là quá lãng phí!”

(Dân trí) - Trong khi Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân liệt kê số so sánh giữa suất đầu tư cho KHCN giữa Việt Nam, Hàn Quốc…, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cắt lời cho rằng không cần lý giải vòng, chỉ cần trả lời, việc sử dụng hơn 20.000 tỷ đồng được cấp hàng năm có lãng phí không?

Phiên chất vấn Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân tại Quốc hội sáng 12/6 vẫn liên tục nóng từ sau giờ nghỉ giải lao đến giữa trưa.

Tiếp nối vấn đề đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nêu ra về tình trạng đề tài nghiên cứu xếp ngăn kéo dẫn đến lãng phí nguồn lực đầu tư cho KHCN, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nhận định, lãng phí trong nghiên cứu KHCN là vô cùng lớn, kết quả nghiên cứu mang lại chưa tương xứng với kinh phí bỏ ra.

“Mỗi Bộ, ngành một năm có vài chục tỷ đồng, thậm chí là hàng trăm tỷ đồng để nghiên cứu khoa học nhưng chỉ để làm đề tài xong rồi in ấn ra cho đẹp, xếp lên giá, bỏ vào tủ vậy thôi. Nhiều người nói nghiên cứu khoa học là một cách kiếm tiền rất dễ dàng. Sắp tới Bộ trưởng trình Chính phủ quy trình để xét duyệt đề tài không? Làm thế nào để loại bỏ được những đề tài không mang tính ứng dụng? Quy trách nhiệm thế nào với công tác kiểm soát thế này?” – ông Cương “tấn công” dồn dập.

“Đề tài khoa học xếp ngăn kéo, bị tham nhũng rõ ràng là quá lãng phí!”
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: "Người ta nói nghiên cứu khoa học là một cách kiếm tiền rất dễ dàng" (ảnh: Việt Hưng).

Xác nhận là không dám khẳng định không có lãng phí trong nghiên cứu KHCN nhưng Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng giải thích, đầu tư cho lĩnh vực này tại Việt Nam còn rất hạn chế nhưng hiệu quả mang lại rất lớn. Sự lãng phí lớn nhất nằm ở khía cạnh “đầu tư chưa tới ngưỡng”.

Ông Quân dẫn chứng, KHCN dược dành 2% ngân sách hàng năm (tương đương 23.000 tỷ đồng) nhưng thực nhận như năm nay, ngành chỉ có 17.000 tỷ đồng, trong đó hơn 30% phải chi cho đầu tư cho trang thiết bị, trụ sở, 40% dành cho chi thường xuyên (trả lương, hoạt động bộ máy), chỉ còn xấp xỉ 20% cho hoạt động nghiên cứu, tức chỉ có hơn 3.000 tỷ đồng dành để chia cho hơn 2000 tổ chức KHCN…

Theo ông Quân, tính đổ đồng mỗi Viện nghiên cứu chỉ có hơn 1 tỷ đồng/năm và tính trên đầu cán bộ chỉ có 30 triệu đồng/năm. Suất đầu tư cho KHCN của Việt Nam cũng chỉ ở mức 5 USD/người/năm trong khi Trung Quốc đã đạt mức 120 USD, Hàn Quốc là 1.200 USD. Bộ trưởng KHCN than, như vậy là đầu tư chưa tới.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cũng “bồi” thêm truy vấn về thông tin có tiêu cực trong việc xét duyệt đề tài được cấp kinh phí nghiên cứu. Theo đó, tỷ lệ “lại quả” chấm, duyệt đề tài lên tới 25%.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định, quy trình xét duyệt đề tài hiện rất chặt chẽ. Nhiều người cho rằng mô hình Hội đồng xét duyệt cũng chưa đủ yên tâm nên Bộ KH-CN đã xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia để chỉ những GS, TS đủ điều kiện mới được đưa vào danh sách để được chọn mời tham gia vào các hội đồng. Việc lập hội đồng xét duyệt đề tài như vậy không phụ thuộc vào một cá nhân hoặc một đơn vị, tránh tình trạng hội đồng nào cũng quay đi quay lại mấy gương mặt quen biết với nhau cả.

Còn vấn đề tiêu cực, cá nhân cán bộ nghiên cứu vi phạm, theo ông Quân, có thể bị loại bỏ vĩnh viễn khỏi các đề án nghiên cứu khoa học hoặc bị “treo bút” 3-5 năm. Chế tài như vậy, Bộ trưởng KHCN cho rằng cũng đủ cho việc răn đe, cảnh báo.
“Đề tài khoa học xếp ngăn kéo, bị tham nhũng rõ ràng là quá lãng phí!”
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Hai mấy nghìn tỷ đồng với ta đã là rất lớn, Bộ trưởng đừng để lãng phí" (ảnh: Việt Hưng).

Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng KHCN, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ngắt lời: “Đại biểu chỉ đặt câu hỏi ngành của Bộ trưởng có lãng phí không và lãng phí có lớn không? Rõ ràng đề tài nghiên cứu xong xếp ngăn kéo là lãng phí rồi, để tiêu cực, tham nhũng xảy ra là quá lãng phí rồi, so sánh với Mỹ, Nhật làm gì?”.

Bộ trưởng Nguyễn Quân xác nhận, lãng phí chắc chắn có nhưng về tiêu cực thì cá nhân ông chưa nhận được thông tin phản ánh.

Chủ tịch Quốc hội sốt ruột nhắc: “Hai mấy nghìn tỷ đồng một năm với ta cũng là rất lớn rồi đấy, nên Bộ trưởng đừng để xảy ra lãng phí. Đầu tư nghiên cứu mà hiệu quả không cao cũng là đã lãng phí rồi. Phải tìm chỗ sơ hở, sai sót mà khắc phục”.

Trước khi kết thúc buổi làm việc sáng, Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) còn chia sẻ, đã hơn 30 năm làm khoa học, với cá nhân ông có một thực tế là “trước khi muốn làm khoa học thật thì phải dối đã vì có thế mới có tiền mà làm thật”.

Ông Lịch cũng bình luận: “Các nghiên cứu bỏ ngăn kéo, nếu nói mạnh ra thì, công lớn nhất của hoạt động nghiên cứu này là chuyển giấy trắng thành giấy lộn. Tỷ lệ những công trình nghiên cứu bày ra chỉ để tiêu tốn tiền như thế là bao nhiêu?”.

Bộ trưởng Quân quả quyết, với hơn 50 Thông tư, văn bản Bộ KHCN mới ban hành đã thay đổi toàn bộ cơ chế nghiên cứu khoa học, sẽ thực hiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng để các nhà khoa học không quá vất vả về việc lập hồ sơ, thanh toán, hợp thức hóa giấy tờ.

Ông Quân giải thích: “Nhà khoa học nào khẳng định đưa ra được sản phẩm cuối cùng sẽ được tính theo cách khoán chi. Như vậy sẽ khỏi lo việc làm nghiên cứu không mất nhiều thời gian bằng làm chứng từ. Như vậy cũng chấm dứt tình trạng đề tài nghiên cứu phải bỏ ngăn kéo vì không có tiền triển khai ứng dụng”.

P.Thảo