Thanh Hóa:

Đê sông Mã sạt lở nghiêm trọng

(Dân trí) - Hai năm nay, người dân xã Vĩnh Yên, Vĩnh Lộc luôn phải sống trong nỗi lo, bởi tuyến đê sông Mã chạy qua xã này nhiều đoạn đang bị sạt lở, đe dọa sự an toàn của người dân. Đoạn sạt lở cách Trung tâm Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ 5km.

Sau hai năm sạt lở, đã có nơi lở sâu vào phía trong đất bãi tới hơn 30m.
Sau hai năm sạt lở, đã có nơi lở sâu vào phía trong đất bãi tới hơn 30m.

Xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc nằm dọc theo bờ tả đê sông Mã, cả xã có 6 thôn thì mất 4 thôn nằm ở bên ngoài đê còn 2 thôn nằm ở phía trong đê. Từ năm 2010 đến nay, do tác động của dòng chảy, cũng như việc xây dựng đập ngăn sông Mã tạo dòng xoáy không cho bùn lắng đọng vào trạm bơm Yên Tôn nên tuyến đê chạy qua địa bàn xã đã xuất hiện nhiều đoạn sạt lở, có những đoạn trùng với vị trí đã từng bị vỡ đê trước kia.

Cả xã có 1,7km đê sông Mã chạy qua, hiện có tới ba đoạn bị sạt lở. Đoạn nằm ở Vị trí K3, sạt lở diện tích đất bãi bồi và diện tích đất canh tác của nhân dân. Sau 2 năm sạt lở, đến thời điểm này tuy chưa vào mùa mưa nhưng điểm sạt lở đã dài tới gần 150m, sâu vào bên trong đê tới hơn 30m. Trung bình mỗi năm, tại vị trí này lại bị lở sâu vào bên trong khoảng hơn 10m.

Vết sạt lở đã kéo theo từng mảng đất xuống sông.
Vết sạt lở đã kéo theo từng mảng đất xuống sông.

Vết sạt lở đã kéo theo từng mảng đất xuống sông.
Ông Vũ Ngọc Luyến, Phó Ban phòng chống lụt bão xã Vĩnh Yên, chỉ vào vị trí cung trượt kéo dài hơn 70 m, ngay chỗ vị trí vỡ năm 1927.

Có mặt taị vị trí sạt lở chúng tôi không khỏi rùng mình bởi khối lượng diện tích sạt lở rất lớn, phía bên trong điểm sạt lở xuất hiện nhiều vết nứt sâu, có nơi chỉ cách chân đê khoảng 10m.

Bà Bùi Thị Cang, ở thôn Phù Lưu cho biết: “Nhà tôi nhận thầu 1,5 ha đất bãi trồng ngô, mấy năm nay vào mùa mưa đất cứ lở dần lở mòn, đến giờ diện tích đó chỉ còn khoảng 8 sào. Không chỉ vậy, bên trong bãi ngô còn xuất hiện rất nhiều các vết nứt, cứ mỗi khi đi làm tôi lại thấy sợ vì đất lở”.

Tại vị trí K3+318, theo ông Vũ Ngọc Luyến, Phó Ban phòng chống lụt bão xã Vĩnh Yên, đây là vị trí trọng yếu, bởi tình trạng sạt lở trực tiếp vào chân đê. Đến nay tại vị trí này đã lở sâu vào chân đê khoảng 10m. Đặc biệt tại vị trí này năm 1927, đã từng xảy ra vỡ đê. Theo các cụ cao niên trong xã, năm 1927 khi vỡ đê nước chảy tới tận thị xã Tam Điệp của tỉnh Ninh Bình.

Từng khối đất chờ đổ ụp xuống sông.
Từng khối đất chờ đổ ụp xuống sông.

Tại vị trị này, hiện có một cung trượt (hay còn gọi là vết nứt) dài gần 70 m, là cung trượt để lại từ năm 2011 rất nguy hiểm. Ông Luyến cho biết thêm, nếu vị trí này bị vỡ như năm 1927, thì gần 300 hộ dân ở thôn Mỹ Xuyên và Trung tâm di sản văn hóa thế giới Thanh nhà Hồ sẽ nằm trực tiếp trên đường đi của dòng nước. Bởi thôn Mỹ Xuyên nằm gần chân đê, còn Thành nhà Hồ cách vị trí này khoảng 5Km.

Còn tại vị trí K4, điểm sạt lở thân đê với chiều dài khoảng 50m, trên thân đê xuất hiện nhiều vết nứt gẫy, nguyên nhân sạt lở được đánh giá là do mưa lũ.

Mặc dù chưa vào mùa mưa nhưng nhiều diện tích đất canh tác của người dân bị sạt lở.
Mặc dù chưa vào mùa mưa nhưng nhiều diện tích đất canh tác của người dân bị sạt lở.

Ông Vũ Ngọc Luyến, Phó Ban phòng chống lụt bão xã Vĩnh Yên cho biết: “Có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở trên, thứ nhất là do tác động của dòng chảy đã làm vị trí K3 bị sạt lở nặng, thứ 2 là do xây dựng bờ chắn dòng nước để tạo thành dòng xoáy không cho bùn lắng đọng vào trạm bơm Yên Tôn nên dòng nước đã đánh thẳng vào vị trí K3+318, mặt đê chưa được kiên cố hóa cũng là một nguyên nhân”.

Trước tình trạng này, chính quyền xã Vĩnh Yên đã thành lập Ban chỉ huy phòng chống lụt bão chuẩn bị các vật liệu như: Đá, cát, cọc tre để chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp sự cố xảy ra. Tuy nhiên, nếu mình xã Vĩnh Yên sẽ không đủ khả năng để xử lý mà cần có sự phối hơp của các ngành các cấp cùng vào cuộc.

Nhiều khối đất lớn đã nứt gẫy có thể lở bất cứ lúc nào.
Nhiều khối đất lớn đã nứt gẫy có thể lở bất cứ lúc nào.

Tại K4, mặc dù chân đê đã đươc kè đá nhưng do mưa thân đê vẫn bị nứt, sạt lở.
Tại K4, mặc dù chân đê đã đươc kè đá nhưng do mưa thân đê vẫn bị nứt, sạt lở.

Vị trí được đánh giá trọng yếu trong mùa mưa trùng với vị trí vỡ đê năm 1927.
Vị trí được đánh giá trọng yếu trong mùa mưa trùng với vị trí vỡ đê năm 1927.

 Con đập ngăn dòng nước là một trong những nguyên nhân gây ra sạt lở.
 Con đập ngăn dòng nước là một trong những nguyên nhân gây ra sạt lở.

Chính quyền xã Vĩnh Yên đã chuẩn bị đất, đá gần vị trí sạt lở, phòng sự cố xảy ra.
Chính quyền xã Vĩnh Yên đã chuẩn bị đất, đá gần vị trí sạt lở, phòng sự cố xảy ra.
 
Hoàng Văn - Duy Tuyên