Để người dân không thờ ơ với tham nhũng

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết xung quanh thông tin người dân có vẻ thờ ơ với tham nhũng, không tố cáo hành vi tham nhũng khiến những nỗ lực kiểm soát tham nhũng của nước ta chưa đem lại kết quả như mong đợi, ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho rằng: Cần tìm ra các giải pháp hữu hiệu để người dân chung tay đấu tranh loại bỏ tham nhũng.

Chủ yếu phát hiện tham nhũng vặt

Chủ yếu phát hiện tham nhũng vặt

PV: Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) vừa được công bố cho thấy, những nỗ lực kiểm soát tham nhũng đến nay chưa đem lại nhiều kết quả như mong đợi. "Chủ nghĩa vị thân”, nhũng nhiễu đòi hối lộ của cán bộ chính quyền vẫn rất phổ biến. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?


Ông Đinh Xuân Thảo:

Ông Đinh Xuân Thảo:Kết quả PAPI dựa trên trải nghiệm của hơn 13 nghìn người dân được chọn ngẫu nhiên ở tất cả 63 tỉnh/TP trên cả nước. Ý kiến của người dân về chỉ số kiểm soát tham nhũng cũng phù hợp với đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng; đánh giá của Chính phủ báo cáo trước QH. Giám sát của QH, HĐND về công việc này cũng cho thấy, tham nhũng đang là vấn đề rất nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, cần phải tiếp tục có giải pháp mạnh hơn nữa để hạn chế, đẩy lùi.

Có thể thấy, trong năm qua, chúng ta mới chỉ phát hiện tham nhũng nhỏ, tham nhũng vặt, còn những vụ tham nhũng cực lớn lại chưa được xử lý một cách hiệu quả. Như vụ hối lộ làm đường sắt trên cao, nước ngoài phát hiện rõ ràng và nói có đưa hối lộ cho người Việt Nam. Có người đưa hối lộ thì phải có người nhận hối lộ nhưng là ai thì lại chưa tìm ra.

Vậy phải làm gì để chống giặc "nội xâm” hiệu quả?

- Chúng ta phải công nhận một điều, công tác phòng, chống tội phạm nói chung, phòng, chống tham nhũng nói riêng cũng đạt được những thành tích đáng ghi nhận với sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nhưng có kết quả lại không như mong đợi. Chẳng hạn, chúng ta có giải pháp kê khai tài sản của cán bộ nhưng kiểm soát, kiểm tra thế nào thì chưa làm đến nơi đến chốn? Việc sử dụng tiền qua tài khoản cũng cần làm nhanh chóng chứ cứ để giao dịch bằng tiền mặt thì khó quản. Nhà đất cũng vậy, người ta đâu đứng tên trên bất động sản mà để con cháu đứng tên thì quy định phải thế nào để minh bạch? Cho nên, chúng ta vẫn phải tiếp tục hoàn thiện các giải pháp từ quy định pháp luật đến tổ chức thực hiện để người ta không dám, không thể tham nhũng.

Cán bộ có bản lĩnh sợ gì bị gài”

Cán bộ có bản lĩnh sợ gì bị "gài”

Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ vừa ký ban hành Thông tư liên tịch quy định tăng mức thưởng cho người tố cáo tham nhũng lên đến 3,4 tỷ đồng. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Đây là một giải pháp có tác dụng nhất định để giảm tham nhũng. Nhưng tôi cho rằng phải tổng hợp nhiều giải pháp, trong đó có việc làm thế nào để khuyến khích người dân thực sự đấu tranh chống tham nhũng thì mới thực sự ngăn chặn được tham nhũng. Chẳng hạn như khi có người nhà bị bệnh nặng phải vào viện buộc phải đưa hối lộ, nhưng theo quy định của pháp luật hiện hành nếu đưa hối lội rồi tố cáo thì cũng phạm tội bị xử, thế nên người dân dù có bị "vòi vĩnh”, "đòi hối lộ” cũng không muốn tố cáo.

Đưa hối lộ có bị xử hay không là vấn đề có nhiều ý kiến trái chiều khi thảo luận sửa đổi Bộ luật Hình sự. Có ý kiến lo ngại nếu bỏ tội đưa hối lộ sẽ dẫn đến tình trạng lợi dụng để "gài” hay "hạ bệ gây mất uy tín của cán bộ”, nhưng xử người đưa hối lộ thì ai tố cáo tham nhũng, ý kiến của ông?

- Đúng là có chuyện này chuyện khác. Nếu bị đẩy vào tình trạng buộc phải hối lộ thì mới được miễn trách nhiệm hình sự. Chẳng hạn có người nhà bệnh nặng phải hối lộ bác sỹ để cứu người nhà thì tình huống người ta buộc phải đưa hối lộ. Còn nếu hối lộ để "chạy việc” hay "chạy chức, chạy quyền” không được việc mới tố cáo thì phải xử. Nhưng tôi cho rằng, dù có chuyện "gài” đi chăng nữa nhưng cán bộ, có bản lĩnh trong sạch, không nhận của hối lộ thì sẽ không vấn đề gì.

Vậy ông đồng tình với việc nên bỏ tội đưa hối lộ để khuyến khích người dân tham gia đấu tranh chống tham nhũng?

- Đúng vậy. Hối lộ có chuyện người đưa, nhận và trung gian hối lộ nếu quy định vậy chính người nhận hối lộ sẽ sợ vì bất cứ lúc nào cũng có thể bị người đưa hối lộ tố. Đây là biện pháp hữu hiệu ngăn chặn người nhận hối lộ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ông Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng: Tham nhũng không giảm: Lỗi từ hai phía

Chỉ số kiểm soát tham nhũng không có chuyển biến, tôi cho rằng lỗi từ cả hai phía. Chính quyền phải minh bạch thông tin như vụ chặt cây xanh ở Hà Nội cần phải minh bạch ai là người ra quyết định, ai là người triển khai, cây chặt ở đâu… đồng thời, cương quyết hơn nữa để phát hiện, trừng phạt tham nhũng. Nhưng người dân không biết rõ vì sao cây xanh bị chặt, ai ra quyết định, gỗ đi đâu và sự trừng phạt đó chúng ta thấy không nhiều. Phải nói rằng chừng nào thông tin còn rất mù mờ thì chừng ấy tham nhũng vẫn nảy nở. Chỉ khi nào người dân giám sát được thì lúc đó tham nhũng mới không xảy ra. Về phía người dân cũng có lỗi theo nghĩa thờ ơ, không đứng ra tố cáo, lên tiếng. Chúng ta chỉ bức xúc trên mạng xã hội mà không làm gì cả cũng là lỗi không hành động. Chỉ khi chính quyền và người dân kết hợp được với nhau thì mới đẩy lùi được tham nhũng.

Theo Lục Bình

Đại Đoàn kết