Đề nghị truy cứu hình sự nếu dự báo thời tiết sai lệch

(Dân trí) - “Thông tin dự báo không chính xác hoàn toàn nhưng cũng không thể sai lệch nghiêm trọng. Vì vậy Luật Khí tượng thủy văn cần có quy định cấm cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn sai lệch, gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân”...

Đó là kiến nghị của đại biểu Phạm Thị Phương (Hà Tĩnh) trong phiên thảo luận về Dự án Luật khí tượng thủy văn tại hội trường Quốc hội, chiều 24/6. Phiên thảo luận ghi nhận ý kiến của 11đại biểu Quốc hội, trong đó đa phần các đại biểu kiến nghị quy định để đảm bảo tính chính xác của thông tin dự báo và trách nhiệm của người cung cấp sai thông tin dự báo.

Dự báo một đằng, bão về một nẻo?

Dự thảo Luật, ở Khoản 4, Điều 4 đề cập đến tính chính xác trong dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, nhưng đại biểu Phạm Thị Phương chưa yên tâm. Bà Phương đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thể hiện rõ quy định về tính chính xác về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

“Hoạt động khí tượng thủy văn là hoạt động khoa học, mà điều quan trọng nhất của hoạt động khoa học là đảm bảo tính chính xác. Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, thông tin dự báo cảnh báo khí tượng thủy văn cần thiết đảm bảo tính chính xác chứ không chỉ cần sự kịp thời, dễ hiểu cho người sử dụng, nếu thông tin mà kịp thời và dễ hiểu nhưng thiếu tính chính xác thì có mang lại lợi ích gì?” - đại biểu Phạm Thị Phương bày tỏ.

Đại biểu Phạm Thị Phương - đoàn Hà Tĩnh (ảnh: Ngọc Châu).
Đại biểu Phạm Thị Phương - đoàn Hà Tĩnh (ảnh: Ngọc Châu).

Nữ đại biểu đoàn Hà Tĩnh cũng đưa ra bằng chứng nhiều lần cơ quan khí tượng đưa ra dự báo sai lệch gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản của nhân dân. Đơn cử như việc dự báo sai về cơn bão Linda năm 1997 là không gây ảnh hưởng đến nước ta, nhưng thực tế, cơn bão đã vượt qua khu vực biển Nam Bộ và đổ bộ vào Cà Mau, làm 3.000 người thiệt mạng và mất tích, hàng chục nghìn tàu thuyền bị đắm chìm do bão.

“Tôi không đồng tình với giải trình của ban soạn thảo rằng dự báo thì không thể chính xác. Không chính xác hoàn toàn nhưng cũng không thể sai lệch nghiêm trọng. Tính chính xác không phải là một con số cố định mà có sai số cho phép. Vì vậy chúng ta không nên né tránh điều này. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét kỹ” - đại biểu Phạm Thị Phương nhấn mạnh.

Từ những phân tích trên, xét đến vai trò của tính chính xác trong thông tin dự báo cảnh báo khí tượng thủy văn, đại biểu Phạm Thị Phương đề nghị bổ sung thêm 1 khoản vào Điều 6 về những hành vi bị cấm với quy định “Cấm cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn sai lệch gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân”.

Đại biểu Phạm Thị Phương cho rằng, dự thảo Luật mới quy định về trách nhiệm trong trường hợp làm sai quy trình kỹ thuật, nhưng nếu không làm sai quy trình kỹ thuật mà đưa ra những sai sót do trình độ chuyên môn thì cũng cần phải áp trách nhiệm. Vì thế, cần phải có quy định trách nhiệm về năng lực, trình độ chuyên môn gắn với vị trí công việc, có như vậy thì khoa học mới phát triển được và ở mỗi vị trí công tác mới chọn được người có năng lực và phát huy được năng lực của mình.

Nhiều dự báo bão sai đã gây thiệt hại cho người và tài sản của nhân dân (ảnh: Tuấn Hợp)

Nhiều dự báo bão sai đã gây thiệt hại cho người và tài sản của nhân dân (ảnh: Tuấn Hợp)

Đề cập đến kênh thông tin dự báo cảnh báo khí tượng thủy văn, đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (đoàn Nam Định) nhìn nhận, những năm qua, có nhiều hạn chế do bộ máy tổ chức chưa hiệu quả, cần tăng cường vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực khí tượng thủy văn đối với các đơn vị sự nghiệp.

“Tác động về thời tiết phải được thông báo công khai cho khu vực dân cư chịu ảnh hưởng, nhất là trường hợp khẩn cấp, khi có thiên tai bất thường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, như mưa đá, bão, sương mù. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa lại quy định rõ ràng, đảm bảo được trong tất cả các trường hợp về thời tiết theo kế hoạch hoặc trong trường hợp khẩn cấp” - đại biểu Hoàng Thị Tố Nga kiến nghị.

Truy cứu trách nhiệm hình sự nếu dự báo sai lệch nghiêm trọng

Đại biểu Phùng Khắc Đăng (Sơn La) thể hiện sự quan tâm đặc biệt về vấn đề an ninh, quốc phòng, phòng chống thiên tai và lợi ích quốc gia, liên quan đến chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong phần thảo luận của mình. Đây là nguyên tắc rất quan trọng để đảm bảo sự an toàn cho đất nước trong mọi tình huống nhưng trong dự thảo luât chưa cụ thể hóa nguyên tắc này, chưa có nhiều quy định liên quan đến việc phục vụ quốc phòng, an ninh.

Cơ sở trên là lí do vị đại biểu này đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về hành vi bị cấm, trong đó nhấn mạnh “Cấm cung cấp thông tin dữ liệu, tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cho đối tượng có khả năng xâm hại đến quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai và lợi ích quốc gia”.

Đại biểu Phùng Khắc Đăng - đoàn Sơn La (ảnh: Ngọc Châu)

Đại biểu Phùng Khắc Đăng - đoàn Sơn La (ảnh: Ngọc Châu)

Theo đại biểu Phùng Khắc Đăng, những thông tin dữ liệu, tin cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hoạt động quân sự. Đại biểu lưu ý, kinh nghiệm lịch sử đã cho thấy những dự báo về thời tiết, lũ, mực nước có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của việc tổ chức một chiến dịch hay một cuộc hành quân trong hoạt động quân sự.

Vì vậy, tướng Đăng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định về cơ chế cung cấp thông tin, dữ liệu cảnh báo dự báo khí tượng thủy văn giữa cơ quan quản lý của nhà nước với hoạt động an ninh quốc phòng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo hướng ưu tiên; Không cung cấp và sử dụng những thông tin về dự báo cảnh báo khí tượng thủy văn cho các đối tượng khác mà xét thấy việc này có thể nguy hại tới an ninh, quốc phòng quốc gia.

Với vấn đề khiếu nại tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động khí tượng thủy văn được thực hiện theo quy định của pháp luật, ông Đăng nhận xét, dù vậy, các điều luật vẫn còn đơn giản, có tính chất chung chung.

“Thông tin dự báo có ảnh hưởng lớn đến hoạt động quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia, vì vậy đề nghị tùy theo mức độ để xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy tố trách nhiệm hình sự” - đại biểu Phùng Khắc Đăng khẳng định.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và tình hình nước biển dâng. Phiên thảo luận về Dự thảo Luật khí tượng thủy văn diễn ra tại hội trường Quốc hội chiều 24/6 khi cơn bão số 1 đang đổ bộ vào đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng. Chốt lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, thực tế chính là một động lực khiến chất lượng ý kiến của các đại biểu tốt hơn.

Châu Như Quỳnh