Quảng Nam:

Đề nghị sửa đổi quy trình vận hành của các hồ thủy điện

(Dân trí) - Tại Hội nghị chuyên đề phát triển thủy điện hôm 4/12, các đại biểu tham dự đề nghị sớm sửa đổi quy trình vận hành của các hồ thủy điện nhằm đảm bảo nguồn nước mùa khô và hạn chế sự tàn phá của lũ trong mùa mưa…

Sau những thiệt hại nặng nề về người và  của vừa qua khiến Tỉnh ủy Quảng Nam, lần đầu tiên, tổ chức Hội nghị chuyên đề phát triển thủy điện hôm 4/12. Tham dự có đại diện một số cơ quan chức năng của các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường và Bộ Công Thương.

Theo báo cáo của tỉnh, đến nay Quảng Nam đã có tổng số 58 dự án thuỷ điện đã được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất hơn 1.600 MW, điện năng 6,531 tỷ KWh/ năm. Trong đó, Bộ Công Thương phê duyệt 10 dự án thuỷ điện bậc thang trên hệ thống sông Vu Gia -Thu Bồn, chiếm 68,3 % công suất theo quy hoạch; tỉnh Quảng Nam phê duyệt 48 dự án thuỷ điện vừa và nhỏ, chiếm 31,7% công suất theo quy hoạch.

 

Trong tổng số các dự án thuỷ điện, đã có 6 dự án đi vào vận hành và phát điện, 9 dự án đang xây dựng, 18 dự án đã phê duyệt, 17 dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu và lập kế hoạch đầu tư.

 

Ông Nguyễn Đức Hải, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam khẳng định việc phát triển thủy điện trên địa bàn tỉnh là phù hợp với chủ trương của Chính phủ về an ninh năng lượng quốc gia, quá trình khảo sát lập qui hoạch do các đơn vị tư vấn chuyên ngành thực hiện đảm bảo đúng qui trình. Tuy nhiên, việc phát triển thuỷ điện cũng bộc lộ một số hạn chế như quy trình vận hành hồ chứa, tái định cư, làm sao phải đảm bảo vừa phát triển an ninh năng lượng nhưng đảm bảo đời sống dân cư.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng thủy điện đã ảnh hưởng tới lớp thảm thực vật, diện tích rừng và đất sản xuất. Để xây dựng 50 dự án thủy điện, hơn 1.700 hộ dân phải di dời tái định cư, hơn 11.500 ha đất rừng bị thu hồi, chiếm 34,6%, tổng diện tích đất rừng và đất khác của các huyện miền núi dành cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

 

Một vấn đề cũng gây không ít bức xúc là tái định cư cho người dân bị giải tỏa. Một số khu tái định cư đang thiếu đất sản xuất, đời sống bà con nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, có nơi mức sống không bằng nơi ở cũ.

 

Đặc biệt, nhân dân sống ở khu vực hạ du phải gánh chịu nhiều tác hại lũ lụt do quy trình xả lũ của các dự án thuỷ điện chưa tính toán hợp lý, nhất là trong cơn bão số 9 vừa qua, đã tạo dư luận trái chiều trong xã hội về vấn đề phát triển thuỷ điện. 

 

Liên quan đến chuyện xả lũ vừa qua, nhiều ý kiến nêu rõ, mặc dù các nhà máy thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có quy trình vận hành, nhưng mới ở phạm vi cục bộ, chỉ đảm bảo an toàn cho hồ thủy điện, chưa có sự phối hợp chung của các ngành địa phương để đảm bảo lợi ích hài hòa đối với sản xuất và đời sống người dân trong vùng ảnh hưởng của dự án. Ngay cả sự tham gia của cơ quan khí tượng thủy văn, những thông tin xả nước cần thông báo cho dân vẫn chưa có.

 

Vì vậy, các đại biểu  đề nghị sớm sửa đổi quy trình vận hành của các hồ thủy điện nhằm đảm bảo nguồn nước mùa khô và hạn chế sự tàn phá của lũ trong mùa mưa; ban hành quy trình vận hành liên hồ đối với các công trình thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn.

 

Tường Vy