Đề nghị khởi tố ông Mạc Kim Tôn

(Dân trí) - Ngày 6/7, Viện KSND tỉnh Thái Bình đã báo cáo Viện KSND Tối cao đề nghị khởi tố ông Mạc Kim Tôn, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, đại biểu QH tỉnh Thái Bình về tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi” và tội “nhận hối lộ”.

Trước đó, Công an tỉnh Thái Bình cũng có công văn số 173 gửi đoàn đại biểu QH tỉnh Thái Bình để báo kết quả điều tra về những sai phạm của ông Mạc Kim Tôn và xin ý kiến xử lý ông Tôn về những dấu hiệu phạm tội nêu trên.

 

Kết quả điều tra, từ tháng 7/2005, Trần Thị Ánh bắt đầu thân quen với ông Mạc Kim Tôn và đặt vấn đề cùng ông Tôn thực hiện chương trình trang bị máy vi tính, máy chiếu đa năng cho các trường học và một số đơn vị trong tỉnh theo chương trình hàng viện trợ ngoài ngân sách. Ông Tôn đồng ý và chỉ đạo các trường học được lắp máy phải chi phí 20% trị giá số máy được lắp.

 

Ông Tôn đã dẫn Ánh đến hơn 30 trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh và giới thiệu là cán bộ Văn phòng UBND tỉnh để Ánh đến tổ chức lắp máy vi tính cho các trường học. Sau đó, Ánh cùng với ông Hoàng Đức Hoạt (Phó GĐ Trung tâm Tin học thuộc Sở) đến Cty Kiên Cường (Quang Trung, TP.Thái Bình) ký hợp đồng mua một số máy vi tính trang bị cho các trường học, với giá 7 triệu đồng/máy.

 

Tuy nhiên, trên thực tế, Công ty Kiên Cường chỉ thu trên mỗi máy vi tính là 6 triệu đồng. Trong 2 tháng đầu năm 2006, Kiên Cường đã lắp đặt 267 máy tính cho 20 trường với tổng trị giá hơn 1,9 tỉ đồng.

 

Ngoài ra, Ánh còn yêu cầu 17 trường được lắp đặt máy phải thanh toán hoá đơn giá trị gia tăng khống cho 60 chiếc máy tính, tổng trị giá 462 triệu đồng và 23,1 triệu đồng tiền thuế giá trị gia tăng. Số tiền 462 triệu đồng này, các trường học đã khai nhận là chi cho ông Tôn và Ánh. Ngoài ra, Ánh còn lấy của Công ty Kiên Cường 30 máy vi tính để lắp cho 3 cơ sở trong tỉnh trị giá hơn 220 triệu đồng.

 

Như vậy, Công ty Kiên Cường đã xuất ra 297 máy vi tính, với tổng trị giá gần 2,2 tỷ đồng. Xác minh tại các trường đã được lắp máy cho thấy, ông Tôn đã chỉ đạo các trường  mua hoá đơn khống và ghi vào sổ sách kế toán để rút tiền đưa cho ông Tôn và Ánh. Ánh còn thu của mỗi trường 400 nghìn đồng tiền vận chuyển dù số tiền này Công ty Kiên Cường chịu trách nhiệm thanh toán.

 

Theo công ty Kiên Cường, dù đã nhiều lần đề nghị  ký hợp đồng nhưng Ánh không thực hiện và trả lời:"Chú Tôn đã ký chuyển vào UBND tỉnh để thanh toán".

 

Không dừng lại ở đó, cơ quan điều tra còn xác định, thông qua Ánh, ông Tôn đã chỉ đạo Sở GD- ĐT tỉnh Thái Bình ký thêm 2 hợp đồng kinh tế mua hàng của Công ty cổ phần đầu tư và chuyển giao công nghệ ASP, trụ sở tại số 5 Yên Thế (Ba Đình, Hà Nội) để mua 45 máy vi tính, 20 máy Compaq 6110 và 20 máy chiếu đa năng với tổng trị giá gần 1,6 tỷ đồng.

 

Người đặt bút ký hợp đồng này là ông Điền - Phó giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh, đã khai nhận tại cơ quan điều tra là mặc dù biết Sở không có dự án cung cấp thiết bị này nhưng vẫn phải thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của ông Tôn .

 

Ngoài ra, ông Tôn còn chỉ đạo Ánh và ông Hoạt (Phó GĐ Trung tâm tin học) mua 11 máy tính xách tay, 55 bộ máy vi tính bàn, 5 máy chiếu, 7 thiết bị kỹ thuật số của Công ty STC, trụ sở tại số 8 Phùng Hưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) với tổng số tiền gần 650 triệu đồng...

 

Như vậy, toàn bộ số tiền hàng hơn 4,1 tỷ đồng đến nay ông Tôn và Ánh chưa thanh toán và không có nguồn nào để thanh toán.

 

Trước đó, khi làm việc với cơ quan CSĐT, ông Tôn thừa nhận đã nhận của Ánh 60 triệu đồng và được Ánh biếu quà trị giá khoảng 62 triệu đồng gồm điện thoại di động, máy vi tính, tủ gỗ, máy hút bụi, máy lọc nước... Sau khi sự việc bị phanh phui, ông Tôn đã giao nộp 60 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

 

Ông Tôn có thể phải lĩnh án từ 5- 15 năm tù giam nếu bị xét xử với những tội danh nêu trên. 

 

Công an tỉnh Thái Bình cũng xác định Trần Thị Ánh, kẻ chủ mưu vụ lừa đảo này, sẽ bị truy cứu với các tội danh “lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ và quyền hạn để trục lợi” và tội “đưa hối lộ”.

Nguyên Đức

Dòng sự kiện: Vụ Mạc Kim Tôn