Đại biểu Quốc hội:

Đề nghị Chính phủ xem lại phí sử dụng đường bộ

(Dân trí) - Sau khi nghe giải trình của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mặc dù đồng ý với Chính phủ, phí sử dụng đường bộ có cơ sở pháp lý, song đại biểu Trần Du Lịch vẫn tha thiết kiến nghị Chính phủ xem lại để được lòng dân.

Tham gia phần chất vấn sáng nay (15/6) đối với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) tiếp tục “truy” về phí bảo trì giao thông đường bộ.

Ông Lịch cho hay, qua 33 cuộc tiếp xúc cử tri thành phố Hồ Chí Minh, tất cả đều bức xúc về Nghị định 18 ở nội dung thu phí trên phương tiện xe cơ giới. Dẫn phản ánh được ra tại cuộc đối thoại ngày 9/5, với sự tổ chức của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt  Nam (VCCI) với các Hiệp hội và các nhà kinh doanh vận tải, ông Lịch cho biết, “người ta nêu nếu như thu phí như Nghị định 18 về phí này, mỗi một xe,  đầu kéo thu, rơ-mooc thu, rơ-mooc không chạy cũng thu thì không biết làm ăn thế nào”.

Vị đại biểu TPHCM đề nghị Phó Thủ tướng làm rõ tính pháp lý của vấn đề, đồng thời nêu thắc mắc, nếu tiến hành thu phí như trên thì liệu có bỏ các trạm thu phí như Bộ Giao thông vận tải đã có lần giải thích hay không.

Đề nghị Chính phủ xem lại phí sử dụng đường bộ

Đại biểu Trần Du Lịch: phương thức thu đánh vào phương tiện xe cơ giới “dù hợp lý nhưng không hợp tình” (ảnh Việt Hưng).

Đáp lại những băn khoăn, có phần bức xúc của đại biểu Lịch, trước Nghị trường, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra khẳng định, Nghị định 18 của Chính phủ là có cơ sở pháp lý, cụ thể có ghi: “Nguồn hình thành quỹ, phí xây dựng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm xe ô tô, máy kéo, xe móc…”

Ngoài ra ông cũng cho biết, ngân sách nhà nước cấp bổ sung hàng năm cho quỹ. Các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục dẫn cơ sở pháp lý cho phí này, Phó Thủ tướng tiếp tục nêu quy định tại điều 19, Luật Giao thông đường bộ: “nguồn tài chính cho quản lý bảo trì đường bộ là nguồn tài chính để quản lý bảo trì hệ thống quốc lộ và đường địa phương được bảo đảm từ quỹ bảo trì đường bộ”.

Quỹ bảo trì đường bộ được hình thành từ 3 nguồn. Một là từ ngân sách nhà nước công bố hàng năm, hai là từ các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn thu khác theo quy định pháp luật.

Không phải là phí mới, chỉ thay đổi về phương thức thu

Giải đáp liệu phí này có phải là phí đánh vào tài sản không, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phí xây dựng đường bộ không phải là một loại phí mới mà đã được quy định tại danh mục phí và lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh về phí và lệ phí.

Hiện nay phí xây dựng đường bộ đang được thu qua các trạm thu phí theo quy định tại Thông tư 90 năm 2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí đường bộ.

Theo Phó Thủ tướng, Nghị định số 18 quy định về phí xây dựng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông đường bộ chỉ thay đổi phương thức thu, chế độ thu so với hiện hành (thu ở các trạm thu phí).

Pháp lệnh về phí và lệ phí cũng quy định việc thay đổi phương thức, chế độ thu thuộc thẩm quyền của Chính phủ bao gồm được quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với một số phí, lệ phí quan trọng thực hiện trong cả nước; giao và phân cấp thẩm quyền quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với các phí, lệ phí khác.

Ông Phúc khẳng định, mức phí sử dụng đường bộ được xác định trên cơ sở tải trọng của phương tiện tác động lên cầu, đường, không căn cứ vào giá trị phương tiện. Do đó, phí sử dụng đường bộ không phải là một thứ thuế đánh vào tài sản là phương tiện cơ giới như băn khoăn của đại biểu Trần Du Lịch.

Theo ông, phí này có từ năm 2001 và điểm khác là bây giờ chuyển lại theo Luật đường bộ mà thôi.

Sau khi nghe Phó Thủ tướng phân tích, “mổ xẻ” vấn đề, đại biểu Trần Du Lịch đánh giá, phần giải thích đã được trình bày rõ về tính pháp lý.

Tuy nhiên, đại biểu TPHCM vẫn kiến nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ lại phương thức thu bằng việc đánh vào phương tiện xe cơ giới mà theo ông là “dù hợp lý nhưng không hợp tình”.

Trước khi kết thúc phần phát biểu, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch nói: “Tôi tha thiết kiến nghị Chính phủ xem lại phương thức thu này để được lòng dân!”

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa rồi, người phát ngôn của Chính phủ, ông Vũ Đức Đam cho biết, sau khi xét thấy việc thu phí bảo trì đường bộ có liên quan tới nhiều người dân, nếu thực hiện ngay từ 1/6 sẽ gây tác động lớn nên Chính phủ đề nghị các Bộ hoàn thiện lại phương án, trong đó làm rõ đánh giá tác động đời sống người dân, phương thức thu, kế hoạch thực hiện cũng như việc tuyên truyền, tạo sự đồng thuận. Theo đó, dự kiến sẽ thực hiện việc thu phí từ 1/1/2013, tức là lùi 6 tháng so với kế hoạch trước đây.

Bích Diệp