Đề nghị bổ sung “tội lãng phí” để xử hình sự người… vung tiền

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội yêu cầu nhấn mạnh quyền giám sát của người dân về việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí, trách nhiệm xử lý thông tin tố giác lãng phí, quy định xử lý hình sự người lãng phí, đề nghị bổ sung tội danh vào Bộ luật hình sự…

Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, có nhiều ý kiến đề nghị luật chỉ quy định vấn đề này đối với khu vực nhà nước, không quy định đối với khu vực sản xuất, kinh doanh ngoài nhà nước và tiêu dùng của nhân dân vì lãng phí xảy ra và gây bức xúc trong xã hội chủ yếu trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Việc đưa ra các quy định điều chỉnh đối với khu vực tư nhân đòi hỏi nhà nước phải kiểm soát, điều chỉnh các hoạt động này. Điều này có thể dẫn đến hạn chế quyền sở hữu về tài sản của các tổ chức, cá nhân. Còn nếu chỉ dừng dừng ở mức độ khuyến cáo và không có chế tài xử lý thì không nên quy định trong luật.
 
Đề nghị bổ sung “tội lãng phí” để xử hình sự người… vung tiền

Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển trăn trở với tình trạng lãng phí tài sản công (Ảnh: Việt Hưng)

Không tán thành hướng lập luận này, ông Hiển lật lại, luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí có liên quan đến hầu hết quy định thuộc các luật khác, nhưng vì những luật này chưa quy định đầy đủ các hành vi, chế tài xử lý đối với nhiều lĩnh vực quan trọng, dẫn đến tình trạng xảy ra lãng phí lớn xảy ra. Vì vậy, quy định với cả khu vực tư vẫn bảo đảm quyền tự định đoạt tài sản thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của Hiến pháp, vẫn bảo đảm thực hiện chủ trương “tiết kiệm là quốc sách”, nhằm khuyến khích và nâng cao ý thức tiết kiệm, chống lãng phí trong nhân dân.

Về các cơ chế công khai, minh bạch, giám sát, phát hiện, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc chống lãng phí, nhiều ý kiến “phê” những quy định này còn chung chung.

Tiếp thu góp ý này, UB Thường vụ QH đã bổ sung thêm một số lĩnh vực, hoạt động dễ xảy ra lãng phí phải công khai như chương trình, kết quả xử lý vi phạm về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đồng thời giao Chính phủ quy định rõ nội dung, hình thức, thời điểm công khai trong từng lĩnh vực cho phù hợp và bảo đảm tính khả thi.

Về giám sát, dự thảo luật quy định công dân có quyền giám sát việc thực hiện quy định thông qua hình thức dân chủ trực tiếp (như tố giác, khiếu nại, tố cáo) hoặc gián tiếp (như phản ánh với đại biểu dân cử, MTTQ). Để khuyến khích, động viên công dân phát hiện và phản ánh lãng phí, luật không quy định về trách nhiệm giám sát của công dân mà chỉ đặt ra trách nhiệm với các cơ quan nhà nước liên quan.

Ngoài ra, dự thảo luật cũng quy định bổ sung trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, người đứng đầu cơ quan chủ quản cấp trên trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin phát hiện lãng phí.

Báo cáo của Chủ nhiệm UB Thường vụ Quốc hội cũng khái quát, một số ý kiến đề nghị quy định trách nhiệm trong việc ban hành chính sách không phù hợp gây lãng phí. Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo đã thống nhất tiếp thu ý kiến này, bổ sung Điều 16 trong dự thảo luật quy định cụ thể nội dung này.

Về tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành công trình xây dựng, đại biểu cũng góp ý cần quy định, làm rõ điều kiện đối với công trình của địa phương, tránh tổ chức động thổ, khánh thành tràn lan, gây lãng phí.

UB Thường vụ Quốc hội giải thích, dự thảo luật đã giao Thủ tướng quyết định việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành đối với công trình quan trọng quốc gia. Còn đối với địa phương, nếu quy định cứng trong luật sẽ khó khăn trong thực hiện nên vẫn giao Thủ tướng quy định chi tiết vấn đề này.

Sau hết, nhiều đại biểu băn khoăn về việc luật có quy định việc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lãng phí nhưng Bộ luật Hình sự hiện không có điều khoản, tội danh nào quy định việc xử lý hành vi này. Nhận định ý kiến của đại biểu hoàn toàn xác đáng, UB Thường vụ Quốc hội đặt vấn đề sớm hoàn thiện, đưa nội dung xử lý hành vi lãng phí vào Bộ luật Hình sự.

P.Thảo