ĐBSCL sẽ có nhiều bất ổn về khí hậu

(Dân trí) - Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn (Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu - ĐH Cần Thơ) thì nhiệt độ tăng cao, vùng ngập lũ mở rộng và những rủi ro khác sẽ xảy ra; không thể lường hết được sự biến đổi khí hậu trong tương lai ở khu vực ĐBSCL.

ĐBSCL sẽ có nhiều bất ổn về khí hậu - 1
Hội thảo về biến đổi khí hậu sáng 24/2

 

TS. Lê Anh Tuấn đã có những dự báo như thế trong Hội thảo “Đối thoại, học hỏi và chia sẻ về ứng phó với biến đổi khí hậu” được tổ chức vào sáng nay 24/2 tại TP Cần Thơ.

 

Trong một báo cáo về Phát triển con người (Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc) đã xác định Việt Nam là một trong 5 vùng chịu tác động của biến đổi khí hậu nặng nề nhất trên thế giới. ĐBSCL với các đặc tính: vùng đất thấp ven biển Đông, mật độ dân số cao nhất trong 3 miền và có tiềm năng kinh tế lớn về xuất khẩu lúa và thủy sản nên sẽ là khu vực bị tác hại nặng nề nhất do biến đổi khí hậu của Việt Nam.

 

Do ĐBSCL có 2 mùa : mùa nắng kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 và mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10. Theo đó, sẽ xảy ra một số tình trạng như khô hạn, sự xâm nhập nước mặn, nước phèn, gió chướng, hạn Bà Chằn, lũ lụt và không khí lạnh. 

 

Theo TS. Lê Anh Tuấn thì các nhà nghiên cứu đã có một số phỏng đoán về biến đổi khí hậu ở ĐBSCL giai đoạn từ năm 1980 đến năm 2030 trong tương lai. Về thời tiết thì nhiệt độ cao nhất sẽ gia tăng hơn 40 độ C; Lượng mưa sẽ giảm từ 10-20%. Về tình trạng lũ lụt thì vùng ngập lũ sẽ mở rộng đến các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang nhưng số ngày ngập lũ ở các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, Long An sẽ giảm từ 12-16 tuần.

 

Cũng theo TS. Tuấn, do có những phỏng đoán về biến đổi khí hậu trong tương lai như trên nên cũng sẽ xảy ra một số rủi ro về sản xuất nông nghiệp-ngư nghiệp, về xã hội-sinh thái ở các tỉnh ĐBSCL.

 

Theo đó, TS. Tuấn cho rằng sẽ có một số người có suy nghĩ tiêu cực như chấp nhận mùa vụ thất bát, bán đất, chuyển nơi khác, kiếm nghề mới, đòi hỏi sự giúp đỡ của chính quyền. Nhưng cũng có một số người lại có suy nghĩ tích cực như điều chỉnh thời vụ, tìm giống mới, tiết kiệm nguồn nước và năng lượng, giảm chất thải, bảo vệ rừng-cây xanh. Đó là 2 hướng suy nghĩ nhưng cũng là những vấn đề quan tâm để các nhà nghiên cứu, chính quyền ngồi lại để bàn thảo và cùng đưa ra hướng giải quyết sao cho thuận lợi nhất.

 

Huỳnh Hải