Đầu tư tam nông - Cần giường bệnh, được giao máy tính!

(Dân trí) – “Đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện vẫn có chuyện cái cần đầu tư thì không có, cái được đầu tư lại chưa thực sự cần. Có xã xã rất cần giường bệnh thì lại được giao máy vi tính” – Chủ nhiệm UB KHCN&MT Phan Xuân Dũng nói.

Hôm nay, 18/4, UB Thường vụ QH đã nghe, thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Theo báo cáo của Đoàn giám sát, tổng vốn đầu tư bố trí cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong 3 năm (2009- 2011) là 286.212 tỷ đồng, bằng 52,3% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ, gấp 1,95 lần so với trước khi có Nghị quyết (giai đoạn 2006-2008).
 
Đầu tư tam nông - Cần giường bệnh, được giao máy tính!
Bộ mặt nông thôn thay đổi lớn từ những đầu tư về khu vực này.

Các nguồn vốn ODA ưu đãi khác dành cho nông nghiệp, thủy lợi, lâm nghiệp và thủy sản lên tới gần 4 tỷ USD. Dư nợ cho vay theo cơ chế thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng bình quân gần 24%/năm.

Cơ quan giám sát nhận định đời sống sản xuất kinh doanh, sinh hoạt ở nông thôn của nông dân đã có bước phát triển hơn so với thời gian trước (giai đoạn trước năm 2009).

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung khắc phục trong vài ba năm tới. Báo cáo giám sát phân tích, quy định khống chế hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trong Luật Đất đai đã gây khó khăn cho việc mở rộng diện tích và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Thời hạn sử dụng đất theo Luật Đất đai đến nay đã sắp hết hiệu lực, nhưng chưa có chủ trương cụ thể cũng khiến người nông dân không mạnh dạn và an tâm đầu tư.

Ngoài ra, nguồn lực đầu tư cũng rất hạn chế, vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả không cao, một số nơi còn xảy ra sai phạm trong quản lý đầu tư; công tác lập và thực hiện quy hoạch chưa sát thực tế; nguy cơ phát sinh nghèo và tái nghèo vẫn còn ở mức cao…

Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng “mổ xẻ” việc đầu tư về khu vực này thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay vẫn có tình trạng nơi thì quá nhiều chương trình chồng chéo, chưa được lồng ghép tốt, nơi lại rất thiếu.

“Vậy nên mới có chuyện cái cần đầu tư thì không có, cái đang đầu tư lại chưa thực sự cần. Ví dụ, có xã rất cần giường bệnh thì lại được giao máy vi tính” – ông Dũng dẫn chứng.

Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai yêu cầu từ những kết quả giám sát, cần phải “vẽ” khát quát được bộ mặt tam nông 10 năm tới cũng như vạch ra phương án để làm sao người nông dân có thể thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, bà Mai cũng đề xuất đánh giá thêm về năng lực, hiệu quả quản lý của chính quyền nông thôn.

P.Thảo