1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đầu năm nói chuyện lẽ hưng vong

(Dân trí) - Trước thềm năm mới, CTV Minh Tuấn từ Tokyo đã gửi bài viết này cho Dân trí với sự quan tâm sâu sắc đến sự phát triển của đất nước và luôn trăn trở với những bất cập mà đất nước đang trải qua.

Sử cũ của ta chép lại rằng ông Nguyễn Nguyên Ức, quê ở Bắc Ninh, là thiền sư thời nhà Lý, sinh năm 1080, mất năm 1151, cách đây gần 1000 năm. Ông đã thi đỗ 2 khoa thi, trụ trì chùa Ấn Quốc, được các vua Lý rất trọng đãi.

 

Thiền sư Nguyễn Nguyên Ức có nhiều ý kiến đóng góp cho vua Lý Thần Tông về phép trị nước, nổi tiếng là bài trần tình về lẽ hưng vong, trị loạn của quốc gia. Bản trần tình viết: “Nước trị hay loạn cốt ở trăm quan, được (lòng) người thì nước trị, mất (lòng) người thì nước loạn. Thần trải xem các bậc đế vương đời trước, thấy chưa từng ai không dùng quân tử mà hưng được nghiệp, không dùng tiểu nhân mà bị tiêu vong. Tuy nhiên nguồn gốc dẫn đến những sự hưng vong đó, không phải là cái cớ một sớm một chiều. Chúng xuất hiện dần dần. Ví như trời đất, không thể nóng hay rét bất thần, mà phải biến chuyển dần dần qua mùa xuân thu. Vua chúa cũng không thể bất thần hưng hay vong được, mà phải dần dần do làm thiện hay gây ác”. Thiền sư khuyên nhà vua nên biết đãi người hiền tài, chăm lo cho dân, để cho nước được hưng, không vong.

 

Toàn bộ diễn biến trong lịch sử nước ta từ xưa đến nay đã chứng minh cái lẽ hưng vong đó của thiền sư Nguyễn Nguyên Ức. Nhà Lý đánh bại được quân xâm lược Tống, nhà Trần 3 lần đánh bại quân xâm lược Nguyên - Mông, là nhờ triều đình biết chăm lo cho dân, trọng dụng kẻ hiền tài. Nhưng khi triều đình bắt đầu ham chơi, tham nhũng, khinh bạc người hiền tài, không chăm lo cho dân, thì nước bắt đầu loạn, chính quyền rơi vào tay người khác. Và đã có ít nhất 2 lần, kẻ thù phương Bắc lợi dụng lúc nước ta loạn, đã đem quân vào xâm lược, đó là nhà Minh thế kỷ 15, và nhà Thanh thế kỷ 18. Rất may nước ta có Lê Lợi và Quang Trung, nối tiếp tinh thần Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, đã lãnh đạo cả nước đấu tranh giành lại được độc lập.

 

Đến đời nhà Nguyễn, lạc hậu, chậm phát triển, “bế quan tỏa cảng”, không chịu nghe theo những lời góp ý đổi mới của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Bùi Viện, Đặng Huy Trứ… để bị người Pháp đô hộ gần 100 năm. Chỉ đến khi Bác Hồ lãnh đạo Đảng Cộng sản, lãnh đạo đất nước mới giành lại được độc lập và chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và đồng minh, thống nhất được đất nước.

 

Nhưng sau khi thống nhất đất nước năm 1975, nước ta lại rơi vào khủng hoảng. Khi đó chúng ta áp dụng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa một cách triệt để, theo đúng lý luận Mác, Lê-nin, đó là xóa bỏ kinh tế tư nhân, xóa bỏ chế độ tư hữu, xóa bỏ kinh tế thị trường, xóa bỏ tự do giá cả, ngăn cấm đầu tư nước ngoài, áp dụng nền kinh tế tập trung kế hoạch hóa, chỉ duy nhất tồn tại kinh tế quốc doanh và hợp tác xã, người nông dân phải vào hợp tác xã, đi làm theo tiếng kẻng của hợp tác xã. Kết quả là đất nước sống trong vựa thóc mà bị đói, phải nhập khẩu gạo và đi xin viện trợ bột mì, sắn, ngô. Hàng hóa khan kiếm, cả nước phải áp dụng chế độ tem phiếu, sổ gạo, đời sống nhân dân không được chăm lo. Người vượt biên bỏ nước ra đi nhiều. Người tài giỏi chỉ biết nhìn đất nước bị suy kiệt mà bị trói chân, trói tay không thể giúp gì cho nước, cho nhà. Khi đó thật là cùng quẫn.

 

Thế rồi chúng ta có đổi mới sau Đại hội Đảng lần thứ 6, năm 1986. Nhờ có đổi mới mà nước ta đã vượt ra được khủng hoảng, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện một bước, nụ cười tươi, lạc quan ở tương lai đã bắt đầu xuất hiện trên khuôn mặt người Việt Nam ta.

 

Thực chất 20 năm đổi mới là gì? Là hệ thống chính trị vẫn xã hội chủ nghĩa, nhưng nền kinh tế đã bước đầu vận hành theo kinh tế thị trường của tư bản chủ nghĩa, mà theo cách nói của ta, là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

 

Với đổi mới, Việt Nam đã bước đầu chấp nhận có kinh tế tư nhân, là khu vực kinh tế mà theo lý luận Mác, Lê-nin là phải bị thủ tiêu, vì kinh tế tư nhân sẽ sinh ra bóc lột, và từ đó sinh ra bất công xã hội, sinh ra đấu tranh giai cấp, và chính quyền sẽ bị lung lay, dẫn tới bị lật đổ.

 

Sở hữu tư nhân về đất đai tuy chưa được thừa nhận trở lại (lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước của nước ta là sự hài hòa giữa công hữu và tư hữu về đất đai), nhưng tư liệu sản xuất đã được công nhận quyền tư hữu. Nông dân tuy chưa được thừa nhận trở lại quyền tư hữu ruộng rất, nhưng được quyền sử dụng ruộng đất  lâu dài, và được tự chủ sản xuất kinh doanh theo chính sách khoán 10 của Bộ Chính trị ban hành từ năm 1987.

 

Chỉ một chính sách khoán 10 cởi trói cho nông dân, nhà nước không phải tốn một đồng nào để đầu tư, mà nước ta đã sản xuất đủ lương thực để ăn, lại còn dư cho xuất khẩu, và năm 2005, xuất khẩu kỷ lục trên 5 triệu tấn gạo. Chỉ một chính sách công nhận kinh tế tư nhân, nhà nước không phải đầu tư một đồng nào, mà đến nay cả nước có trên 100.000 công ty tư nhân, huy động hàng trăm ngàn tỷ đồng cho đầu tư phát triển đất nước, đóng góp gần 2/3 cho GDP. Số tiền đầu tư đó, trước đây chỉ nằm yên trong tủ, chôn sâu trong vườn của người dân, mà không được dùng cho đầu tư phát triển. Nhờ đổi mới, mà đầu tư nước ngoài đổ vào nước ta, đóng góp gần 1/3 cho giá trị GDP.

 

Có thể nói đổi mới đã đưa nước ta từ bờ vực “loạn” sang “trị”, từ bờ vực “vong” sang “hưng”. Đổi mới là kết quả của những nhân tài đầy bản lĩnh trong Đảng Cộng sản Việt Nam, dám hoạch định con đường đổi mới, không sợ phạm húy, cấm kỵ vào các giáo điều của học thuyết Mác, Lê-nin.

 

Giờ đây, Đảng Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị cho Đại hội 10 để bầu các vị lãnh đạo mới, và hoạch định chính sách cho giai đoạn phát triển mới của đất nước. Toàn thể nhân dân Việt Nam và bà con người Việt ở hải ngoại, và cả bạn bè quốc tế năm châu, đều đang nhìn vào đầy hi vọng, mong muốn có một Việt Nam đổi mới đột phá hơn nữa. Việt Nam đã đạt được những thành tựu đổi mới to lớn, nhưng chưa đủ, chưa thể tự hài lòng. Nguy cơ “vong”, nguy cơ “loạn” vẫn không ngừng treo lơ lửng.

 

Ông Nguyễn Trung, cựu đại sứ Việt Nam tại Thái Lan và Australia, hiện là chuyên viên trong tổ nghiên cứ kinh tế đối ngoại của Thủ tướng Phan Văn Khải, gần đây đã viết trên báo rằng Đảng Cộng sản Việt Nam phải “vượt qua chính mình” để có những quyết sách mạnh dạn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước. Dù chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu đổi mới, nhưng vẫn không bằng các nước láng giềng xung quanh, thì nguy cơ “loạn, vong” vẫn còn. Hơn thế nữa, nhân dân Việt Nam đi theo Đảng Cộng sản để làm hai cuộc chiến tranh tàn khốc và anh hùng, cũng không phải chỉ để đạt được mục đích khiêm tốn “phát triển bằng các nước láng giềng”.

 

Nhân dân Việt Nam đi theo Đảng làm cách mạng là để đất nước rồi đây có điều kiện để phát triển bằng và vượt các nước tiên tiến trên thế giới như nước Singapore, nước Nhật, nước Anh, nước Pháp, nước Đức, nước Mỹ, nước Thụy Điển…Đó chính là đòi hỏi của nhân dân Việt Nam và bà con người Việt hải ngoại đặt ra trước Đại hội 10 sắp tới của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Liệu Đảng Cộng sản Việt Nam có dám “vượt qua được chính mình”, dám bổ nhiệm những người ngoài Đảng, những Việt kiều, và kể cả thuê người nước ngoài vào các vị trí quan trọng từ địa phương đến trung ương để quản lý đất nước có hiệu quả hơn? Liệu Đảng có dám “vượt qua chính mình” để hoạch định một chính sách đổi mới “mới”, bác bỏ tất cả các giáo điều đang cản trở đất nước phát triển, vì mục tiêu tối thượng của dân tộc, chứ không phải của các học thuyết?

 

Bác Hồ, tại phiên họp ngày 31/10/1946, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 1, sau khi được Quốc hội giao thành lập chính phủ mới, Bác Hồ đã đọc lời tuyên bố như sau: “Giờ tôi xin tuyên bố trước quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới rằng Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài.

 

Chính phủ sau đây phải là một chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái.

 

Tôi xin tuyên bố trước quốc hội, trước quốc dân, trước thế giới: tôi chỉ có một đảng, đảng Việt Nam”.

 

Như vậy với Bác Hồ, lợi ích dân tộc đứng trên mọi học thuyết.

 

Phải chăng tinh thần đó của Bác Hồ sẽ rọi sáng cho đại hội 10 sắp tới của Đảng Cộng sản Việt Nam?

 

Minh Tuấn
(Từ Tokyo)