TPHCM:

Đau đầu với hàng ngàn công trình xây dựng sai phép

(Dân trí) - Theo Sở Xây dựng TPHCM, mỗi năm Sở cấp chừng 30.000 giấy phép xây dựng thì có hơn 3.000 công trình xây dựng sai phép, chiếm tỷ lệ hơn 10%. Đây là một tình trạng nhức nhối mà các cơ quan quản lý đang tìm cách tháo gỡ.

Cụ thể trong năm 2008, Sở cấp 25.923 giấy phép xây dựng thì có đến 3.528 công trình xây sai phép. Các năm trước thì số vụ xây dựng sai phép còn cao hơn, có năm lên đến 5.000 vụ. 
Các lý do dẫn đến tình trạng trên được Sở Xây dựng giải thích là do ý thức chấp hành của người dân trong việc xây dựng kém, nhiều người cố tình thay đổi thiết kế ban đầu so với giấy phép được cấp; bất cập trong các quy định pháp luật; cơ quan quản lý lỏng lẻo do thiếu nhân lực và kém năng lực… 

Bà Hồ Thị Kim Loan, Chánh thanh tra Sở Xây dựng, cho rằng: Do giấy phép xây dựng quá chi li, quy định nhiều điều khoản bất cập so với tình hình thực tế, cán bộ xây dựng tại địa phương thì trình độ có hạn lại sợ trách nhiệm nên xử lý cứng nhắc, cứ chiếu theo đúng quy định mà thi hành, dẫn đến việc quá nhiều công trình bị quy là sai phép. 

Khi các công trình bị xác định là sai phép buộc các chủ đầu tư phải sửa đổi cho đúng với thiết kế được duyệt, làm tốn thêm chi phí thi công. Nhiều công trình đầu tư lớn bị đình chỉ thi công nhiều năm khiến chủ đầu tư than trời vì bị giam vốn, tiền lãi vay ngân hàng thâm vào vốn trong khi công trình thì không biết bao giờ xong… 

Trong những trường hợp như trên, các chủ đầu tư thường khiếu kiện và xin cấp phép lại khiến cơ quan quản lý phải tốn thêm nhân lực giải quyết. Nhiều trường hợp chính quyền phải cân nhắc giữa hiệu quả kinh tế và sai phạm nhỏ không đáng kể để cấp phép lại cho chủ đầu tư xây dựng lại. 
 
Đau đầu với hàng ngàn công trình xây dựng sai phép  - 1

Cao ốc Quốc Cường Gia Lai (472-472A-472C Nguyễn Thị Minh Khai, phường 2, quận 3), một công trình xây dựng sai phép được nhân nhượng

Tuy nhiên, chính những trường hợp này lại khiến người dân xem thường quy định, tự ý xây dựng sai phép để xem như sự đã rồi, buộc chính quyền phải cấp phép khác để hưởng lợi. Nhưng nhiều trường hợp sai phạm quá nghiêm trọng không thể “du di”, chủ đầu tư đã “lỡ” không thể sửa đổi nên “dùng dằng” không thể giải quyết; vụ này chồng lên vụ kia khiến nhân lực của cơ quan quản lý càng quá tải. 

Trong ngày 20/2, các ban ngành và chuyên gia xây dựng, chuyên gia luật tại TPHCM đã có buổi gặp gỡ bàn bạc với nhau về vấn đề này. Các chuyên gia đều đồng ý với nhau là nên sửa đổi các quy định hiện hành, tinh giản các điều khoản trong giấy phép xây dựng cho phù hợp với thực tế. 

Chỉ có vậy thì người dân mới dễ dàng chấp hành theo đúng quy định. Cơ quan quản lý cũng dễ dàng thực thi theo đúng pháp luật, không cần phải “du di” trong nhiều trường hợp hợp lý mà trái quy định. Có như vậy, các quy định mới có thể được thực thi nghiêm minh, người dân không dám khinh nhờn quy định, số vụ xây dựng sai phép mới có thể giảm được. 

Tùng Nguyên