1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Đau đầu” chuyện nhân viên đường sắt trộm nhiên liệu tàu hoả

(Dân trí) - Năm 2007, riêng ngành đường sắt đã “tự xử” 6 vụ việc liên quan đến nhân viên trong ngành ăn cắp nhiên liệu đem bán, đe doạ công tác bảo đảm an toàn chạy tàu. Tình hình dự báo sẽ còn nhiều phức tạp khi giá dầu vẫn không ngừng leo thang.

Ăn cắp nhiên liệu, mối nguy cho những chuyến tàu

Thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho thấy, từ đầu năm đến nay, ngoài tình hình vi phạm tội phạm phá huỷ công trình quan trọng về an ninh quốc gia trên các tuyến đường sắt, các đơn vị trong ngành đã phát hiện 6 vụ nhân viên nhà tàu lấy trộm nhiên liệu đem bán ra ngoài. Đối tượng “rút ruột” không chỉ có nhân viên đầu máy mà có cả nhân viên phục vụ máy phát điện trên tàu.

Điển hình như ngày 1/1/2007, Đội bảo vệ cơ động của Công ty Vận tải hành khách Hà Nội phát hiện và bắt quả tang Ban máy 806 của Xí nghiệp Đầu máy Hà Lào đang bán 30kg dầu tại ga Việt Trì. Tiếp đó, ngày 5/2, trên chuyến tàu LC3, chạy tuyến đường Hà Nội - Lào Cai, bảo vệ Xí nghiệp Vận tải đường sắt Yên Lào đã phục kích bắt quả tang lái tàu đầu máy 642, thuộc Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội đang bán dầu.

Ngày 9/3, đội bảo vệ cơ động Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn bắt quả tang thợ điện tàu khách SE2 đang hút dầu từ thùng nhiên liệu máy phát điện vào can nhựa và 12 bao tải PP đựng đầy dầu.

Cuối năm, ngày 23/10, bảo vệ Xí nghiệp toa xe khách Hà Nội bắt quả tang nhân viên áp máy phát điện bán dầu. Mới đây nhất, ngày 6/11, tại ga Yên Bái, lực lượng chức năng cũng phát hiện nhân viên trên tàu YB2 bán dầu cho tư thương...

Số vụ vi phạm chưa bị phát hiện có thể còn lớn hơn nhiều. Ngay trong báo cáo mới đây của Ban bảo vệ An ninh - Quốc phòng thuộc Tổng Công ty Đường sắt cũng có đánh giá: “Công tác đấu tranh chống tiêu cực trong quản lý, sử dụng nhiên liệu gặp phải rất nhiều khó khăn” và “qua công tác tiến hành xác minh đơn thư của quần chúng phản ánh về hiện tượng tiêu cực bán nhiên liệu chạy tàu…”.

Một chuyên gia trong ngành đường sắt khẳng định: “Những hành vi trên hết sức nguy hiểm, trong bối cảnh ngành này khoán chặt chẽ nhiên liệu từng chuyến tàu, việc ăn cắp nhiên liệu có khả năng dẫn đến tình trạng vi phạm các quy trình chạy tàu, chạy quá tốc độ... để thừa nhiên liệu. Điều này uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn của từng chuyến tàu”.

Cần một “bàn tay sắt”

Trên thực tế, tình trạng một số nhân viên trong ngành đường sắt ăn cắp nhiên liệu đã diễn ra từ lâu. Và ngay từ đầu năm 2006, ngành Đường sắt đã thành lập Ban chỉ đạo "Cuộc vận động cán bộ, công nhân viên, lao động nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhiên liệu, chống bán trái phép nhiên liệu". Một trong những hiệu quả lớn nhất của Ban chỉ đạo này chính là việc triển khai một số giải pháp ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các vụ vi phạm.

Cụ thể, ngay trong năm 2006 và 2007, Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội đã buộc thôi việc 2 lái máy, khiển trách 2 lái máy và 1 đội trưởng; Xí nghiệp Toa xe Sài Gòn buộc thôi việc 1 nhân viên vận hành, khiển trách 1 bảo vệ chuyên ngành. Kế đó, một loạt các biện pháp kỹ thuật như hàn lưới lỗ cấp nhiên liệu cho đầu máy; niêm phong các vị trí có thể rút dầu; dùng các viên chì khắc số (chống việc dập lại viên chì niêm phong) cũng được triển khai để chống thất thoát nhiên liệu…

Thế nhưng, nhiên liệu tàu hoả vẫn rò rỉ, tình trạng lái tàu và nhân viên trong ngành ăn cắp nhiên liệu vẫn tái diễn, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.

Một lái tàu tiết lộ: “Trước tình trạng giá xăng dầu tăng cao, nhiều lái tàu đã cấu kết với người dân buôn bán dầu theo phương thức “mua đứt, bán đoạn”, sau khi ăn cắp được dầu, đợi tàu chạy qua địa điểm vắng người qua lại đã được hẹn trước thì quẳng các thùng đựng dầu xuống đó để người mua lấy. Với phương thức này, lực lượng bảo vệ gần như chịu… bó tay”.

Ông Nguyễn Văn Bính, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vận tải hành khách Hà Nội cho rằng sở dĩ có tình trạng trên là do công tác giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm cán bộ công nhân viên ở một số cơ sở chưa tốt; biện pháp xử lý kỷ luật chưa kịp thời, nghiêm khắc.

Về điều này, ông Nguyễn Chí Việt, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an) khẳng định: “Nếu ngành Đường sắt quyết tâm và có yêu cầu thì chúng tôi sẽ vào cuộc. Đảm bảo trong thời gian ngắn sẽ chấm dứt tình trạng lái tàu trộm cắp dầu”.

Ông Phạm Công Trịnh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định, thời gian tới sẽ thực hiện nghiêm biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng nhân viên nhà tàu ăn cắp nhiên liệu. Nếu đơn vị nào để xảy ra vi phạm thì giám đốc sẽ phải chịu trách nhiệm, thậm chí có thể sẽ cách chức. Nếu tình hình vẫn không cải thiện thì sẽ mời lực lượng công an vào cuộc.

Phúc Hưng