Thanh Hóa:

Đất nhiễm mặn, người dân “treo niêu”

(Dân trí) - Mấy năm trở lại đây, hàng chục ha đất nông nghiệp của bà con xã Hoằng Phụ, Hoằng Hóa (Thanh Hóa) không thể sản xuất được do bị nhiễm mặn nghiêm trọng.

Theo phản ánh của bà con thôn Xuân Phụ, nguyên nhân nhiễm mặn là hệ quả của việc rò rỉ và xả nước mặn của Trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống thủy sản (TW) gần đó. Từ khi TW về khiến họ phải cay đắng nhìn cánh đồng bỏ hoang.

Theo đơn kêu cứu của người dân, chúng tôi tìm về thôn Xuân Phụ. Không khó để nhận ra hàng chục ha đất nông nghiệp ngay bờ đê bỏ hoang. Đám ruộng gần chân tường của TW không có bất kỳ cây cỏ nào có thể mọc lên được.

Thương binh Nguyễn Văn Đức xót xa nhìn đồng ruộng bỏ hoang
Thương binh Nguyễn Văn Đức xót xa nhìn đồng ruộng bỏ hoang

Ông Lê Cao Lượng, người dân ở đây bức xúc: “Gia đình chúng tôi chỉ trông chờ vào 4 sào ruộng để mưu sinh nhưng nước mặn ngấm từ TW đã làm cho lúa chết hết, không thể gieo cấy được nữa. Nhà 5- 6 miệng ăn phải “treo niêu”, chẳng biết làm gì, già cả rồi chẳng ai thuê mướn. Người dân chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần lên chính quyền địa phương nhưng đều “bặt vô âm tín”. Thậm chí dân còn bắt được Trại giống xả thải nước mặn ra đồng, báo cáo xã ra lập biên bản nhưng chẳng thấy có động thái gì”.

Thương binh Nguyễn Văn Đức lọc cọc dắt chiếc xe đạp cà tàng dẫn chúng tôi ra tận nơi “mục sở thị”. Nhìn cánh đồng ngập nước và lác đác vài cây cỏ, ông Đức chua xót: “Tôi thương binh, vợ thường xuyên đau ốm, tuổi già cậy nhờ vào 2 sào 10 đất lúa này để sống. Nhưng nay nó nhiễm mặn không thể gieo cấy được, mấy vụ mất trắng cả. Người dân chúng tôi mong cơ quan chuyên môn xác định nguyên nhân, tìm ra giải pháp cho bà con để có kế mưu sinh. Chứ tình trạng này thì đi ăn mày cả xóm thôi”.

Theo người dân ở đây thì đã mấy vụ họ đành để ruộng bỏ hoang vì không thể gieo cấy được, nếu cố tình cấy thì cũng không thu được gì. Dân vẫn cho là do thẩm thấu nước mặn của TW.

“Dân ở đây đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên, huyện có về đo đạc, lấy mẫu nhưng chưa kết luận nguyên nhân. Đây là trung tâm nghiên cứu sản xuất giống, chứ không phải khu nuôi công nghiệp. Nếu là trại giống thì các bể nước phải đổ, láng bê tông, chứ làm bằng ni lông thì kiểu gì cũng thẩm thấu. Các anh thấy đấy, nước vẫn ngấm ra đây này” – ông Nguyễn Văn Thọ, Trưởng thôn Xuân Phụ cho hay.

Người dân cho rằng nguyên nhân nhiễm mặn là hệ quả của việc rò rỉ và xả nước mặn của Trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống thủy sản
Người dân cho rằng nguyên nhân nhiễm mặn là hệ quả của việc rò rỉ và xả nước mặn của Trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống thủy sản

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ thừa nhận: “Cánh đồng thôn Xuân Phụ bị nhiễm mặn là đúng sự thật, vài vụ trở lại đây người dân gieo cấy lúa hiệu quả thấp, đến nay thì không cấy nữa. Nguyên nhân của việc nhiễm mặn có nhiều, chủ yếu do nước biển tràn vào qua đường cống thôn. Năm trước huyện về đo độ mặn ở cống này lên tới 13 phần nghìn, còn ở đầu TW có 2 phần nghìn. Hoằng Phụ là vùng rốn lũ, chưa nắng đã hạn, mưa nhẹ đã lụt, đây lại là chỗ đổ thải của mương tiêu nước của các xã vùng ven biển Hoằng Thanh, Hoằng Trường, Hải Tiến trực tiếp là thôn Xuân Vi, xã Hoằng Thanh”.

“Trên mương này có nhiều hộ chế biến cá, thủy sản, địa phận xã khác nên địa phương không thể xử lý được. Việc TW có nước mặn bị thẩm thấu là khó tránh khỏi. Còn người dân phản ánh TW nhưng lại nuôi công nghiệp khiến nước mặn tràn ra nhiều hơn thì xã không biết quy hoạch và chức năng của đơn vị này thế nào. Từ thông tin của người dân, chính quyền đã lập biên bản về việc TW để nước mặn tràn ra ruộng. Chúng tôi chỉ nhắc nhở, không xử phạt” – ông Bình cho biết thêm.

Được biết, TW trực thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa, tổng diện tích 8 ha, đóng trên 2 xã Hoằng Thanh và Hoằng Phụ, được tiến hành xây dựng, đi vào hoạt động từ năm 2012. Chức năng chính là sản xuất giống và thử nghiệm mô hình nuôi thương phẩm các loại thủy sản.

Bàn về giải pháp tháo gỡ cho người dân, ông Bình nói: “Xã đã lên phương án đắp bờ vùng, bờ thửa, rửa mặn cho khu vực này nhưng chi phí quá lớn mà chưa biết hiệu quả thế nào. Hiện đang phải bàn bạc lại với người dân, huy động đóng góp, chứ xã không có nguồn. Phương án khác là trình huyện cho chuyển đổi đất này sang làm cá lúa hoặc chuyển thành kinh doanh dịch vụ khi có nhà đầu tư.”

Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa đã thành lập đoàn kiểm tra sẽ có đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường và đất nhiễm mặn tại khu vực thôn 7 và thôn 8 của xã Quảng Thái (Quảng Xương); lấy mẫu phân tích chất lượng nguồn nước dưới đất (các giếng khoan, giếng đào), nguồn nước mặn đang khai thác sử dụng; làm rõ nguyên nhân, đề xuất biện pháp xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và đất nhiễm mặn; kiểm tra chấp hành luật về tài nguyên môi trường của Công ty Long Phú...

Sau hơn 1 tháng Sở này kết luận nguyên nhân gây nên tình trạng nước ngọt nhiễm mặn tại xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa là do các ao nuôi tôm của Công ty Cổ phần Long Phú.

Bình Minh