Đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn mỗi năm

(Dân trí) - Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, kinh phí hơn 32.000 tỉ đồng đã đặt ra mục tiêu trên. Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, đề án sẽ khắc phục được những yếu kém về đào tạo nghề từ trước đến nay.

Đề án vừa được Chính phủ thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp thường kì tháng 4 (diễn ra ngày 4 và 5/5).

70-80% có việc sau học nghề

Tại buổi họp báo sau phiên họp Chính phủ, chiều 5/5, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Đàm Hữu Đắc cho biết, đề án đặt mục tiêu, bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, trong đó đào tạo, bồi dưỡng 100.000 lượt cán bộ, công chức cấp xã.

Lao động nông thôn học nghề sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo từ 2 đến 3 triệu đồng. Một số đối tượng thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi còn được hỗ trợ tiền ăn (15.000đ/ngày), hỗ trợ tiền đi lại…
 
Đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn mỗi năm - 1
 
Đề án đặt mục tiêu, tỉ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt từ 70-80%. Tổng kinh phí thực hiện đề án được lấy từ nguồn ngân sách, dự kiến là trên 32.000 tỉ đồng.

Thứ trưởng Đàm Hữu Đắc cho biết, để đảm bảo 70-80% người học nghề có việc làm, Bộ sẽ huy động các cơ sở dạy nghề, các trường CĐ, ĐH có đào tạo nghề cùng vào cuộc. Việc đào tạo nhắm đến đáp ứng nhu cầu của sản xuất, kinh doanh, trong đó, các tài liệu và chương trình đảm bảo phù hợp với các cơ sở sản xuất.

Theo ông Đắc, sẽ không có một mô hình đào tạo chung mà tuỳ theo yêu cầu thực tế sẽ đào tạo đáp ứng. “Việc đào tạo sẽ rất đa dạng, linh hoạt để gắn kết người học với việc làm”, ông Đắc nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi về mối lo ngại có thể xảy ra hiện tượng khống danh sách, khống thời gian, khống đào tạo để “rút” tiền của nhà nước ông Đắc cho rằng, đề án có hẳn một chương trình giám sát từ cơ sở nên sẽ tránh được việc thất thoát.

“Đề án sẽ khắc phục được những tồn tại, yếu kém về dạy nghề từ trước đến nay”, ông Đắc kết lại đánh giá về đề án.

Một số chính sách chưa đến được địa phương

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá chung, nền kinh tế có chuyển biến tích cực, đáng mừng, trong đó kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường chứng khoán có nhiều dấu hiệu tốt hơn. Thủ tướng cũng cho rằng, chưa bao giờ chính sách hỗ trợ người nghèo được thực hiện đồng bộ và quyết liệt như vừa qua.

Về kết quả chuyến đi giám sát việc thực hiện Nghị quyết 30 Chính phủ (về những biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế…) của 20 Bộ trưởng, người đứng đầu ngành - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Nguyễn Xuân Phúc - cho biết, các địa phương đều hoan nghênh sự đúng đắn, cần thiết của Nghị quyết.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ chế chính sách chưa đến được địa phương và lĩnh vực đầu tư xây dựng còn chậm.

Riêng về việc cho vay hỗ trợ lãi suất các doanh nghiệp có lao động thất nghiệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Đàm Hữu Đắc xác nhận thực trạng có ít doanh nghiệp vay được. Bộ cũng đã phát hiện vấn đề, nhiều doanh nghiệp có lao động thất nghiệp năm 2008 có nhu cầu vay lại không thuộc diện được vay. Tới đây, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để điều chỉnh những vấn đề này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, các chính sách triển khai đã đi vào cuộc sống, song còn chậm. Thủ tướng chỉ đạo, tiếp tục đôn đốc triển khai các nhóm giải pháp, tháo gỡ vướng mắc để có thể mở ra những kết quả mới.

Thủ tướng cũng lưu ý, thu chi ngân sách phải đảm bảo bội chi không vượt quá 8%, thực hiện theo dõi thường xuyên vấn đề tỉ giá. Tiếp tục triển khai làm nhà ở cho sinh viên, cho người có thu nhập thấp, người nghèo… Tháo gỡ những thủ tục xây dựng cơ bản đi liền với chống tham nhũng.

Về dịch cúm A/H1N1, Thủ tướng chỉ đạo, cùng với việc cảnh báo cho nhân dân, cần giám sát kịp thời, nhất là tại các cửa khẩu. Vấn đề thuốc, thiết bị, nhà nước sẵn sàng xem xét các đề nghị của Bộ Y tế để có thể đề phòng, ngăn ngừa dịch. 

Cấn Cường