Bình Định:

Đánh sập toàn bộ hầm vàng trái phép sau vụ 3 phu vàng chết thảm

(Dân trí) - Sau cái chết của 3 nạn nhân trong vụ sập hầm khai thác vàng trái phép tại Hố Khế (Kim Sơn, Ân Nghĩa, Hoài Ân) ngày 30/4, ngành chức năng huyện đã đồng loạt vào cuộc dẹp nạn vàng tặc, nổ mìn đánh sập các hầm vàng vốn tồn tại hàng chục năm nay.

Trong những năm qua, trên địa bàn xã Ân Nghĩa đã xảy ra tình trạng đào đãi vàng trái phép một cách công khai, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rừng phòng hộ đầu nguồn, bồi lấp đất sản xuất, ô nhiễm môi trường, hủy hoại môi trường sinh thái ở địa phương… Các địa điểm xảy ra tình trạng khai thác vàng thác phép, từ nhiều năm nay đã có rừng trồng và rừng phòng hộ đầu nguồn của hồ chứa nước Đồng Quang. Tuy các diện tích rừng trên đã giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Hoài Ân và nhân dân địa phương quản lý, nhưng do địa bàn khá cách trở nên các đối tượng đào đãi vàng trái phép vẫn công khai vào rừng để phá rừng, đãi vàng.
 
Đánh sập toàn bộ hầm vàng trái phép sau vụ 3 phu vàng chết thảm - 1

"Thủ phạm" làm 3 người chết tại hầm vàng Hố Khế.

 

Anh Tạ Quy, thôn An Thiện, xã Ân Phong, kể lại: “Tui may mắn ngồi bên mép trái nên tránh được tảng đá bự đè lên mình như mấy ông kia nhưng cũng bị đất vùi, sau nhờ mấy người ra tay cứu kịp thời, tui thoát được ra ngoài nên sống sót”.

 

Theo anh Quy, khi anh cùng ông Tạ Ngọc Dung (ở xã Ân Phong) và một số người khác ngồi uống rượu dưới miệng hầm đào vàng sâu 8 mét, rộng 15 mét thì bất ngờ đất đá xung quanh đổ ập xuống. Có 4 nạn nhân bị kẹt lại. Người dân địa phương đã nỗ lực đào bới thật nhanh nhưng chỉ có ông Tạ Ngọc Dung được cứu kịp thời, còn các ông Hoài, ông Công và ông Thạch đã chết.

 

Ông Nguyễn Cần, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho biết: “Hiện UBND huyện Hoài Ân đã yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra vụ việc, thành lập tổ điều tra đặc biệt tăng cường truy quét “vàng tặc” và tổ chức đánh mìn làm đánh sập các hầm khai thác vàng trái phép trong khu vực.
 
Đánh sập toàn bộ hầm vàng trái phép sau vụ 3 phu vàng chết thảm - 2
Đào đãi vàng trái phép để lại hố sâu lổm chổm

 

Ngoài vụ sập hầm khai thác vàng trái phép xảy ra chiều 30/4 làm 3 người chết và 1 người bị thương là: Trần Tấn Công (SN 1971 - thôn Kim Sơn), Trần Ngọc Thạch (SN 1971 - thôn Kim Sơn), Trần Đức Hoài (SN 1952 - xã Ân Hữu) và người bị thương là Tạ Ngọc Dung (SN 1966 - xã Ân Phong, huyện Hoài Ân); năm 2001, tại khu vực Hố Khế cũng có 4 người khai thác vàng bị chết vì nguyên nhân tương tự.

Tuy nhiên, để dẹp triệt để được các hầm vàng này đối với địa phương cũng gặp vô vàn khó khăn, vì đối tượng chủ yếu là người dân bản địa, người nhà nông. Tình trạng khai thác vàng trái phép tràn lan hàng chục năm nay địa phương rất bức xúc, nhưng dẹp được nó không phải là điều dễ dàng”.

 

Theo ông Cần, xác định ban đầu vào thời điểm xảy ra vụ việc, 4 nạn nhân gồm ông Trần Đức Hoài (ở xã Ân Hữu), Trần Tấn Công, Trần Ngọc Thạch (ở thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa), và hai ông Trần Tấn Công, Trần Ngọc Thạch là đồng chủ hầm vàng khai thác trái phép. Hai nạn nhân còn lại là ông Hoài và ông Dung chỉ đến hầm khai thác vàng này để chơi. Cuộc nhậu tại cửa hầm mới bắt đầu thì cả khối đá đã đổ sầm xuống, vùi lấp “bàn tiệc” lẫn những người tham gia. Một số người may mắn thoát chết trở về nhà mang theo nỗi kinh hoàng không chịu gặp người lạ...

 

Theo phản ánh của người dân địa phương, thời gian gần đây, hoạt động khai thác vàng trái phép tại khu vực Hố Khế diễn ra ngày càng phức tạp và công khai gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước, hủy hoại môi trường trầm trọng, tàn phá rừng phòng hộ đầu nguồn và những hố sâu bị các đối tượng đào đãi vàng đục khoét rất dễ bị sụp lún, gây lở đất khi có mưa đến…

 

Tấn Tài