Bắc Ninh:

Dân ngán ngẩm trước ô nhiễm, chính quyền bất lực?

(Dân trí) - Người dân ngày ngày chịu đựng khói, bụi từ công ty tái chế phế thải, nhiều lần “kêu cứu” tới các cấp chính quyền. Trong khi đó, chính quyền xã chấp nhận “bó tay” vì ngoài tầm kiểm soát; huyện thì không nhận được sự hợp tác của công ty...

Quây nhà như lô cốt để “trốn” bụi

Xã Văn Môn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) là xã có nghề truyền thống cô đúc, tái chế phế liệu. Theo thống kê của tỉnh Bắc Ninh, trong số 2.245 hộ dân xã Văn Môn, có khoảng 1.080 hộ sản xuất, kinh doanh chủ yếu là mua bán phế liệu, tái chế nhôm... Nguồn khí thải từ hoạt động đốt phế liệu, cô đúc nhôm và chất thải rắn không qua xử lý thải trực tiếp ra ngoài môi trường là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường tại khu vực xã Văn Môn.

Đi dọc những con đường trong xã, gần như đâu đâu cũng lờ mờ “sương khói”. Những hôm trời âm u, ẩm ướt, khí thải không bay lên cao được, mùi khét lẹt xộc vào mũi, rất khó chịu.

Cách Công ty Vạn Lợi hơn 200m nhưng gia đình bà Bé vẫn ngày ngày phải chịu đựng khói, bụi từ các ống khói của công ty này xả ra.
Cách Công ty Vạn Lợi hơn 200m nhưng gia đình bà Bé vẫn ngày ngày phải chịu đựng khói, bụi từ các ống khói của công ty này xả ra.

Chỉ vào những ống khói đang nghễu nghện nhả khói đen sì, bà Nguyễn Thị Bé (SN 1963, ở thôn Phù Xá, xã Văn Môn) bức xúc: “Các hộ sản xuất nhỏ lẻ, đốt phế liệu gây khói bụi đã đành. Đằng này, nghe nói Công ty Vạn Lợi có giấy phép của Bộ (Bộ Tài nguyên và Môi trường - PV) cấp mà vẫn gây ô nhiễm. Dân ý kiến nhiều rồi mà cũng chả thấy họ bị xử lý gì cả.”.

“Trước thì họ còn “ý tứ”, hoạt động và xả khói về đêm. Bây giờ thì bất chấp, ban ngày cũng xả.” - ông Nguyễn Văn Trạm (chồng bà Bé) lắc đầu ngao ngán.

Ngôi nhà 4 tầng khang trang của gia đình ông Trạm, bà Bé nằm cách những ống khói của Công ty Vạn Lợi chừng 200 mét. Ngày cũng như đêm, toàn bộ cửa sổ ngôi nhà luôn đóng kín.

“Thế mà khói vẫn xộc vào khét lẹt, bụi bám đầy nhà.” - ông Trạm nói và cho biết thêm, mấy tháng trở lại đây, gia đình ông đã “quây” tôn kín toàn bộ xung quanh sân để “trốn” khói, bụi. Đứng bên ngoài, nhìn ngôi nhà của gia đình ông Trạm kín mít, không khác gì một lô cốt.

Ở cách nhà ông Trạm không xa, bà Nguyễn Thị Thành (SN 1963) tỏ ra rất bức xúc khi ngày ngày phải chịu đựng khói, bụi, ô nhiễm. Cầm trên tay nắm rau muống già cỗi, bà Bé chia sẻ: “Bình thường bụi bám đen sì lá rau. Mưa xuống, sạch sẽ tôi mới dám hái về ăn. Phải rửa 5-7 nước. Chả biết làm thế nào nữa”.

Những ống khói nghễu nghện nhả khói bất kể ngày, đêm.
Những ống khói nghễu nghện nhả khói bất kể ngày, đêm.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, Công ty Vạn Lợi đi vào hoạt động khoảng 10 năm nay, chủ yếu cô đúc nhôm từ phế thải được nhập về từ các nhà máy, khu công nghiệp. Những người dân thôn Phù Xá cho hay, nhiều năm qua, bất kỳ cuộc họp hay tiếp xúc cử tri nào, họ cũng đều nêu kiến nghị về hoạt động gây ô nhiễm của công ty này.

“Khí thải của họ xả ra, ngoài màu đen thì còn rất khó chịu, vừa hôi vừa khét như mùi thuốc trừ sâu. Không biết độc hại thế nào, mức độ ra sao. Các cuộc họp thì cán bộ có lắng nghe, có ghi chép đấy nhưng tất cả đều để đó.” - ông Trạm thở dài.

Cũng theo chia sẻ của ông Trạm, gia đình ông phải gửi các cháu nhỏ lên Thị trấn Chờ (huyện Yên Phong) cách đó vài cây số để học, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe các cháu.

Chính quyền “bó tay”

Làm việc với chính quyền xã Văn Môn và Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Yên Phong, PV Dân trí nhận được những tiếng thở dài “bất lực”, chấp nhận bó tay của các cán bộ nơi đây. Ngay đầu buổi làm việc với PV Dân trí, ông Nguyễn Hoàng Gia - Phó Chủ tịch UBND xã Văn Môn - đã xin nhận khuyết điểm vì không nắm được gì về Công ty Vạn Lợi.

“Họ (Công ty Vạn Lợi - PV) nằm ngoài tầm kiểm soát của địa phương. Họ hoạt động trên địa bàn khá lâu rồi nhưng xã cũng không năm được hồ sơ pháp lý của họ. Chúng tôi xin nhận trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước trên địa bàn.” - ông Gia cho biết.

Người dân thôn Phù Xá nói riêng và xã Văn Môn nói chung đã nhiều lần kiến nghị về tình trạng ô nhiễm do Công ty Vạn Lợi gây ra nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Người dân thôn Phù Xá nói riêng và xã Văn Môn nói chung đã nhiều lần kiến nghị về tình trạng ô nhiễm do Công ty Vạn Lợi gây ra nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Theo ông Nguyễn Hoàng Gia, Công ty Vạn Lợi bất hợp tác với chính quyền và các cơ quan chức năng. Khi có đoàn kiểm tra đến, công ty này không những không hợp tác mà còn tỏ thái độ coi thường. Cổng công ty luôn đóng, có bảo về chốt chặn, không cho người lạ vào nên chính quyền cũng không thể tiếp cận được.

Những gì mà vị Phó Chủ tịch UBND xã Văn Môn nắm được là “nghe nói” Công ty Vạn Lợi được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép hoạt động về xử lý, tái chế chất thải công nghiệp.

“Làm việc trong đó khó chịu lắm. Người dân địa phương có ai dám làm cho họ đâu. Công nhân ở đó đều từ các tỉnh miền Trung ra” - ông Gia nói và cho biết thêm. Cuối năm 2016, trước tình trạng người dân quá bức xúc về việc Công ty Vạn Lợi gây ô nhiễm, chính quyền xã đã xuống làm việc nhưng không nhận được sự hợp tác từ phía công ty.

Cùng tình cảnh “bó tay” như chính quyền xã Văn Môn, lãnh đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Yên Phong thừa nhận, đơn vị này không lưu giữ hồ sơ nào liên quan đến Công ty Vạn Lợi.

“Công ty này nằm ngoài sự quản lý của Phòng vì mọi sự cấp phép và mức độ quản lý đều do trên cả. Các cơ quan của tỉnh và Bộ Tài nguyên - Môi trường về kiểm tra công ty nhưng sau đó Đoàn kiểm tra không gửi lại kết quả kiểm tra cho Phòng nên chúng tôi không có.” - ông Phạm Đức Thịnh - Phó Trưởng phòng TNMT huyện Yên Phong - cho biết.

Cũng theo ông Định, từ ngày làm việc ở Phòng TNMT, ông “may mắn” hai lần bước chân vào Công ty Vạn Lợi, trong đó, một lần đi cùng tổ công tác Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, cả hai lần này, tuy có vào được cổng nhưng ông Thịnh và tổ công tác đều không được ai tiếp.

“Nhân viên bảo là lãnh đạo đi vắng, không cung cấp thông tin và hợp tác với chúng tôi.” - ông Thịnh thông tin.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Tiến Nguyên