Nghệ An:

Dân hoang mang tiếng nổ mìn phá đá vang sát nhà

(Dân trí) - Từ khi mỏ đá Thung Mây đi vào hoạt động, hàng chục hộ dân dưới chân núi phải sống trong cảnh sợ hãi bủa vây. Hàng ngày, núi đá khai thác ngay trên đầu khiến người dân ăn không ngon ngủ không yên với nỗi lo nứt tường, đá rơi.

Dân hoang mang tiếng nổ mìn phá đá vang sát nhà
Một góc mỏ đá Thung Mây, phía dưới chân núi là nơi sinh sống của hàng chục hộ dân đồng bào dân tộc Thổ

Sống trong sợ hãi

Xóm Hồng Sơn, xã Tân Hợp nằm tách biệt với các xóm khác trong xã. Đây vốn là nơi sinh sống của 127 hộ đồng bào dân tộc Thổ. Làng quê nhỏ này đang "dậy sóng", nhất là từ khi Công ty TNHH Hoàng Danh tiến hành khai thác đá trên núi Thung Mây.

“Cách đây 5 năm, khi Công ty TNHH Hoàng Danh lên đây để chuẩn bị khai thác mỏ đá này người dân chúng tôi đã phản đối. Không hiểu sao sau một năm sau thì họ cho người lên xây dựng rồi đi vào khai thác. Từ khi khai thác đá thì hàng chục hộ dân với hàng trăm nhân khẩu thuộc xóm Hồng Sơn này sống khốn khổ với bụi, tiếng ồn do nổ mìn, khai thác đá gây ra”, bà Nguyễn Thị Bộ (xóm Hồng Sơn) cho biết.

Bà Nguyễn Thị Bộ: Đến giờ nổ mìn, không ai dám ở trong nhà vì sợ
Bà Nguyễn Thị Bộ: "Đến giờ nổ mìn, không ai dám ở trong nhà vì sợ"

Nhà bà Bộ cách mỏ đá chừng 300m nhưng trên tường nhà đã xuất hiện nhiều vết nứt lớn kéo dài đến hơn 2m. Bà Bộ cho biết: “Bình thường thì cũng không sao, nổ mìn nhiều chúng tôi cũng quen rồi nhưng thỉnh thoảng có những tiếng nổ chát chúa, mặt đất rung chuyển, nhà cửa rung giật. Có mấy nhà gần mỏ đá đã bị nứt tường, đá văng thủng cả mái ngói. Đến giờ nổ mìn, người lớn, trẻ con chạy túa ra đường, có dám ở trong nhà mô. Chỉ tội cho mấy đứa nhỏ mới sinh giật mình thon thót vì sợ”.

Nhà bà Lang Thị Thanh ngay sát chân núi Già (tên gọi khác của núi Thung Mây), chỉ cách khu vực khai thác đá khoảng chừng 100m. Trên bức tường phía sau nhà, ngay sát giường ngủ xuất hiện một vết nứt lớn có thể bỏ lọt cả ngón tay. Đứng trong nhà có thể nhìn thấy cả khung cảnh bên ngoài qua vết nứt này.

Bức tường của nhà bà Lang Thị Thanh nứt toác, có thể đút lọt cả ngón tay
Bức tường của nhà bà Lang Thị Thanh nứt toác, có thể đút lọt cả ngón tay

Bà Thanh cho biết: “Hồi họ mới khai thác thì tường bắt đầu nứt và vết nứt càng ngày càng lớn. Hồi tháng 4/2012, khi mỏ nổ mìn phá đá, một hòn đá to cỡ cái ấm rơi đúng mái nhà tôi, làm hỏng 3 viên ngói, rơi tọt vào trong nhà. Sau đó đại diện công ty và công an xã đã đến lập biên bản và đưa hòn đá đi, công ty cũng đã cho người lợp lại 3 viên ngói bị vỡ. Từ đó tới nay không thấy họ có động tĩnh gì nữa”.

Căn nhà mái bằng của anh Nguyễn Văn Thanh mới được xây dựng năm 2011, màu sơn còn rất mới nhưng trên tường nhà xuất hiện hàng chục vết nứt chạy dọc từ mái nhà xuống móng. “Thật ra thì người dân chúng tôi cũng quen với tiếng mìn rồi, nhưng từ khi đi vào khai thác có 5-6 lần họ nổ quá tay khiến nhà dân rung giật rồi nứt lớn hơn. Chỉ khổ cho người già và trẻ em, họ khoan đá, nghiền đá suốt ngày đêm, 4h sáng đã làm, 9-10h đêm mới chịu nghỉ, vừa ổn vừa bụi, trẻ con không học bài được còn người lớn thì không thể nghỉ ngơi”, anh Thanh cho biết thêm.

Sáng ngày 26/10, sau một tiếng nổ chát chúa khiến mặt đất rung chuyển, giọt nước tràn ly, 40 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ những vụ nổ mìn phá đá của Công ty TNHH Hoàng Danh đã kéo nhau lên trụ sở UBND xã yêu cầu chính quyền địa phương can thiệp, trả lại cuộc sống thanh bình như trước đây.

Khoảng cách giữa mỏ và khu dân cư có an toàn?

Trao đổi với chúng tôi, ông Lang Văn Hải - xóm trưởng xóm Hồng Sơn cho biết: “Việc các công trình nhà ở, kiến trúc của người dân bị nứt là có thật. Nguyên nhân có thể là do doanh nghiệp nổ mìn hơi quá liều và khu vực khai thác đá ở quá gần nhà dân. Từ khi mỏ đi vào hoạt động, đã có 5-6 lần xảy ra tình trạng nổ mìn lớn làm hư hỏng nhà cửa của dân. Việc doanh nghiệp Hoàng Danh đi vào khai thác ảnh hưởng tới đời sống của người dân xóm Hồng Sơn đã được chúng tôi kiến nghị lên xã, lên huyện hay trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhưng tới nay vẫn chưa thấy cơ quan nào giải quyết cho dân.

Bức tường của nhà bà Lang Thị Thanh nứt toác, có thể đút lọt cả ngón tay
Căn nhà mới trị giá cả trăm triệu đồng của anh Nguyễn Văn Thanh cũng xuất hiện nhiều vết nứt chạy dọc từ trên xuống

Theo ông Hải cho biết, sau vụ nổ ngày 26/10, 40 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi việc khai thác đá của Công ty TNHH Hoàng Danh kéo nhau lên ủy ban xã. Đoàn công tác của huyện, chính quyền địa phương và đại diện công ty cũng đã có buổi làm việc với dân. Sau buổi làm việc nhằm ổn định tình hình, đại diện công ty đã tới từng nhà dân kiểm tra thiệt hại và đưa ra mức bồi thường, hỗ trợ. Tuy nhiên tới thời điểm này mới chỉ có 25/40 hộ đồng ý với mức hỗ trợ của doanh nghiệp đưa ra.

Lý giải cho lý do không chấp nhận mức bồi thường, hỗ trợ này, bà Trương Thị Thìn - một trong nhưng hộ dân sống ngay dưới chân mỏ đá, cho biết: “Nhà chúng tôi xây cả trăm triệu mà họ chỉ bồi thường không quá 2 triệu/căn, những nhà đã cũ chỉ mức bồi thường chỉ có 500 nghìn đồng/căn. Số tiền đó chúng tôi làm sao mà sửa chữa được nhà cửa, rồi còn về lâu về dài nữa. Chúng tôi đề nghị chính quyền các cấp sớm có phương án giải quyết, hoặc di dời những hộ gia đình quá gần mỏ ra khu vực an toàn hơn”.

Trưa ngày 30/10, chúng tôi có mặt tại mỏ đá Thung Mây. Khu vực khai thác đá này rộng gần 20 ha, có thời gian khai thác 30 năm. Theo bảo vệ và nhân viên văn phòng mỏ cho biết, giám đốc hiện không có mặt tại công trường, còn chỉ huy nổ mìn cũng đang đi vắng. Khi chúng tôi giơ máy ảnh lên để chụp công trường khai thác đá thì bảo vệ ngăn lại và cho biết, giám đốc chỉ thị qua điện thoại không cho phóng viên chụp ảnh.

Bức tường của nhà bà Lang Thị Thanh nứt toác, có thể đút lọt cả ngón tay
Hàng chục hộ dân với hàng trăm nhân khẩu thuộc xóm Hồng Sơn (xã Tân Hợp, Tân Kỳ) sống trong cảnh sợ hãi khi mỏ đá khai thác ngay trên đầu họ

Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Phòng TN&MT huyện Tân Kỳ, mỏ đá Thung Mây mới chính thức đi vào khai thác từ năm 2011. Ngay sau khi sự việc hàng chục hộ dân xóm Hồng Sơn kéo lên xã yêu cầu giải quyết tình trạng mất an toàn sức khỏe, tình mạng và tải sản do khai thác đá của Công ty TNHH Hoàng Danh gây ra, Đoàn công tác của huyện bao gồm công an, Phòng TN&MT, Phòng Công thương đã có mặt xem xét thực địa, kiểm tra mức độ ảnh hưởng và thiệt hại do khai thác đá gây nên.

“Chúng tôi cũng đã giao cho doanh nghiệp tự thỏa thuận đền bù thiệt hại về tài sản, kiến trúc cho người dân để ổn định tình hình. Đồng thời cũng yêu cầu công ty đảm bảo đúng thiết kế, quy định về sản xuất, không để ảnh hưởng tới đời sống nhân dân. Công ty đã cam kết sẽ không để ảnh hưởng tới nhà dân trong quá trình khai thác, vận hành. Từ khi đi vào hoạt đông, Công ty TNHH Hoàng Danh cũng đã có một số lần vi phạm, tuy nhiên mức độ vi phạm chưa tới mức xử phạt hành chính, các đoàn kiểm tra chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở thôi”, ông Thanh cho biết.

Bức tường của nhà bà Lang Thị Thanh nứt toác, có thể đút lọt cả ngón tay
Ông Lang Văn Hải - xóm trưởng xóm Hồng Sơn: "Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp nhưng chưa thấy ai giải quyết cho dân"

Về việc doanh nghiệp khai thác đá gây ô nhiễm môi trường sống của người dân, ông Thanh cho rằng là có nhưng mức độ ảnh hưởng không lớn. Về khoảng cách giữa mỏ và khu dân cư được cho là quá gần, ông Phó Phòng TN&MT huyện Tân Kỳ khẳng định: “Đây là mỏ do Bộ TN&MT cấp phép, có sự kiểm tra, thẩm định thực tế của các Bộ, ngành liên quan. Khoảng cách có an toàn thì người ta mới cho khai thác chứ”.

Hoàng Lam