1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Dân chê cầu Thủ Thiêm, trở lại đi phà

Ở TPHCM đã xảy ra điều trái ngược: sau một thời gian đi qua cầu Thủ Thiêm, người dân đã quay trở lại đi phà.

Dân chê cầu Thủ Thiêm, trở lại đi phà - 1

Chân cầu Thủ Thiêm phía quận Bình Thạnh phân luồng rối rắm, tạo nhiều giao cắt khiến người đi đường ngán ngại

 

Cầu Thủ Thiêm bắc ngang sông Sài Gòn, nối quận Bình Thạnh và quận 2 được đưa vào khai thác cách nay hơn 18 tháng. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, lưu lượng xe qua cây cầu này giảm hẳn.

 

Cầu Thủ Thiêm có sáu làn xe (mỗi chiều ba làn) rộng thênh thang, nhưng vào sáng 4/8 và những giờ cao điểm trong ngày rất thưa thớt xe gắn máy và thỉnh thoảng mới có vài ôtô qua cầu. Trong khi đó, số liệu thống kê của xí nghiệp quản lý phà Thủ Thiêm cho thấy, ngay cả với loại xe ôtô dưới bảy chỗ ngồi qua phà trong những ngày qua đã tăng đột biến. Ông Cao Kim Trọng, giám đốc xí nghiệp phà Thủ Thiêm, tính chung số lượng phương tiện giao thông qua phà trong những tháng đầu năm 2009 đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2008.

 

Nguyên nhân, cầu Thủ Thiêm ở phía quận 2 là một cánh đồng, không đường đón. Ách tắc này tưởng như đã được giải toả khi đoạn đường nối cầu Thủ Thiêm với dự án đại lộ Đông Tây dài khoảng 700m vừa được hoàn thành.

 

Thế nhưng, ghi nhận của chúng tôi trong ngày hôm qua, ở đoạn đường nối này hoàn toàn không có một chiếc xe lưu thông. Bởi lẽ, đi cuối con đường thì “đụng” ngay một hàng rào chắn trong dự án đại lộ Đông Tây. Còn ở chân cầu phía quận Bình Thạnh lại đang được thi công và việc phân luồng ở khu vực này rối rắm, chưa kể những giao cắt giữa các luồng giao thông trên đường Nguyễn Hữu Cảnh gây nguy hiểm cho người đi đường. Cuối tháng 7/2009, tại khu vực này đã xảy ra vụ xe container cán chết người.

 

“Từ quận 2 về trung tâm thì phải đi đường vòng, qua khu vực thi công nắng bụi mưa sình, trong khi vé qua phà chỉ 1.500đ/lượt, thời gian chờ cũng không lâu”, một người dân tên Hoàng Vân giải thích với chúng tôi trên chuyến phà từ quận 2 sang quận 1 sáng 4/8.

 

Ngoài ra, tình trạng kẹt xe ở ngã ba Cát Lái cũng là nguyên nhân khiến ôtô chọn đi phà.

 

Theo khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (chủ đầu tư cầu Thủ Thiêm), đến cuối năm 2009 phần hầm chui dọc theo đường Nguyễn Hữu Cảnh và phần còn lại của nhánh cầu dẫn N1 sẽ được hoàn tất. Còn ông Vương Hoàng Thanh, phó giám đốc ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây, cho biết theo tiến độ mà nhà thầu đã đăng ký thì đến cuối tháng 4/2010, dự án đại lộ Đông Tây đoạn qua khu vực này mới có thể thông suốt.

 

Theo Minh Phong

 Sài Gòn tiếp thị