1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa:

Đại lý ngừng thu mua, ngư dân mang hải sâm đổ xuống biển

(Dân trí) - Sau 1 chuyến đi biển "trúng đậm", cả làng chài tại bến cửa lạch Ghép, xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia lại hồ hởi đi tìm hải sâm. Tuy nhiên, sau đợt đánh bắt, đại lý ngừng thu mua do thua lỗ, người dân phải mang đổ xuống biển.

Những ngày đầu tháng 3 đến nay, hàng trăm ngư dân vùng biển xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia đồng loạt ra quân đánh bắt hải sâm về nhập cho các đại lý thu mua để chế biến xuất khẩu sang Trung Quốc. Chỉ ít ngày trước, có mặt tại vùng biển xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, đâu đâu cũng có thể bắt gặp khuôn mặt tươi vui của bà con ngư dân vì được mùa, được giá hải sâm.

Đại lý ngừng thu mua, ngư dân mang hải sâm đổ xuống biển
Ngư dân đang cặm cụi bòn mót những con hải sâm còn sót lại.

Anh Đặng Văn Thiện, chủ tàu cá TH1842-TS có công suất 63 CV cho biết: “Từ đầu năm đến nay, do gió mùa kéo dài nên toàn bộ tàu thuyền trên bến đều nằm chờ không ra khơi đánh bắt được. Mấy ngày trước, các đại lý trong thôn ngỏ ý muốn thu mua hải sâm để chế biến xuất khẩu nên các anh em đã bảo nhau nhổ neo ra khơi”.

Thời gian đầu, giá thu mua hải sâm tươi sống là khoảng 20.000đ/kg. Sau một chuyến đi, trừ mọi chi phí, mỗi tàu thu lời trung bình từ 15 đến 20 triệu đồng, mỗi nhân lực trên tàu cũng được chia khoảng 2 - 3 triệu đồng. Đây là một khoản thu nhập lớn sau hàng tháng trời ngư dân Hải Ninh không có công ăn việc làm.

“Chúng tôi như được sống lại sau những quãng ngày dài không có việc làm vì gió mưa kéo dài, tàu thuyền phải đắp chiếu” - anh Thiện kể.

Đại lý ngừng thu mua, ngư dân mang hải sâm đổ xuống biển
Vẻ mặt thất thần của ngư dân sau khi nhìn thành quả lao động sau bao đêm bị đổ ngược xuống biển.

Hải sâm, hay tên gọi dân gian là đỉa biển là tên gọi chung của một nhóm động vật biển có thân hình dài và da có lông. Đây là một loài hải sản có giá trị trong chế biến thuốc chữa bệnh và một số sản phẩm khác.

Sau chuyến đi đầu tiên nhiều ngư dân thắng lớn nhờ vào khai thác được nhiều hải sâm và bán được giá. Nhiều chủ tàu ở vùng biển Hải Ninh đua nhau ra khơi khai thác hải sâm. Tuy nhiên khi tàu thuyền về đến bến thu mua thì bất ngờ nhận được “hung tin” các đại lý ngừng thu mua, khiến phần lớn sản phẩm ngư dân vừa đánh bắt sau những ngày vất vả ra khơi phải đem đổ ngược xuống biển.

Anh Đặng Văn Thiện buồn bã: “Sau chuyến đầu làm ăn được, chúng tôi cũng được nghe tin đồn đại lý ngừng thu mua. Nhưng do chưa rõ thông tin nên tiếp tục đánh bắt. Đợt này mỗi tàu thuyền lỗ từ 20 - 30 triệu đồng do toàn bộ hải sâm không tiêu thụ được đành phải chạy ngược ra cửa lạch đổ xuống biển”.

Một số đại lý thu mua hải sâm cho biết, thấy ngư dân khó khăn trong khai thác hải sản nên họ đã tìm cách thu mua hải sâm để chế biến xuất khẩu sang Trung Quốc nhằm kiếm lời. Nhưng do lần đầu làm, chưa có kinh nghiệm nên việc làm ăn gặp nhiều khó khăn, thua lỗ đành phải ngừng thu mua.

Đại lý ngừng thu mua, ngư dân mang hải sâm đổ xuống biển
Bãi biển Hải Ninh thu hút rất đông tiểu thương cùng bà con mỗi sáng sớm.

Ông Lê Vũ Hạnh, đại diện chính quyền xã Hải Ninh cho biết: “Việc thu mua hải sản xưa nay vẫn là chuyện nội bộ của các đại lý và ngư dân. Chính quyền chưa nắm bắt được sự việc này. Tuy nhiên chúng tôi sẽ tìm hiểu ngay vấn đề trên”.

Duy Cảnh