1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Đại gia địa ốc: "Đến nhà, tôi cũng bán đi để trả nợ"

Cuối năm, thay vì những buổi nhậu nhẹt linh đình, nhiều đại gia bất động sản phải bán nhà, bán xe để lo trả nợ. Thậm chí, có những người phải vờ đi du lịch để trốn nợ.

Bán nhà, bán xe

Từng giàu có lên nhờ những phi vụ mua đi bán lại bất động sản với mức giá trên trời từ những năm 2009, anh H., giám đốc một sàn giao dịch bất động sản Hà Nội vốn nổi tiếng là chịu chơi và có rất nhiều chân dài bu bám.

Thời hoàng kim, có những ngày anh H. kiếm được cả vài tỷ đồng nhờ tiền bán dự án. Giàu lên nhanh chóng, anh H. tự mua cho mình 3 chiếc xế hộp và 2 căn biệt thự ở Hà Nội, một căn ở Ciputra, 1 căn ở bán đảo Linh Đàm.

Những tưởng việc làm ăn đang như diều gặp gió vì sàn của anh luôn được nhiều chủ đầu tư ưu ái để lại cho khá nhiều suất để bán. Ai ngờ, thị trường bất động sản đi xuống khiến việc ôm quá nhiều dự án trở thành “gánh nợ” đối với công ty anh.

“Từ đầu năm đến nay, tôi phải chấp nhận lỗ nặng để đẩy được hết hàng. Tính ra, trung bình mỗi suất căn hộ tôi lỗ khoảng 300 triệu đồng so với giá lúc ôm dự án. Mỗi dự án sàn của tôi ôm cũng vài chục căn, nên tiền lỗ, tính ra cũng cả trăm tỷ đồng”, anh H. buồn bã nói.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Cũng theo anh H., mặc dù đã giải quyết xong hết hàng tồn, nhưng số tiền nợ lãi suất và tiền lương nhân viên thì anh vẫn chưa biết kiếm đâu ra để trả.

“Tôi nợ lương nhân viên nửa năm, tiền lãi suất ngân hàng cũng gần 30 tỷ đồng. Ngoài ra, còn tiền thuê nhà, tiền nợ đối tác, tính chung lại khoảng 60 – 70 tỷ đồng. Năm nay làm ăn thua lỗ, không biết lấy tiền đâu để trả”, anh H. chia sẻ.

Theo anh H., từ cuối năm ngoái, công ty anh đã thua lỗ nặng, vì vậy, 2 chiếc xe và 1 căn biệt thự đã phải thanh lý để có tiền chi trả duy trì hoạt động của công ty. Nhưng năm nay, tình trạng thua lỗ còn nặng nề hơn năm trước.

“Chắc tôi phải bán nốt 1 căn biệt thự và chiếc xe để trả lương cho nhân viên và trả tiền cho đối tác. Sau khi thanh toán hết nợ, tôi cũng chuyển nghề. Trở về mở một văn phòng Luật sư như hồi chưa làm bất động sản”, anh H. tâm sự.

Vờ đi du lịch để trốn nợ

Dù phải bán nhà, bán xe, nhưng anh H. vẫn còn may hơn rất nhiều giám đốc doanh nghiệp bất động sản khác. Trong một lần ăn tối với giám đốc một doanh nghiệp bất động sản ở Hà Nội, tôi được nghe ông kể câu chuyện dở khóc dở cười về một người bạn, cũng từng “phất” lên nhờ nhà đất.

Anh tên L., quê gốc ở Bắc Ninh, trước khi làm bất động sản, anh từng là giảng viên trường Đại học Xây dựng. Sau đó, nhờ các mối quan hệ thân quen, anh bắt đầu đặt chân sang kinh doanh bất động sản.

Do có kiến thức và mối quan hệ rộng (vì sinh viên của anh, nhiều người làm ở các Bộ và doanh nghiệp xây dựng) nên anh đã nhanh chóng mở được một công ty riêng và đầu tư xây dựng dự án ở Hà Nội.

Dự án đầu tiên anh làm là vào cuối năm 2008, khi ấy thị trường bất động sản đang rất sôi động. Và vì thế, dự án của anh bán vù vù với mức giá cũng khá cao. Dự án đầu tiên đã đem đến cho anh một số tiền khổng lồ, anh tiếp tục đầu tư tiếp một dự án thứ hai. Tuy nhiên, do vướng mắc về thủ tục chuyển nhượng nên đến tận năm đầu năm 2012 công ty anh mới có thể rao bán dự án được.

Do chi phí đầu tư vào dự án quá lớn, trong khi dự án bán ra không có ai mua. Công ty anh trở thành con nợ lớn của ngân hàng và một số đối tác.

Không có tiền trả nợ, trong khi đã cố gắng giảm giá để bán, nhưng dự án của anh vẫn rất ế ẩm. Thời điểm cuối năm, hàng loạt các đối tác của anh siết nợ, nhưng nguồn tiền trong công ty đã hết. Không còn cách nào khác, anh đành phải tắt điện thoại, lấy lý do đi du lịch để “trốn” con nợ.

“Tôi gọi điện thấy máy không liên lạc được, hỏi trợ lý thì bảo anh ta đi du lịch. Tôi thấy rất lạ vì cuối năm ai cũng bận rộn, anh ta có thời gian đi chơi. Hơn nữa, năm nay thị trường quá chán, anh ta lại rủng rỉnh có tiền đi du lịch. Lúc đầu tôi cũng thấy ngưỡng mộ, nhưng tìm hiểu ra thì biết là anh ta đi trốn nợ”, vị giám đốc bạn tôi chia sẻ.

Có những lãnh đạo doanh nghiệp khác thì chọn cách tự tay bán hàng, tiếp thị sản phẩm cho chính công ty mình.

“Cuối năm là thời điểm tốt để làm ăn kinh doanh. Dù thị trường năm nay quá xấu, nhưng vớt vát được chút nào hay chút ấy. Năm nay khó, nên cả công ty tôi chỉ tập trung làm việc, ngay cả liên hoan, tiệc tùng cũng cắt giảm hết. Từ giám đốc đến nhân viên đều phải làm như nhau. Chắc đến Tết âm lịch thì mời anh em trong công ty đi...hát karaoke”, Phó Tổng giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng chia sẻ.
 
Theo Châu Anh
VTC