Đại biểu TPHCM "truy" Giám đốc Sở TN-MT vấn đề ô nhiễm

(Dân trí) - Ông Đào Anh Kiệt – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP – cho biết, năm 2002, thành phố lên kế hoạch di dời hơn 1.400 doanh nghiệp gây ô nhiễm, đến năm 2005 là kết thúc. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 6 doanh nghiệp không di dời, trong đó có 5 doanh nghiệp nhà nước.

Trong phiên chất vấn tại kỳ họp 18 HĐND TPHCM khóa VIII, đại biểu Nguyễn Thị Bích Thủy hỏi hiện trên địa bàn thành phố còn bao nhiêu doanh nghiệp gây ô nhiễm buộc phải di dời nhưng chưa thực hiện? Giải pháp nào để giải quyết dứt điểm? Các doanh nghiệp bị xử phạt hành chính về ô nhiễm môi trường chấp hành như thế nào?

ongdaoanhkiet-e12e4
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đào Anh Kiệt trả lời chất vấn của đại biểu

Ông Đào Anh Kiệt – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường – cho biết, thành phố đã có kế hoạch di dời hơn 1.400 cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư từ năm 2002, đến năm 2005 sẽ kết thúc. Tuy nhiên, đến năm 2005 vẫn chưa di dời xong và gia hạn đến năm 2006. Thế nhưng đến năm 2007 vẫn chưa hoàn thành việc việc di dời, khi còn tới 141 cơ sở. Từ năm 2007 đến nay vẫn tiếp tục di dời và còn 6 cơ sở (theo chương trình, chưa tính phát sinh). Ông Kiệt cho biết, với 6 cơ sở còn lại, UBND TP chỉ đạo đến giữa năm 2016 phải di dời dứt điểm. Trong số 6 doanh nghiệp chưa di dời thì có đến 5 doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài 6 cơ sơ chưa chịu di dời theo danh sách năm 2002, hiện thành phố phát sinh thêm nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường cần di dời. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP, tính đến 31/1/2015, trên địa bàn thành phố có 698 cơ sở sản xuất phải di dời do gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị. Những quận, huyện có nhiều cơ sở gây ô nhiễm gồm Củ Chi (187 cơ sở), quận 9 (87 cơ sở), huyện Bình Chánh (71 cơ sở),…

Về xử phạt cơ sở gây ô nhiễm, ông Kiệt cho biết: “Có 80% doanh nghiệp chấp hành quyết định xử phạt vì gây ô nhiễm, còn 20% còn lại là ù lì. Cơ quan chức năng cũng rất quyết liệt, xử phạt nhiều lần nhưng vẫn còn doanh nghiệp không chấp hành và trường hợp này thường rơi vào doanh nghiệp nhà nước”.

Đại biểu Cao Thanh Bình cũng chất vấn khi nào nhà máy xi măng Hà Tiên 1 (quận Thủ Đức) sẽ được di dời? Còn đại biểu Huỳnh Công Hùng hỏi: “Kế hoạch di dời các cơ sở gây ô nhiễm đã được xử thực hiện từ lâu, tại sao đến nay vẫn còn chậm trễ? Nguyên nhân tại sao? Hậu quả của việc chậm trễ này sẽ như thế nào và lộ trình sắp tới ra sao?”.

Về việc di dời nhà máy xi măng Hà Tiên 1, ông Kiệt cho biết hiện nay tình trạng ô nhiễm đã giảm bớt nhưng nhất quyết phải di dời. Nhà máy xi măng Hà Tiên 1 cùng với xưởng đóng tàu Ba Son là 2 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất.

Theo kế hoạch, nhà máy xi măng Hà Tiên 1 sẽ chuyển về khu công nghiệp Phú Hữu (quận 9) nhưng còn phụ thuộc vào quy hoạch tại khu vực này. Về thời gian di dời, ông Kiệt cho biết còn phải phối hợp với các đơn vị liên quan như Sở Quy hoạch và Kiến trúc,… nên chưa thể trả lời chính xác khi nào sẽ di dời và xin hẹn trả lời đại biểu sau. Trong khi đó, đại diện Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP cho biết đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành đánh giá tác động môi trường.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm lưu ý: “Đánh giá tác động môi trường là cực kỳ quan trọng. Người dân quận 9 đi ngang qua nhà máy xi măng Hà Tiên 1 thấy lá cây bị đóng dày xi măng thì họ sẽ hình dung tương lai của mình nhưng thế nào. Vì vậy, khi chuyển nhà máy về Phú Hữu phải lắng nghe ý kiến của người dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ. Đánh giá môi trường cũng phải thật khách quan”.

Đại biểu Cao Thanh Bình không hài lòng và thông tin thêm, UBND quận 9 cũng đã quy hoạch địa phương theo mô hình du lịch sinh thái. Đó là chưa kể người dân ở đó đã phản ánh ô nhiễm rất nhiều?  Như vậy, tại sao lại chuyển nhà máy xi măng Hà Tiên 1 về đây?

Ông Kiệt trả lời, vấn đề di dời còn phụ thuộc quy hoạch, liên quan đến nhiều cơ quan chức năng, trong khi nhiều cơ sở ỷ lại là công ty nhà nước, cơ quan chuyên môn thiếu kiên quyết… Đối với nhà máy xi măng Hà Tiên 1 và xưởng Ba Son, việc di dời không phải thuộc trách nhiệm riêng của Sở Tài nguyên và Môi trường mà phải có sự phối hợp của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành có liên quan.

Quốc Anh