1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đại biểu Quốc hội phẫn nộ vụ “cậu” Thủy làm giả hài cốt liệt sỹ

(Dân trí) - Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cùng bức xúc trước sự thật về các “nhà ngoại cảm”, ngay sau khi có tin “cậu” Thủy bị bắt vì làm giả hài cốt liệt sỹ.

Ngày 28/10, cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Trị, VKSND tỉnh Quảng Trị trong ngày 28/10 đã công bố quyết định khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng Nguyễn Văn Thúy (tức Cậu Thủy, 54 tuổi) và Mẫn Thị Duyên (41 tuổi, cùng trú ở thôn Trác Bút, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) về hành vi làm giả hài cốt, di vật, nơi chôn liệt sĩ theo Điều 139 Bộ luật Hình sự (tội Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản). Đây là 2 nhân vật lợi dụng mác ngoại cảm, làm giả hài cốt, di vật, nơi chôn liệt sĩ nhằm trục lợi bất chính.

Không thể chấp nhận việc trục lợi từ anh linh liệt sỹ
 
ĐBQH phẫn nộ với vụ “cậu” Thủy làm giả hài cốt liệt sỹ

Ông Lê Như Tiến bày tỏ sự hoan nghênh với lực lượng điều tra đã sớm vào cuộc vụ này. "Tôi được biết nhân vật Nguyễn Văn Thúy (tức "cậu" Thủy) cũng đã có một số tiền án tiền sự rồi. Là ĐBQH tỉnh Quảng Trị tôi cũng đã được đọc văn bản của một số nhà báo chuyển đến về vụ việc này. Điều đó cho thấy không phải hiện nay mà quá trình lừa thân nhân của liệt sĩ của nhân vật này đã kéo dài nhiều năm. Đáng tiếc là một số người có trách nhiệm trong cơ quan Nhà nước cũng phụ họa, chi tiền cho ông ta để đi lừa thân nhân của liệt sĩ", ông Tiến bày tỏ.

Cụ thể về trường hợp “cậu” Thủy mà Ngân hàng Chính sách xã hội đã chi hàng tỷ đồng cho người này để nhờ tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, theo ông Tiến, việc xử lý thế nào tùy vào quy định của pháp luật, phụ thuộc cả quá trình tố tụng cũng như kết quả điều tra. Nhưng Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa giáo dục cũng nhấn mạnh, vụ này phải xử lý thật nghiêm minh.

Việc quan trọng bây giờ là các cơ quan điều tra phải làm rõ tội danh của "cậu" Thủy này và những người liên quan, là tội danh gì: lừa đảo, chiếm đoạt tài sản công dân hay gì nữa. Còn những người nằm trong cơ quan Nhà nước mà tham gia vào thì sẽ là tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn. Hãy chờ cơ quan điều tra và đưa ra xét xử.

“Tôi cho là vụ này cần được xử nghiêm để làm gương cho kẻ khác. Vì hành vi trục lợi anh linh liệt sĩ là không thể chấp nhận được” – ông Tiến nói.

Đại biểu Lê Như Tiến phân tích, người dân đã rất tốn tiền, tốn sức, thời gian để kiếm tìm hài cốt người thân bằng ngoại cảm. Một số gia đình đi tìm bằng cách này và ngẫu nhiên chính xác. Nhưng qua báo cáo của một số cơ quan chức năng, ông Tiến hiểu, phần lớn các trường hợp đều không tìm được, mà đã không tìm được thì rõ ràng rất tốn công của, thời gian, từ chỗ hy vọng thành thất vọng, gây nên một áp lực nặng nề về tâm lý cho gia đình các liệt sĩ vốn rất đã khổ tâm trong tìm kiếm con em mình.

Vấn đề đặt ra với khoản tiền hàng tỷ đồng Ngân hàng Chính sách xã hội đổ vào “cậu” Thủy, ông Tiến phán đoán, nếu quả thực có đầy đủ các chứng cứ về việc đơn vị rút tiền nhà nước để tiếp tay cho “nhà ngoại cảm” này thì phải xử lý thật nghiêm đối với những người đã trực tiếp tham gia vụ việc này. Ông Tiến nhấn mạnh, xử lý nghiêm nhà ngoại cảm đã đành, phải xử lý nghiêm những những người tiếp tay. Vì chính sự tiếp tay đó đã giúp cho nhà ngoại cảm dấn sâu  hơn vào tội lỗi của mình.

Nhà nước sẵn sàng chịu chi phí thử ADN
ĐBQH phẫn nộ với vụ “cậu” Thủy làm giả hài cốt liệt sỹ

Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thì nhận định, tìm hài cốt liệt sĩ bằng ngoại cảm, nếu kiểm chứng ADN được thì tốt, còn nếu không kiểm chứng được thì không thể chấp nhận được. Dẫn lại cụ thể việc tìm hài cốt tướng Phùng Chí Kiên chỉ thu về một chiếc răng động vật, vài mảnh sành cũ, theo bà Mai, là một bài học đau xót. Nhiều người dân tin vào ngoại cảm nhưng không có chứng cứ khoa học. Bà Mai cũng hoan nghênh việc làm rõ vụ việc lần này.

“UB chúng tôi cũng đã từng có đợt giám sát về việc này, cho thấy tỷ lệ chính xác trong tìm kiếm hài cốt liệt sĩ là rất thấp. Sau giám sát, quan điểm của chúng tôi là tìm kiếm hài cốt liệt sĩ xong phải thử ADN thì mới công nhận đưa vào nghĩa trang liệt sĩ. Nhà nước cũng có chính sách miễn phí thử ADN cho hài cốt liệt sĩ” – bà Mai cho biết.

Theo Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội, năm 2014 sẽ kết thúc thực hiện Nghị quyết về vấn đề tìm kiếm một liệt sĩ và giải quyết tồn đọng hồ sơ người có công, UB sẽ yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH tuyên truyền mạnh về việc này. Nguyên tắc, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bắt buộc phải thử ADN.

Bà Mai nhắc nhở, Bộ LĐ-TB&XH cũng cần tuyên truyền cho các gia đình liệt sĩ biết chính sách của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Đây là công việc mà Đảng, Nhà nước đang rất nỗ lực. Các gia đình cũng có thể chủ động đi tìm hài cốt liệt sĩ nhưng trước khi đi nên thông báo cho cơ quan chức năng để họ cùng tham gia. Nếu gia đình cho rằng tìm được một liệt sĩ thì nên lấy một mẩu hài cốt về thử ADN, nếu chính xác thì mới nên khai quật. Toàn bộ chi phí tìm kiếm hài cốt liệt sĩ được Nhà nước chi.

Xác nhận thực tế nhiều gia đình họ tự nhờ nhà ngoại cảm tìm, xong thì đem về an táng mà không muốn thông qua chính sách Nhà nước, bà Mai nhắc lại, có thể tiến hành công việc bằng ngoại cảm nhưng phải có căn cứ khoa học là giám định ADN.

P.Thảo