Đặc xá tràn lan thì không còn là đặc xá

(Dân trí) - Đối tượng, điều kiện nào được đặc xá, có nên qui định “cứng” thời điểm đặc xá hay không, giải quyết khiếu nại tố cáo ra sao... là những vấn đề được các đại biểu đóng góp nhiều nhất cho dự thảo Luật Đặc xá trong phiên họp chiều 27/3.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, đặc xá chỉ nên áp dụng trong những trường hợp đặc biệt và không tính thời điểm. Lí do không tính thời điểm được ông Thuyết diễn giải bằng tình thế cụ thể: người con duy nhất của một bà cụ đang thụ án, trong khi bà đang nguy kịch thì không thể đợi đến ngày lễ nào đó để đặc xá. Cũng tương tự như vậy trong trường hợp đặc xá mang tính đối ngoại thì cũng không thể phụ thuộc hoàn toàn vào ngày nào đó.

 

Qui định trong dự thảo về trường hợp được ưu tiên đặc xá được ông Thuyết cho rằng không hợp lí. Theo đó, đặc xá đã là ưu tiên, đã là hơn người, hết sức đặc biệt rồi lại còn có ưu tiên thì chẳng khác gì “ưu tiên của ưu tiên”.

 

Đại biểu Nguyễn Đức Dũng nhấn mạnh đến việc làm rõ điều kiện được đặc xá, thể hiện sự khác biệt so với điều kiện giảm án, tha tù (thẩm quyền trong hoạt động tố tụng của cơ quan tư pháp). Đã là “xá tội đặc biệt” thì phải đặc biệt về hoàn cảnh, lí do, con người và dĩ nhiên không thể làm tràn lan.

 

Theo ông Dũng có năm chúng ta đặc xá cho mấy chục ngàn người, có khi còn nhiều hơn cả giảm án, tha tù. “Nếu làm như vậy thì đặc xá không còn là đặc xá, thậm chí đôi khi có thể tạo suy nghĩ rằng bản án của toà án có vấn đề’, ông Dũng lập luận.

 

Cũng theo ông Dũng, không nên gọi là Hội đồng tư vấn đặc xá như dự thảo, bởi hội đồng tư vấn chỉ là để hỏi. Nên gọi là Hội đồng xét đặc xá, tức cơ quan giúp Chủ tịch nước thực hiện nhiệm vụ. Hội đồng này chỉ có ở Trung ương, các tỉnh chỉ làm đề nghị xét đặc xá.

 

Về đối tượng đặc xá, theo đại biểu Phạm Quý Tỵ, cần cân nhắc đối tượng đang tạm hoãn chấp hành hình phạt tù. Theo ông chỉ nên xét đối với những người đã đi cải tạo, ăn năn hối cải, cải tạo tốt. “Với những người tạm hoãn, vẫn ở ngoài, chưa thụ án một ngày nào nay lại không phải thi hành án thì dễ có dư luận không tốt”, ông Tỵ phân tích.

 

Đại biểu Tỵ cũng cho rằng, không nên qui định điều kiện để được đặc xá vì điều này thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước. Ông nhấn mạnh: “Chủ tịch nước có thể quyết định tùy tình hình, đợt này qui định điều kiện thế này, đợt sau qui định thế kia”. Nếu qui định điều kiện đặc xá như dự thảo sẽ bó hẹp quyền của Chủ tịch nước.

 

Thêm nữa, ông Tỵ còn cho rằng, nên có một điều hoặc một chương về khiếu nại tố cáo. Quá trình này sẽ nảy sinh khiếu nại tố cáo, nhưng không thể giải quyết theo luật Khiếu nại tố cáo mà đòi hỏi phải có thủ tục và trình tự riêng.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến để Luật có thể được thông qua tại Quốc hội khoá tới.

 

Kim Tân