Kỷ niệm 40 năm Cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968:

Đặc công, biệt động - Cơn ác mộng của Mỹ - nguỵ tại Sài Gòn

(Dân trí) - Sự kiện Tết Mậu Thân 1968, cuộc Tổng công kích đã diễn ra mạnh mẽ, trở thành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Sự kiện “Tết”mang dáng dấp của một đòn “tập kích chiến lược” vốn không như một chiến dịch quân sự bình thường.

Trong Tết Mậu Thân 1968, Trung ương Đảng xác định rõ việc chuyển hướng về đô thị nhưng mục tiêu chính là đầu não, sào huyệt của địch từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là trọng điểm Sài Gòn.

 

Mệnh lệnh xác định 8 mục tiêu quan trọng nhất, trong đó hàng đầu là tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Đài Phát thanh Sài Gòn, Biệt khu Thủ Đô, Bộ Tư lệnh Hải Quân… Phương án sử dụng lực lượng và hành động ở các mục tiêu này chính là một vũ khí tối thượng của quân đội ta: Đặc công - biệt động. Lực lượng này có nhiệm vụ đánh chiếm và giữ mục tiêu cho đến khi các tiểu đoàn mũi nhọn và lực lượng thanh niên, học sinh, sinh viên tại chỗ đến tiếp ứng.

 

Đây là một phương án “nở hoa trong lòng địch” kết hợp tiếp sức từ ngoài vào, rất táo bạo và cực kỳ khó khăn. Hơn 100 cán bộ, chiến sĩ biệt động Thành, 8 tiểu đoàn mũi nhọn, hơn 8.500 thành viên tại chỗ được coi là thanh niên xung phong không có vũ khí.

 

Trong đợt tấn công “Tết”, chủ lực Quân giải phóng chưa được huy động vào việc này mà chủ yếu bố trí ở vòng ngoài để ngăn chặn địch tiếp ứng cho Sài Gòn. Bỏ qua các yếu tố về chính trị, tinh thần, sự chênh lệch về tương quan lực lượng ta - địch lúc bấy giờ, lực lượng quân sự ta chỉ bằng 1/5 của địch (chưa nói ưu thế tuyệt đối của Mỹ về các phương tiện trang bị vũ khí, kỹ thuật).

 

Ở Sài Gòn, trước đợt tiến công “Tết”, tổng quân số địch phòng thủ, sẵn sàng tiếp ứng “thủ đô” tương đương 8 sư đoàn (có 4 sư đòan Mỹ), 8 tiểu đoàn thủy quân lục chiến quân đội Sài Gòn, 1 tiểu đoàn an ninh “thủ đô”', 20 vạn bịêt động quân, bảo an, dân vệ, cảnh sát thanh niên chiến đấu… Cảnh giác trước một số hiện tượng “bất thường”, ngay trước “Tết”, tướng Mỹ Weyand, chỉ huy khu vực “thủ đô”, đã điều 27 tiểu đoàn Mỹ về vùng ven.

 

Thế nhưng, một phần phương án đã trở thành hiện thực ngay trong đợt tiến công đầu tiên. Thực tế, chỉ có 88 trong số hơn 100 đội viên biệt động Sài Gòn vào trận, trong đó 63 cán bộ, chiến sĩ đánh trúng 5 mục tiêu quan trọng nhất trong danh sách 8 mục tiêu được giao, trong đó “ngoạn mục” (từ mà phía Mỹ hay dùng) nhất chính là trận quyết chiến tại Tòa Đại sứ Mỹ, kế đó là ở Đài phát thanh Sài Gòn, ở cổng phía bắc Bộ Tổng tham mưu (đặc công và lực lượng mũi nhọn làm chủ, đánh phản kích nhiều giờ).

 

Tiếp theo là Dinh Độc Lập, Bộ Tư lệnh Hải quân (đánh trúng nhưng không vào được bên trong). Ở Dinh Độc Lập đặc công không vào được bên trong nhưng giao tranh diễn ra ác liệt ở cổng phía Đường Nguyễn Du. Ở Đài phát thanh Sài Gòn, đội 4 biệt động Sài Gòn đã chiếm được mục tiêu, làm “câm họng” Đài này trong hơn 4 giờ 30 phút. Còn ở Tòa Đại sứ Mỹ, 16 cán bộ, chiến sĩ Đội 11 biệt động Sài Gòn, do ông Ngô Thanh Vân (Ba Đen) chỉ huy, thâm nhập tác chiến từ tầng một đến tầng 3, giữ trận địa 6 giờ liền.

 

Theo TTXVN, phía Mỹ thừa nhận: 5 binh sĩ Mỹ chết tại trận, 22 trọng thương chết ở bệnh viện, số bị thương 124 người… Nhưng những con số này không quan trọng bằng việc nó xẩy ra ngay bên trong Tòa Đại sứ Mỹ - lãnh địa bất khả xâm phạm của đế quốc Mỹ tại Việt Nam lúc bấy giờ.

 

Trong vòng vây kẻ thù, cán bộ, chiến sĩ đặc công - biệt động Sài Gòn, với vũ khí nhẹ cầm tay đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. 74 người đã hy sinh hoặc rơi vào tay giặc trong tư thế “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Ở Tòa Đại sứ Mỹ, Đội 11 giao tranh với lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ ở mặt đất lẫn lực lượng đổ bộ đường không qua sư đoàn dù 101 Mỹ. 15/16 đội viên đã anh dũng hy sinh. Người đội trưởng bị bắt khi đã bị thương nặng.

 

Những “cái chết làm nên lịch sử” ở đây chính là ý nghĩa vô giá, thể hiện tầm chiến lược trong những trận quyết chiến của biệt động Sài Gòn. Chính Dave Richard Palmer, tác giả sách Summons of the Trumpet (Tiếng kèn gọi quân) đã nói về “một cuộc chiến công sẽ làm rung động thế giới” để ám chỉ sự kiện “Tết” Mậu Thân 1968, đồng thời giành đến hơn 2 trang sách cho trận quyết chiến tại Tòa Đại sứ Mỹ.

 

Tác giả cho rằng: “Nhiệm vụ của họ là xông vào sứ quán Mỹ. Làm được gì ở bên trong sứ quán không quan trọng mà mục đích là phải xông vào được nơi đó, đánh một đòn tượng trưng cho toàn bộ cuộc tổng tiến công… Họ đã thành công hết sức to lớn”.

 

Trần Phấn Chấn