Đà Nẵng lật lại cảnh báo “làm du lịch kiểu chờ cá chui vô rồi... chén!”

(Dân trí) - Sau vụ lật tàu chở du khách trên sông Hàn khiến 3 người tử nạn, nhiều sai phạm được khui ra, đặc biệt về vấn đề an toàn giao thông đường thủy. Dư luận xã hội lật lại cảnh báo từng được đưa ra tại cuộc họp Hội đồng nhân dân TP một năm trước: “Đà Nẵng làm du lịch như cái lờ, chờ cá chui vô rồi... chén”.

Tàu chìm thì ai chịu trách nhiệm?

Đây là câu hỏi đại biểu Nguyễn Quốc Bình - Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng thành phố từng đặt ra tại cuộc họp Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng hồi tháng 7/2015. Ví cách làm du lịch “như cái lờ, chờ cá chui vô rồi... chén”, đại biểu Bình đã từng cảnh báo về việc hoán cải tàu cá thành tàu du lịch, chở du khách trên sông Hàn.


Lời cảnh báo làm du lịch như cái lờ nói về hiện trạng tàu du lịch hoán cải từ tàu cá, tàu hút cát trên sông Hàn đã được đưa ra từ gần một năm trước.

Lời cảnh báo "làm du lịch như cái lờ" nói về hiện trạng tàu du lịch hoán cải từ tàu cá, tàu hút cát trên sông Hàn đã được đưa ra từ gần một năm trước.

Đại biểu Bình đã từng trăn trở: “Tôi cảm thấy du lịch Đà Nẵng mình như cái lờ, cứ hứng cá, cá vào thì mình "đợp", mình ăn thịt. Chúng ta chỉ mới nói đến thuế, thu thuế du lịch thôi mà chưa nói đến sản phẩm du lịch... Chúng ta đã tạo ra sản phẩm du lịch đường bộ, hàng không thì tốt rồi. Nhưng đường biển, đường sông chưa khai thác được cái gì trên dòng sông Hàn thơ mộng này cả.

Hiện chúng ta có 25 chiếc tàu du lịch trên sông Hàn, nhưng chủ yếu là tàu cá cải hoán sang... Tôi thử hỏi Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch (VH-TT-DL), nếu 25 chiếc tàu ấy chìm xuống thì ai chịu trách nhiệm? Xin thưa với anh là tàu Biên phòng chúng tôi đã 2 lần kéo tàu bị chìm trong đêm. May chứ không thì "xong phim" rồi. Mà nó chìm xuống thì ai nổi lên, trách nhiệm thuộc về ai?".

Hôm qua 6/6, trả lời truy vấn của lãnh đạo TP sau vụ lật tàu trên sông Hàn đêm 4/6 khiến 3 người tử nạn, Trung tá Đặng Viết Tài - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường thủy Đà Nẵng - nói, mới đây trong cuộc họp ngành giao thông đường thủy đã nêu 3 trường hợp không đủ điều kiện hoạt động vận tải du khách trên sông Hàn, trong đó có tàu Thảo Vân 2. Khi đó đã có đề xuất tàu này phải lên bờ nhưng những lời cảnh báo, đề xuất ấy trôi đi đâu?

Sau vụ lật tàu Thảo Vân 2, nổi lên nhiều sai phạm điển hình về an toàn giao thông đường thủy, quản lý hoạt động tàu du lịch trên sông Hàn, mà sai phạm “liều” nhất là tàu này chưa được cấp phép hoạt động du lịch mà vẫn ngang nhiên bán vé, vận tải du khách, lại chở số người gấp đôi sức chứa của tàu.

Chủ tịch TP Huỳnh Đức Thơ truy thẳng: “Tại sao con tàu to đùng, hoạt động lâu thế mà không ai biết?” và quyết định đình chỉ công tác ông Lê Sáu - Giám đốc Cảng vụ Đà Nẵng và ông Nguyễn Công Hiệu - Đội trưởng Đội quản lý bến (Cảng vụ Đà Nẵng). Ông Thơ gay gắt nói: “Không ai có thể giao tính mạng hàng nghìn người cho người thiếu trách nhiệm như vậy được”, đồng thời yêu cầu một loạt cá nhân, đơn vị liên đới trách nhiệm trong vụ lật tàu kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

"Mặc áo phao vô đi!"

Vụ lật tàu cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo nhức nhối về thực trạng tàu thủy chở khách du lịch trên sông, trên biển. Không chỉ toàn bộ tàu du lịch trên sông Hàn (30 chiếc đăng ký hoạt động du lịch thì có 27 chiếc đã được cấp phép, trong đó có 22 chiếc tàu du lịch hoán cải từ tàu cá và tàu hút cát), mà hoạt động của các phương tiện giao thông đường thủy, nhất là các phương tiện vận tải hành khách trên toàn quốc được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải kiểm tra, rà soát lại.

Dư luận xã hội một lần nữa đau đáu nhắc lại câu “mất bò mới lo làm chuồng”. Chúng tôi cũng nhớ lại trong các chuyến công tác khảo sát du lịch cùng ngành chức năng và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực, trong các chuyến du lịch đi lại trên sông, đầm phá, nhiều người đã nhắc nhở ngay: “mặc áo phao vô đi, đừng có dễ ngươi” (dễ ngươi là từ địa phương chỉ sự chủ quan).


Đi lại trên sông (biển), mặc áo phao là việc không bao giờ thừa.

Đi lại trên sông (biển), mặc áo phao là việc không bao giờ thừa.

Mới đây trong một chuyến công tác ra đảo Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An), chúng tôi thật sự cảm kích trước trách nhiệm của một chủ tàu cao tốc đưa khách từ đất liền ra đảo khi anh này nói: “Anh chị mặc áo phao vô dùm em. Ai nóng nảy, khó chịu, không mặc áo phao được thì lên bờ lại dùm em”. Chuyến ngược từ đảo trở về đất liền, ca nô đã xuất bến rồi lại vòng trở lại vì chủ ca nô đếm số người trên ca nô thấy dư một người so với số người quy định. Không phải ai cũng làm được như ông chủ tàu ấy.

Đúng rồi, đi lại trên sông trên biển là không “dễ ngươi” được; đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”, khi đó những mất mát đau đớn dù có hỗ trợ, có quy trách nhiệm... cũng không thể bù đắp nổi; như nỗi đau của đôi vợ chồng mất cả hai đứa con bé bỏng, như câu hỏi thảng thốt của đứa trẻ đang nằm trên giường bệnh sau tai nạn: “Mẹ ơi, ba con đâu rồi?”.

Khánh Hiền