Cựu tù cách mạng kể chuyện phá rào, đào hầm thoát “địa ngục trần gian”

(Dân trí) - Chống lại sự tra tấn dã man của bọn cai ngục nhà tù Phú Quốc, nhiều chiến sĩ tù cách mạng đã dũng cảm, mưu trí bẻ rào kẽm, đào hầm… vượt ngục, cùng quân dân Phú Quốc đánh địch, góp phần giải phóng đất nước.

Tay không phá rào kẽm…

Ông Huỳnh Văn Em – Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Phú Quốc (Kiên Giang) - dẫn chúng tôi đến tận nhà ông Ba Toản (tên thật là Nguyễn Văn Mỹ – một cựu tù Phú Quốc hiện đang sinh sống tại xã Cửa Dương, huyện đảo Phú Quốc) để được nghe ông kể về những ngày tháng đau đớn cùng cực trong “địa ngục trần gian” nhà tù Phú Quốc năm xưa. Dù đã hơn 75 tuổi nhưng sức khỏe và trí nhớ ông Ba Toản còn rất minh mẫn, khi kể lại những năm tháng “uống mật, nằm gai” ở nhà tù Phú Quốc và thời gian vượt ngục ra ngoài đấu tranh với kẻ thù, giọng ông Ba Toản sang sảng, đôi mắt sáng lên…

Ông Ba Toản kể: “Tôi tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968 đánh vào Sài Gòn và không may bị địch bắt tại đây. Sau đó chúng đưa tôi ra nhà tù Phú Quốc vào ngày 26/4/1968. Trước sự tra tấn dã man và ý chí phải thoát ra để phục vụ cách mạng, giải phóng đất nước, tôi và 5 đồng chí khác lên kế hoạch phá rào kẽm, phá mìn thoát khỏi nhà tù vào ngày 22/6/1968”.

Nhà tù Phú Quốc không có tường cao, xung quanh bao bọc bằng nhiều lớp kẽm gai
Nhà tù Phú Quốc không có tường cao, xung quanh bao bọc bằng nhiều lớp kẽm gai

Theo ông Ba Toản, nhà tù Phú Quốc khác với các nhà tù khác là không có tường rào bê tông cốt thép cao, xung quanh nhà tù được bao bọc bởi nhiều lớp rào bằng kẽm gai. Ngoài ra, 4 góc nhà tù còn có chòi canh và các đội tuần tra liên tục cùng với chó nghiệp vụ… Sau khi quan sát kỹ, đêm 22/6/1968, nhóm vượt ngục của ông Ba Toản cởi trần, dùng bùn trát lên người để ngụy trang; dùng tay không bẻ kẽm gai để thoát ra ngoài. Khi thoát ra ngoài, nhóm ông Ba Toản tiếp tục phá mìn, kẽm gai mà bọn địch cài sẵn trong những đám cỏ tranh bên ngoài nhà tù.

Ông Ba Toản nói: “Việc phá kẽm gai anh em chúng tôi hoàn toàn dùng tay không. Đối với từng loại mình phái biết điểm yếu của nó, chẳng hạn đối với lớp bùng nhùng có một điểm giao nhau, mình chỉ cần “mở khóa” điểm này là xong. Còn đối với hàng rào ô vuông, chúng chỉ dùng dây kẽm nhỏ buộc lại nên mở dễ dàng, còn một vài loại khác mình dùng hai đầu ngón tay cái và ngón trỏ bẻ mạnh là sợi kẽm sẽ gãy…”.

Khi thoát ra ngoài, ông Ba Toản liên hệ với chỉ huy và được chỉ huy giao nhiệm vụ ở lại huyện Phú Quốc kết hợp với quân giải phóng địa phương đánh địch. Từ sở trường là bộ đội đặc công, ông Ba Toản xin Ban chỉ huy quân sự huyện Phú Quốc cho lập đội đặc công. Khi đội đặc công ra đời, ông Ba Toản được giao nhiệm vụ huấn luyện và phối hợp với bộ đội địa phương tổ chức phá đồn địch.

Nhà tù Phú Quốc không có tường cao, xung quanh bao bọc bằng nhiều lớp kẽm gai
Ông Ba Toản bên vườn ươm cây bầu gió.

“Những năm 70 lực lượng quân địch đóng trên địa bàn huyện Phú Quốc rất đông, quân số của họ đã có chục ngàn lính trong khi lực lượng của ta chỉ vài trăm. Đáng nói, địch có đủ mọi phương tiện, vũ khí hiện đại để tấn công chúng ta. Do vậy, để đánh địch chúng ta không thể đánh tay đôi với chúng mà bộ đội ta lấy cách đánh du kích, đánh địch khắp nơi, làm chúng hoang mang, lo sợ…”.

Theo ông Ba Toản bí quyết để các trận diệt đồn địch thành công trên đảo Phú Quốc chính là sự chính xác và thần tốc. Ông Toản nói: “Các trận đánh đồn chỉ được phép diễn ra trong 5 phút, vì nếu trễ hơn, lực lượng chi viện của địch đến, bộ đội ta kẹt lại là khó sống. Do vậy, để đánh nhanh như vậy, không cách nào khác là lực lượng trinh sát của ta phải giỏi, nắm rõ địa hình, quân lực của địch. Tiếp đó bà bộ đội đặc công vào cắt kẽm gai, phá mìn… Lúc này, bộ đội ta tiến vào đánh úp quân địch là xong”.

Ngày 30/4, ông Ba Toản cùng quân giải phóng địa phương tiếp quản các căn cứ địch đóng trên địa bàn huyện Phú Quốc mà không tốn viên đạn nào. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Ba Toản ở lại huyện đảo lập gia đình và tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang đến 1983 mới nghỉ hưu theo chính sách. 

Nhờ tính lao động cần cù, chịu khó nghiên cứu trồng 10 ha cây gió bầu tạo trầm hương. Qua hơn 10 năm chăm sóc, cây gió bầu phát triển và đang mang lại lợi nhuận kép (đất và cây đều có giá cao) cho gia đình ông Ba Toản vào loại nhất nhì ở đảo ngọc Phú Quốc. Chính nhờ mô hình làm ăn hiệu quả này, 10 năm liền ông Ba Toản vinh dự nhận bằng khen nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Kiên Giang.

Anh em “tổ chức” đánh nhau

Đến nhà truyền thống huyện đảo Phú Quốc, PV Dân trí được một cán bộ ở nhà truyền thống dẫn tới gặp bác Lê Việt Ân (76 tuổi) – một cựu tù Phú Quốc đã thoát khỏi các màn tra tấn tàn độc của bọn cai ngục khi cùng với 21 đồng chí bỏ ra 6 tháng liền đào hầm vượt ngục vào ngày  26/1/1969. 

Bên ly cà phê sáng, ông Ân bùi ngùi kể lại cuộc sống ở “địa ngục trần gian”: “Trước khi bị quân địch đưa đến nhà tù Phú Quốc, tôi là bộ đội thuộc sư đoàn 325 ở Bình Định. Cuộc sống trong nhà giam khi đó vô cùng khốc liệt, ngoài việc chúng tôi bị bọn giám thị tra tấn dã man thì thức ăn, nước uống đều thiếu thốn. Bọn cai ngục thường xuyên cho tù nhân chúng tôi ăn cá thối, cơm thêu... Vì ăn không nổi, anh em chúng tôi tuyệt thực phản đối… Những lúc như vậy bọn chúng dùng roi cá đuối đánh chúng tôi đến ngất xỉu. Trong tất cả các màn tra tấn của bọn giám thị, chúng tôi đau đớn nhất là màn đục răng, đóng đinh vào xương. Chính bản thân tôi bị chúng đục mất 3 cái răng… Dù đau đớn tột cùng, tôi cũng như anh em vẫn cam chịu, nhất quyết không khai nhận gì”.

Ông Việt Ân bồi hồi nhớ lại những ngày tháng bị giam ở địa ngục trần gian - nhà tù Phú Quốc
Ông Việt Ân bồi hồi nhớ lại những ngày tháng bị giam ở "địa ngục trần gian" - nhà tù Phú Quốc

Ông Ân kể, dùng bạo lực với các chiến sĩ tù nhân cách mạng không có hiệu quả, bọn cai ngục chuyển sang phương thức dụ dỗ bằng cách cho người vào tiếp cận với các anh em tù binh để lôi kéo, chia rẽ… Chúng hứa nếu ai đứng ra chỉ mặt tù cách mạng hay làm mật vụ cho chúng, chúng sẽ tha và cho ra tù. Nhưng không chiến sĩ nào bị lôi kéo. Thất bại, chúng lại quay sang dùng nhục hình...

Trước cuộc sống không bằng chết ở nhà tù Phú Quốc, khoảng tháng 6/1968, tại trại giam số 13, một nhóm tù đã lên kế hoạch đào hầm vượt ngục, trong đó có ông Ân. Đội đào hầm vượt ngục được chia thành nhiều tổ, mỗi tổ khoảng 3 người, như: tổ đào hầm, tổ chuyển đất, tổ canh gác… Ông Ân được tổ chức phân công làm nhiệm vụ “gác đền” cho kế hoạch đào hầm năm ấy.

Ông Ân chia sẻ: “Việc đào hầm vô cùng khó khăn nhưng các anh em đi bỏ đất, “gác đền” như chúng tôi cũng khó khăn không kém. Khi anh em đào hầm, một mặt chúng tôi tổ chức người nghe ngóng, nếu có lính đến gần chúng tôi có những mật hiệu báo ngay. Còn khi chúng vào trại giam kiểm tra, anh em chúng tôi tự gây gối, đánh nhau để quần áo lấm lem như các đồng chí đào hầm, nhờ vậy bọn cai ngục không phát hiện”.

Ông Việt Ân bồi hồi nhớ lại những ngày tháng bị giam ở địa ngục trần gian - nhà tù Phú Quốc
Dụng cụ đào hầm vượt ngục là thanh gỗ, sắt, thìa ăn cơm... 

Sau 6 tháng ròng rã, cuối cùng đường hầm dài khoảng 120m, rộng khoảng 0,6m đã hoàn thành. Đường hầm này đã giúp 21 chiến sĩ cách mạng thoát ngục vào rạng sáng ngày 21/01/1969. “Tôi là người chui hầm thứ 21, phía sau tôi còn có một đồng chí, tuy nhiên khi tôi lên tới miệng hầm trời đã sáng nên người đi sau tôi sợ bị lộ, đã quay lại. Khi chúng tôi thoát ra ngoài, chúng tôi chạy vào rừng, một số đồng chí mượn xuồng của dân bơi qua Campuchia để về trung ương báo cáo. Nhờ đó từ năm 1970 Trung ương có chỉ đạo cho lực lượng đến tiếp đón anh em tù vượt ngục về căn cứ. Riêng tôi ở lại Phú Quốc tham gia vào đội đặc công của ông Ba Toản đến ngày giải phóng 30/4/1975”.

Sau khi thống nhất đất nước, ông Ân cũng như bao chiến sĩ tù cách mạng khác tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang ở địa phương và lập gia đình ổn định cuộc sống. Mấy chục năm hòa bình, trên cơ thể họ vẫn rõ mồn một những vết sẹo, những cơn đau tận xương cốt - dấu tích của những màn tra tấn năm xưa.

Chia tay hai cựu tù Phú Quốc cũng là lúc mặt trời đỏ hồng chìm xuống mặt biển Dương Tơ. Từ phía biển, từng cơn gió mát phả vào mặt chúng tôi, trong đó có mùi muối mặn và cả mùi hương trầm từ khu vườn nhà ông Ba Toản theo gió ùa về. 


Theo thống kê, từ tháng 7/1967 đến tháng 4/1972, tại Nhà tù Phú Quốc, các chiến sĩ ta đã tổ chức 41 lần vượt ngục, khoảng 300 chiến sĩ cộng sản thoát ngục trở về với cách mạng. Để thoát khỏi “địa ngục trần gian”, các chiến sĩ cách mạng phải vượt rào, đào hầm, đánh quân cảnh... Tuy nhiên, trong nhiều cuộc vượt ngục có nhiều chiến sĩ phải nằm lại… 

Nguyễn Hành

Cựu tù cách mạng kể chuyện phá rào kẽm, đào hầm thoát “địa ngục trần gian”