Cứu đói cho dân bằng gạo... mốc!

Hạn hán kéo dài hơn 300 ngày qua khiến tình hình thiếu ăn trong dân ở Ninh Thuận diễn ra trên diện rộng. Họ phải vo gạo cứu đói tới chín, mười nước nhưng khi nấu vừa sôi vẫn bốc mùi rất hôi, cơm khi ăn vị đắng như mã tiền...

Trước Tết Ất Dậu, tỉnh đã cấp hơn 1.000 tấn gạo cứu đói cho 16.772 hộ với hơn 91.500 nhân khẩu. Đầu tháng 4/2005, trong khi  tổ chức cứu đói đợt 2 với hơn 1.000 tấn gạo cho 18.554 hộ/92.554 nhân khẩu thì xảy ra vụ việc Xí nghiệp Lương thực Ninh Thuận cấp gạo mốc, hôi cho dân.

 

Cứu đói bằng… gạo “chết”!?

 

Chiều 12/4, chúng tôi đến nhà bà Bạch ở thôn Bà Râu, xã Lợi Hải, huyện Ninh Hải. Bà Bạch than vãn: “Gia đình tôi được nhận 60 kg gạo nhưng chỉ ăn hết nửa ký. Tôi vo gạo chín mười nước nhưng nấu vừa sôi thì bốc mùi hôi lắm, xúc cơm ăn thì đắng như mã tiền!” Hàng ngày, bà Bạch phụ rửa chén bát cho một quán bún trong làng để kiếm cái ăn.

 

Gia đình chị Hiếm được nhận 40 kg gạo, tuy cơm đắng nhưng đã ăn phân nửa số gạo được cấp bé Liên con chị Hiếm nói: “Cháu đong gạo ra mâm, nhặt sạn rồi gánh nước rửa đi rửa lại nhiều lần mới nấu cơm được!” Quan sát số gạo còn lại ở nhà bà Bạch, chị Hiếm, chúng tôi thấy gạo có màu vàng đục, hạt gạo giòn, nhiều hạt vỡ nát, bốc mùi hôi… Theo nhiều người kinh doanh gạo, loại gạo mốc, nát này là gạo “chết”, ăn vào sẽ có hại cho sức khoẻ.

 

Ông Trần Công Sơn – Trưởng phòng LĐ-XH huyện Ninh Hải - cho biết: “Xí nghiệp Lương thực tỉnh chở gạo đến các xã thuộc huyện Ninh Hải để cấp cho dân trong 2 ngày 5 và 6/4. Có tất cả 141.450 kg, đã cấp 59.030 kg, trả lại 82.420 kg” Theo ông Sơn lãnh đạo xã Nhơn Hải thấy gạo có tốt, có xấu nên chấp nhận cấp cho dân. Xã Phước Kháng cấp ngay sau khi vận chuyển đến (tối 5/4) nên không ngăn chặn kịp. Các xã Lợi Hải, Xuân Hải khi cấp một phần thì phát hiện gạo xấu nên lập biên bản đình chỉ việc cấp phát. Các xã Công Hải, Tri Hải, Khánh Hải… không đồng ý nhận gạo mốc, nát nên ngay tức khắc lập biên bản trả gạo lại cho xí nghiệp Lương thực.

 

Theo biên bản lập tại xã Công Hải lúc 9 giờ ngày 6/4 có đại diện UBND xã, ông Châu Kim Cường (phó phòng kinh doanh xí nghiệp Lương thực và ông Lê Văn Hiểu phó phòng LĐ - XH huyện) vì gạo không đúng qui cách nên xã Công Hải cho Xí nghiệp Lương thực mượn kho chứa 30.000 kg gạo chứ không nhận. Trong biên bản lập 10 giờ 50 phút ngày 6/4 tại xã Lợi Hải ghi rõ ràng: Gạo không đúng qui cách, chất lượng; gạo vàng có mùi hôi; gạo mốc, nát, chua, mềm. Xã Lợi Hải đã cấp 15.070 kg, trả lại 23.650 kg gạo.

 

Biết gạo mốc vẫn cấp cho dân?

 

Theo bà Diệp Ái Nhất, Phó giám đốc Xí nghiệp Lương thực Ninh Thuận, số gạo chết chính là 500 tấn gạo tồn kho mà xí nghiệp mua cho tỉnh cứu đói 1.000 tấn vào cuối năm 2004 (đã cấp trước Tết ất Dậu 500 tấn) vào cuối năm 2004, với giá 3.900 đ/kg.

 

Vào trung tuần tháng 3/2005, sau hội nghị chống hạn các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên do Phó Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì tổ chức tại Ninh Thuận, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ cho tỉnh Ninh Thuận 20 tỷ đồng và 300 tấn gạo để khắc phục hậu quả hạn hán. Trong đợt cứu đói lần 2 này, Xí nghiệp Lương thực tỉnh giao cho 5 huyện và thị xã Phan Rang 500 tấn gạo tồn kho (gần 4 tháng) và 515 tấn gạo dự trữ quốc gia mới nhận. Đến nay, trong số 500 tấn gạo tồn kho, Xí ngiệp Lương thực đã giao cho các địa phương trong tỉnh 249.330 kg, tồn lại 250.670 kg trong đó có 99.460 kg gạo bị các địa phương chê, trả lại.

 

Cũng theo bà Nhất, trước khi xuất gạo, xí nghiệp đã phát hiện tại kho có 21 tấn bị vàng, gãy nên để lại. Sau đó giao gạo cho các địa phương, nghe phản ánh mới tiếp tục phát hiện và đã tổ chức thu hồi. Trong khi vào ngày 5/4, nhiều xã thuộc huyện Ninh Hải đã lập biên bản không nhận gạo nhưng ngày 6/4, Xí nghiệp Lương thực vẫn tiếp tục xuất kho gạo tồn  chở đến nhiều xã khác như xã Xuân Hải (12.000 kg; xã Tri Hải  5190 kg; xã Hộ Hải (12.000 kg… Như vậy, Xí nghiệp lương thực Ninh Thuận đã biết là gạo mốc, hôi mà vẫn cấp cho dân!?

 

Theo Phương Thảo
Tiền Phong