Cuộc “so găng” giữa các phương án kiến trúc cho sân bay Long Thành

(Dân trí) - Chủ trì cuộc họp nghe báo cáo kết qủa thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành sáng 13/3, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tập hợp những chuyên gia giỏi nhất để tham vấn ý kiến trước khi chốt phương án thiết kế công trình quan trọng quốc gia này.

Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Quốc phòng, Xây dựng, Khoa học - Công nghệ, Tài nguyên - Môi trường, Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Nai, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Hội Khoa học và công nghệ hàng không Việt nam, Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

Tại cuộc họp, Bộ GTVT đã báo cáo kết quả thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc, các thành viên rà soát, cho ý kiến về từng phương án dự thi.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khái quát về 3 phương án đạt đồng thuận cao nhất. Cụ thể, về các phương án kiến trúc, Phó Thủ tướng cho rằng cả 3 phương án vào “chung kết” và 6 phương án khác đều là những ý tưởng tốt, mỗi phương án có một thế mạnh nhưng cũng có những hạn chế riêng. Do đó, việc lựa chọn phương án nào cần phải được thực hiện hết sức thận trọng, khoa học.

“Việc lựa chọn không được duy ý chí, chủ quan, gượng ép”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, thành lập ngay một tổ tư vấn gồm những chuyên gia giỏi nhất ở các lĩnh vực này để thảo luận thật kỹ dựa trên các tiêu chí, cơ sở khoa học, từ đó lựa chọn ra phương án tốt ưu nhất trong điều kiện hiện nay của Việt Nam.

Gợi ý của lãnh đạo Chính phủ là, các nhà quản lý nên “nhường” cho những người làm chuyên môn trong lĩnh vực này để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất, khoa học nhất.

Thành phần của Tổ tư vấn này, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ưu tiên các chuyên gia giỏi nhất trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch, giao thông, khoa học công nghệ kỹ thuật hàng không. Mỗi bộ, ngành chỉ nên có 1-2 đại diện, nhưng dưới cương vị chuyên gia, không phải lãnh đạo Bộ.

Phó Thủ tướng cũng hạn định cụ thể, trong vòng 10 ngày, tổ tư vấn phải có báo cáo chi tiết về quá trình thảo luận, cũng như đề xuất phương án tối ưu nhất trình Thủ tướng. Trên cơ sở đó, Thủ tướng sẽ có lựa chọn cuối cùng.

Hoa sen, tre, hay dừa nước?

Phương án thiết kế LT-03 của Hàn Quốc lấy cảm hứng từ hình ảnh hoa sen.
Phương án thiết kế LT-03 của Hàn Quốc lấy cảm hứng từ hình ảnh hoa sen.

Phương án LT-07 có ý tưởng thể hiện hình ảnh cây dừa nước của Nam Bộ.
Phương án LT-07 có ý tưởng thể hiện hình ảnh cây dừa nước của Nam Bộ.

Cuộc “so găng” giữa các phương án kiến trúc cho sân bay Long Thành - 3

Phương án LT-04 có ngoại thất đơn giản, điểm nhấn nằm ở thiết kế nội thất với chất liệu sử dụng là tre nứa.

Tại cuộc họp, cả 9 phương án thiết kế kiến trúc sân bay Long Thành đều đã được báo cáo, trong đó tập trung 3 phương án vào “chung kết” dựa trên đánh giá của Hội đồng đánh giá xếp hạng do Bộ trưởng Bộ GTVT làm chủ tịch.

Phương án được điểm cao nhất (965,85/1000) do liên danh Singapore, Việt Nam, Nhật Bản thực hiện (Phương án LT-07) với ý tưởng thiết kế nhà ga có hình dạng cây dừa nước, một đặc trưng của văn hoá đồng quê, sông nước Việt Nam. Đây là phương án được đánh giá có hình thức kiến trúc hiện đại, kết hợp với việc sử dụng các mảng xanh cảnh quan nội thất trong công trình và sử dụng vật liệu hài hoà, có những điểm nhấn thể hiện được hình ảnh của nhà ga hàng không năng động và hiện đại. Tuy nhiên, kiến trúc mái nhà ga hình rẻ quạt với nhiều nếp gấp cách điệu hình ảnh là dừa nước cũng có thể làm tăng chi phí đầu tư, chi phí thi công và bảo trì công trình.

Phương án do liên danh của Hàn Quốc đề xuất (Phương án LT-03) được hội đồng đánh giá xếp hạng 2 đạt 955,46/1000 điểm, lấy ý tưởng từ hình ảnh bông hoa sen cách điệu, áp dụng trong thiết kế mái, phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, cảnh quan vị trí bên trên mái nhà để xe, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục… Phương án này được đánh giá là hiện đại, màu sắc sử dụng cho các không gian hài hoà, tinh tế, bố cục hoành tráng, có điểm nhấn. Nhược điểm của phương án này là khó khăn trong tính toán hệ kèo mái cho quá trình thi công và làm tăng giá thành. Bên cạnh đó, hình dáng cách điệu hoa sen bị tác giả “ép” vào phần mái nhà ga nên chưa được mềm mại và thể hiện rõ nét hình ảnh hoa sen trên thực tế.

Phương án xếp thứ 3 (Phương án LT-04) đạt 945,08/1000 điểm, do liên danh của Nhật Bản, Pháp đề xuất có quan điểm kiến trúc công trình chủ yếu là điểm nhấn nội thất, phần ngoại thất mái nhà ga sử dụng đơn giản, thuận tiện cho xây dựng, bảo dưỡng. Ý tưởng nội thất chính của tác giả là sử dụng vật liệu tre (hình tượng các nan tre đan xen của các vật dụng tre mà quen thuộc với nhà nông) được thiết kế thành hệ kết cấu đan kết để áp dụng cho toàn bộ các không gian chính của nhà ga. Đây là hướng thiết kế độc đáo, tạo nét khác biệt so với những công trình nhà ga hàng không trên thế giới. Hạn chế của phương án này là phần ngoại thất đơn giản, không đa dạng, đồng thời do chưa có công trình sử dụng kết cấu tre tương tự tại Việt Nam, nên cần phải được nghiên cứu kỹ về độ bền và tuổi thọ của vật liệu, nguồn cung vật liệu với khối lượng rất lớn.

Tổng hợp của Bộ GTVT cho biết, các phương án được người dân lựa chọn nhiều nhất theo thứ tự là LT- 03 (hoa sen); LT-04 (tre) và LT-07 (dừa nước).

Phương án được các Hội nghề nghiệp lựa chọn nhiều nhất là LT-03, LT-07 và LT-04.

Trên trang thông tin điện tử của Bộ GTVT, kết quả lần lượt là LT-07, LT-03 và LT-04.

Như vậy, có thể thấy khoảng cách giữa 3 phương án là không lớn, và quan điểm của Hội đồng, người dân và các hội nghề nghiệp vẫn có sự khác biệt.

P.T