Cuộc “hôn nhân” thời hội nhập: Gai hoa hồng mang lại những nỗi đau

(Dân trí) - Điều hành phiên thảo luận tại Diễn đàn kinh tế mùa thu 2015 chiều 27/8, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc khái quát về bối cảnh hội nhập của DN Việt Nam thời gian qua bằng hình tượng một cuộc hôn nhân mang lại nhiều nỗi đau…

Đội thuyền thúng tả tơi sau 10 năm “ra biển lớn”

vu-tien-loc-1-9b595
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.

Theo đó, hội nhập là cuộc hôn nhân giữa cô gái thôn quê xinh đẹp, trong sáng là kinh tế tư nhân với 1 chàng trai thành thị là kinh tế FDI. FDI mang theo những bông hồng đẹp nhưng nhiều gai để tặng hôn thê là các FTA (hiệp định thương mại tự do). Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của kinh tế tư nhân và kinh tế FDI chưa cho ra kết quả là những đứa con xinh đẹp. Chàng trai FDI vẫn là những ốc đảo, chưa lan toả sức sống được cho vợ con mình.

Ông Lộc chốt lại: “Hương thơm của hoa hồng FTA chưa mang lại hạnh phúc cho cô gái mà chính gai hoa hồng mang đến những nỗi đau”. Từ đó, Chủ tịch VCCI cho rằng, bông hoa cần nhất nhà nước phải tạo cho cô con gái rượu “kinh tế tư nhân” của mình là môi trường lành mạnh để cạnh tranh, phát triển vì hội nhập là cuộc chơi của các tập đoàn lớn, xuyên quốc gia, DN vừa và nhỏ luôn là đối tượng chịu tổn thương trong mối quan hệ này. Nhà nước phải gợi ý cho DN biết phải làm gì trong bối cảnh hội nhập mới.

“Tung hứng” một cách đầy trào lộng với ông Lộc, TS.Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tỏ vẻ nghi hoặc: “Tôi không biết cô gái kinh tế tư nhân mà anh Lộc nói có đẹp hay không nhưng tôi đồ là cô ấy rất gày gò, còm cõi, rõ ràng có vấn đề nghiêm trọng cả về thể lực và trí lực nên đang bị bạt vía trước gió hội nhập”.

Ông Thiên phân tích, đầu tư nước ngoài đúng là mang lại những nguồn vốn lớn nhưng năng lực tiếp nhận của nền kinh tế đất nước còn yếu kém, không theo kịp, không hấp thu được.

Trở lại với nhận định của các chuyên gia phát triển trước đó, ông Thiên “gật đầu” với nhận định, Việt Nam thực hiện đàm phán hội nhập rất  thì tốt nhưng hội nhập lại rất tệ, gần như dậm chân. Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cũng từng than, người đàm phán cứ đàm phán, người ở nhà thì vẫn cứ ở nhà, không làm gì cả, rất chua chát.

TS.Thiên mổ xẻ, có những bài học hội nhập của chính Việt Nam đã trải qua mà đến nay vẫn không tận dụng được. Bài học thành công là ở lần mở cửa, đổi mới, người nông dân Việt Nam đã thực sự can đảm, xông xáo khi không còn đường lùi nữa. Lần thứ 2 Việt Nam thành công là khi thất bại ở ngưỡng cửa WTO, nhà nước đã chuyển sang quyết liệt để ký hiệp định thương mại với Mỹ (vấn đề quá mới mẻ, nhạy cảm lúc đó), đã giúp mở ra cánh cửa, cơ hội khác cho đất nước dấn bước.

Còn bài học thất bại chính là khi chính thức bước chân vào WTO, không gian hội nhập rộng lớn mà chưa chuẩn bị đủ nên cơ hội cũng biến thành thách thức, nhà nước không đỡ được “đòn” ngoại tệ chảy vào nhiều quá dẫn đến lạm phát khiến nhà nước phải can thiệp quá nhiều vào việc xử lý các tình huống khiến thị trường méo mó. Mục tiêu đặt ra là 2018 Việt Nam được công nhận cơ bản là nền kinh tế thị trường đầy đủ thì đến nay, xu hướng đáng buồn lại là cơ chế hành chính hoá nền kinh tế lại tăng lên.

“Chúng ta đang làm theo những phương thức rất kỳ lạ. Sao không chứng minh mình là một nền kinh tế thị trường mà lại đi xin các nước công nhận mình là thị trường. Cơ chế xin - cho được đẩy lên cấp rất cao, toàn người chức to đi xin như vậy. Tại sao xu hướng xin – cho, phân tán quyền lực lại tăng lên như thế này. Đó là bài học cơ bản từ WTO mà ta không rút ra được cho hiện tại về việc chạy theo những áp lực ngắn hạn” – ông Thiên bức xúc.

tran-dinh-thien-e3d9b
TS.Trần Đình Thiên hiện là Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Một lần nữa sử dụng hình tượng, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặt câu hỏi: “Đội thuyền thúng lùa ra khơi của chúng ta năm 2007 (năm Việt Nam gia nhập WTO) đến giờ đã thành gì rồi? Đội thuyền ấy chính là của cô gái kinh tế tư nhân mà tôi lo rằng giờ trông đoàn quân ấy còn tệ hơn chứ không được như lúc khí thế bắt đầu ra khơi nữa”.

Cảnh báo cho ngưỡng cửa mới khi hàng loạt các hiệp định thương mại tự do sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay, đầu năm tới, ông Thiên nhận định, triển vọng để DN Việt Nam gặt hái được các cơ hội khá thấp, hoàn toàn không phải là một khúc ca hào hùng lên. Ông Thiên kêu gọi nhìn thực tế, không tiếp tục vuốt ve, ôm hôn nhau thắm thiết để đến lúc khó khăn lại quay qua… “quại” nhau.

“Sợ hội nhập không khác gì sợ… ma”

Đặt vấn đề Việt Nam có hội nhập “hăng hái” quá, nhanh quá không, có nguy cơ rơi vào bẫy tự do hoá thương mại, TS.Trần Du Lịch lật lại, tư tưởng hội nhập được xác định từ Đại hội Đảng lần thứ 7 với 4 từ “chủ động, tích cực”.

Từ chủ trương đó, sau khi gia nhập WTO, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động hoành tráng khiến bạn bè quốc tế đều rất… nể. Tuy nhiên, hành động triển khai sau đó thì không đáng bao nhiêu, không đi theo mục tiêu đề ra.

Ông Lịch đồng ý với hướng lập luận, hội nhập không làm giảm vai trò của nhà nước mà là thay đổi vai trò nhà nước  mà là thay đổi chức năng của nhà nước, từ nhà nước chỉ huy sang nhà nước can thiệp và rồi thành nhà nước điều tiết (nhà nước kiến tạo phát triển). Theo đó, để cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, vai trò của nhà nước càng lớn hơn khi đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược là thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng.

Lý thuyết thì vậy nhưng thực tế triển khai, ông Lịch day dứt, nguồn nhân lực qua 5 năm thực hiện đột phá chiến lược rồi, nay cũng không rõ “đột được gì, phá được gì”.

Chính vì thế nhiều DN, thậm chí nhiều cán bộ, quan chức nhà nước “sợ hội nhập không khác gì người ta sợ ma vì không biết ma là thế nào”. Theo ông Lịch, điểm cần gỡ là “mô tả… ma”, vẽ ra cụ thể những vấn đề cần phải đối mặt.

Đại biểu cho rằng, vấn đề nâng sức cạnh tranh quốc gia là phải xem xét thay đổi tư duy, bộ máy, con người như thế nào vì nếu tư duy không chuyển thì có làm ra hàng trăm văn bản, nghị định, thể chế mới cũng không mấy ý nghĩa.

Dẫn chiếu với chủ trương giảm thuế trực thu, tăng thuế gián thu, ông Lịch cho rằng, thực tế điều hành lại đi ngược lại khi nhà nước vẫn đẩy tăng trưởng bằng việc tăng cường khai thác dầu, thu thuế dầu. Các hàng rào phi thuế quan để bảo vệ sản xuất trong nước lại im ắng.

Ông Lịch cảnh báo, không có chuyện thế giới phẳng ra, tự do thương mại, bỏ thuế là thả sức xâm chiếm vì mọi chuyện đều bắt đầu từ vấn đề lợi ích quốc gia, các hiệp định tự do tiến tới gỡ bỏ hàng rào thuế quan nhưng sẽ tăng hơn những hàng rào bảo vệ phi thuế quan, “chiến trường” mà Việt Nam đang bỏ ngỏ.

P.Thảo