Quảng Ngãi:

Cuộc chiến tranh giành “kho báu” dưới đại dương

(Dân trí) - Thông tin về con tàu đắm chứa cổ vật ở vùng biển xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị “rò rỉ”, hàng trăm người dân làng chài bỏ biển, đổ về đây để tranh giành từng mảnh đồ cổ, đánh nhau như cuộc chiến “sinh tồn”.

Khi thông tin tàu đắm chứa cổ vật có niên đại từ thế kỷ 14 lan rộng, hàng trăm người dân đã ào ào đổ ra biển, giành giật từng món đồ cổ, xô xát nhau gây thương tích dưới lòng đại dương.


Hàng trăm người dân đổ xô ra biển mong tìm cổ vật


Hàng trăm người dân đổ xô ra biển mong tìm cổ vật

Hàng trăm người dân đổ xô ra biển mong tìm cổ vật

Qua lời kể của chính người trong cuộc tham gia hỗn chiến - một thanh niên tên H. - “Vừa gạt lớp cát ra, tôi thấy hàng chục cổ vật lộ rõ, vừa cầm cái chén sứ đưa lên thì mọi người nhào lại giành giật. Lúc này, do việc hút cát vừa ngưng nên lượng cát làm đục ngầu cả khu vực đang tranh giành. Tay tôi chỉ lo ôm cổ vật, còn chân thì đạp túi bụi và tìm cách thoát ra khỏi nhóm người đó. Cũng chính vì giành giật nhau, nhiều cổ vật bị bể thật đáng tiếc”.

Theo thông tin từ nhiều người dân tham gia lặn tìm cổ vật, hầu hết số cổ vật còn nằm dưới biển đều bị vỡ một phần hoặc hoàn toàn, nếu may mắn thì trong 10 cái chỉ có 2 cái nguyên vẹn. Nguyên nhân chính là do người tìm cổ vật tranh giành nhau.

Ông Võ Tấn Mến - Trưởng thôn Chậu Thuận Biển (xã Bình Châu) - cho biết: “Do tranh giành và xô xát nhau dưới biển để lấy cổ vật, có hơn 5 người dân bị thương. Nếu dùng tay chân đánh nhau ở dưới nước thì lực đánh không lớn, một số người dân đã dùng chính những mảnh vỡ của cổ vật làm hung khí cứa vào người đối phương, thật kinh khủng! May mà nơi tàu đắm gần bờ khoảng 100m, chứ ở xa giữa vùng biển thì rất nguy hiểm”.

Một người dân liều mình ra biển lặn ra con tàu đắm

Một người dân liều mình ra biển lặn ra con tàu đắm

Tối ngày 14/9, rạng sáng ngày 15/9, trên vùng biển xã Bình Châu xuất hiện cơn mưa nặng hạt kèm theo gió to sóng lớn. Tại khu vực tàu đắm chở đồ cổ, gió giật khoảng cấp 5 và tàu thuyền khó trụ vững trên mặt biển, đặc biệt là các tàu quân sự bảo vệ khu vực tàu đắm.

Lợi dụng thời tiết bất ổn, nhiều người dân “hôi của” tìm mọi cách lặn đến tàu đắm lấy cổ vật. Với tinh thần quyết tâm cao, lực lượng Cảnh sát đường thủy, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát cơ động tổ chức ngăn chặn, truy đuổi những người dân “liều mạng”, bất chấp lời cảnh báo của lực lượng chức năng.

Số cổ vật bị vỡ do người dân tranh giành

Số cổ vật bị vỡ do người dân tranh giành

Số cổ vật bị vỡ do người dân tranh giành

Chiều ngày 15/9, hàng trăm người dân tụ tập gần chiếc tàu đắm, bàn tán xôn xao về chuỗi ngày phát hiện cổ vật và cả những phi vụ buôn bán cổ vật trị giá bạc tỷ.

Trao đổi với PV Dân trí, Trung tá Phạm Văn Ban - Thủy đội trưởng Phòng cảnh sát đường thủy - túc trực 24/24 giờ kể từ lúc phát hiện tàu đắm đến nay, cho biết: “Khoảng 23h00 ngày 14/9, lợi dụng thời tiết xấu, nhiều người dân tấn công tàu chứa cổ vật theo nhiều hướng, trong khi lực lượng bảo vệ còn mỏng. Mặc dù vậy, với tinh thần trách nhiệm, chúng tôi phát hiện và dùng còi hú cảnh báo, loa phóng thanh yêu cầu người dân không được phép đột nhập vùng cấm nhưng họ lì quá. Phải đến 2h00 sáng hôm sau, chúng tôi mới ngăn chặn triệt để, không cho người dân nào tiếp cận cổ vật”.

Số cổ vật bị vỡ do người dân tranh giành

Số cổ vật bị vỡ do người dân tranh giành

Ngoài ra, lực lượng bảo vệ thu giữ nhiều ống hút cát, dụng cụ lấy cổ vật như dao, thanh sắt dùng để cậy cổ vật. Trung tá Phạm Văn Ban cho biết thêm: “Hàng đêm, lợi dụng lúc lực lượng bảo vệ mệt mỏi hoặc mất cảnh giác, nhiều người dân vẫn ngoan cố lặn tìm lấy cổ vật, gây mất tình hình an ninh trật tự khu vực. Nếu cơ quan chức năng chậm khai quật ngày nào thì sự bất ổn ở đây còn dai dẳng ngày đó”.

Hồng Long